Nông dân, sinh viên được hỗ trợ 50%

ANTĐ - Ngày 27-9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Điểm nhấn quan trọng trong đề án này là Bộ Y tế đã đề xuất mở rộng và tăng phí hỗ trợ tham gia BHYT cho nhiều đối tượng khó khăn.

Khoảng 65% người bệnh đã có thẻ Bảo hiểm y tế

Tăng mức hỗ trợ

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước còn hơn 30% người dân chưa tham gia BHYT, tập trung vào những người cận nghèo, nông dân, học sinh - sinh viên, lao động tự do…

Đây cũng là những đối tượng rất cần BHYT nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa chủ động, nhiệt tình tham gia. Vì vậy, trong dự thảo đề án BHYT toàn dân lần này,  Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ nhóm học sinh-sinh viên 50% phí mua thẻ BHYT. Với nhóm người cận nghèo hiện đã được Chính phủ hỗ trợ đến 70% giá trị thẻ, tuy nhiên số người tham gia vẫn còn rất hạn chế (mới chỉ đạt chưa đến 30%) nên Đề án BHYT toàn dân đề xuất dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% giá trị tiền thẻ BHYT còn lại đối với người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi hoặc các đối tượng mới thoát nghèo dưới 2 năm. 

Tương tự, với các đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp, Luật BHYT đã quy định từ 1-1-2012 sẽ hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT từ Ngân sách Nhà nước, tuy nhiên do đời sống của các đối tượng này vẫn đang hết sức khó khăn nên trong Đề án BHYT toàn dân Bộ Y tế tiếp tục đề xuất tăng mức hỗ trợ mua BHYT lên 50%... Dù tăng mức hỗ trợ song theo bà Hương, việc nâng cao đối tượng tham gia BHYT vẫn bắt buộc nhưng hiện nay tỷ lệ tham gia cũng chưa đạt 100%.

Tăng cả quyền lợi

Có một thực tế cần phải thừa nhận, lý do khiến người dân chưa thực sự mặn mà với BHYT còn do chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế hiện nay hạn chế, gây phiền hà cho người bệnh, trong khi mức thụ hưởng từ BHYT chưa cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước đây do viện phí quá thấp, các gói dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ chi phí nên giá trị chi trả của BHYT không thể nâng cao. Tuy nhiên với chính sách viện phí mới, các dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ, quyền lợi của người bệnh BHYT chắc chắn sẽ được đảm bảo tốt hơn nhiều, không còn tình trạng phải bỏ tiền túi ra chi trả cho các dịch vụ y tế ngoài khoản tiền đồng chi trả với BHYT. Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các BV cam kết sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, phấn đấu giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2015 và dưới 30% vào năm 2020. 

Hiện tại, độ bao phủ BHYT ở nước ta đã đạt 64,9%. Tại Diễn đàn cấp cao về BHYT toàn dân nằm trong khuôn khổ hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới lần 63 đang diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực để rút ngắn thời gian, lộ trình tiến tới bao phủ BHYT toàn dân. Hàn Quốc đã mất 26 năm cho tiến trình này, Nhật Bản và Thái Lan mất 36 năm. trong khi Việt Nam mới có 20 năm thực hiện BHYT.