“Nóng” cuộc đua trên vũ trụ

ANTĐ - Cuộc đua chinh phục khoảng không vũ trụ giữa các cường quốc hàng đầu thế giới lại thêm “nóng” khi Nga phác thảo một chiến lược vũ trụ mới đầy tham vọng cho 2 thập kỷ tới.

Hai nhà du hành vũ trụ đang làm việc trong khoảng không bên ngoài Trạm vũ trụ ISS

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga vừa công bố dự thảo “Chiến lược phát triển hoạt động vũ trụ đến năm 2030”, trong đó đặt ra mục tiêu bao trùm là duy trì và củng cố vị thế cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới của nước Nga trong tương lai. Theo đó, đến năm 2030, các nhà du hành vũ trụ Nga phải hiện diện trên Mặt Trăng, phóng được các thiết bị vũ trụ lên sao Kim và sao Mộc, đồng thời xây dựng các mạng lưới, các trạm nghiên cứu khoa học trên sao Hỏa. 

Ngoài ra, Nga sẽ thiết kế và chế tạo loại tên lửa hạng nặng, có khả năng đưa lên quỹ đạo các vệ tinh hay con tàu vũ trụ có trọng tải 180 tấn từ sân bay vũ trụ cũng như phát triển hệ thống vũ trụ tái sử dụng. Dự thảo cũng đề cập tới việc các nhà khoa học Nga cần phải đặt nền móng cho thế hệ trạm không gian mới và chuẩn bị cho cuộc thám hiểm của con người tới sao Hỏa.

Nga công bố dự thảo chiến lược chinh phục vũ trụ mới khi cuộc đua ngoài không gian khá nóng bỏng giữa các cường quốc có tiềm lực kinh tế và khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới. Nước Mỹ dù đã dừng dự án tàu con thoi song vẫn triển khai những dự án không kém phần tham vọng và hiệu quả hơn trên vũ trụ.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược cải tổ ngành hàng không vũ trụ Mỹ, trong đó mục tiêu hàng đầu là đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ lên sao Hỏa vào những năm 2030. Mỹ cũng đặt mục tiêu, trước năm 2025 sẽ có một tàu con thoi mới thực hiện những chuyến bay xa hơn Mặt Trăng, tiến sâu vào vũ trụ, tiếp cận các tiểu hành tinh; đưa các phi hành gia Mỹ lên quỹ đạo Sao Hỏa và sau đó trở về Trái đất an toàn vào giữa thập kỷ 30 của thế kỷ này.

Đi sau Nga và Mỹ song với tiềm lực kinh tế cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ, Trung Quốc cũng có những bước tiến được đánh giá là thần kỳ trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ. Sau khi làm thế giới kinh ngạc với việc phóng thành công tàu vũ trụ có người điều khiển lên quỹ đạo Trái đất, Trung Quốc đã phóng thành công trạm vũ trụ Thiên Cung - 1 nặng 8,5 tấn, dài 10,4m, đường kính tối đa 3,35m, tạo ra một phòng rộng 15m2 đủ cho hai hoặc ba phi hành gia sống và làm việc lên quỹ đạo cao 340km từ bề mặt Trái đất. Nhiều cường quốc khác như Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil cũng đặt ra những kế hoạch phát triển nền công nghiệp vũ trụ của riêng mình. 

Trước tầm quan trọng của vũ trụ với sự phát triển kinh tế, quốc phòng, khoa học công nghệ... cũng như sự cạnh tranh trong việc chinh phục khoảng không thì một cường quốc từng có nhiều thành tựu về khoa học và công nghiệp vũ trụ như Nga không thể đứng ngoài. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác với các quốc gia khác trong việc duy trì hoạt động của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), Nga đã dành nguồn ngân sách thích đáng để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ. Nga cũng đã quyết định chi 8 tỷ USD để xây dựng sân bay vũ trụ mới mang tên “Phương Đông” ở ngoại ô thành phố Uglegorsk, cách Thủ đô Matxcơva khoảng 5.800km về phía Đông. Sân bay vũ trụ mới có thể phóng tàu vũ trụ không người lái từ năm 2015 và có người lái từ năm 2018 này sẽ là một cơ sở quan trọng trong việc triển khai chiến lược vũ trụ mới.