- Tăng cường công tác phối hợp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại
- Sẵn sàng dừng tàu, cắt toa xe để bắt hàng lậu
Buôn lậu qua đường sắt, hàng không có xu hướng phức tạp
Tiếp tay, móc nối buôn lậu
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường hàng không vẫn xảy ra tại một số cảng hàng không, sân bay. Cụ thể, đã phát hiện 8 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến ngành hàng không. Đặc biệt, tại các cảng hàng không quốc tế, vi phạm diễn ra với các thủ đoạn tinh vi và có sự móc nối, tiếp tay của nhân viên ngành hàng không.
Điển hình, trên chuyến bay SU 290 của Hãng hàng không AEROFLOT đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày 20-4-2016 có 10 kiện hành lý ký gửi là mỹ phẩm và thuốc lá không có người nhận. Trước đó, ngày 30-1-2016, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không đã phối hợp với Hải quan Nội Bài phát hiện 180kg ngà voi được vận chuyển từ Kuala Lumpur - Malaysia đến Nội Bài - Hà Nội trên chuyến bay VN680 hạ cánh tại Nội Bài lúc 21h40 ngày 29-1-2016…
Theo ông Đào Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm các cá nhân lợi dụng vị trí công tác để buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, tuy nhiên, tình hình này vẫn diễn biến phức tạp.
Quy định pháp luật của các nước về quản lý xuất nhập khẩu, quy định hải quan cũng có nhiều khác biệt nên việc phối hợp với nhà chức trách các nước tại các sân bay nước ngoài và quản lý, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc phát hiện buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua các cảng hàng không chủ yếu do Chi cục Hải quan và cơ quan Quản lý thị trường, do vậy Cục Hàng không cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này với các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không.
Đường sắt cũng nóng
Tình trạng buôn lậu qua đường sắt những tháng đầu năm nay cũng đang có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở phía Nam. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, Công an tỉnh Đồng Nai và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, Bộ Công an đã phát hiện 2 vụ việc với số lượng hàng hóa lên tới hàng chục tỷ đồng tại ga Hố Nai và TP. Biên Hòa.
Cụ thể, lúc 7h00, ngày 14-5-2016 tại ga Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, các đơn vị đường sắt phối hợp với lực lượng Công an, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai kiểm tra toa xe VNR 232144, tàu TN1 xuất phát từ ga Hà Nội, đã tạm giữ 107 (bao, kiện) hàng. Gần đây nhất, ngày 10-6, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản tạm giữ khoảng 70 tấn hàng hóa được vận chuyển trên 7 toa tàu thuộc đoàn tàu H7 tại ga Hố Nai (TP Biên Hòa) không có hóa đơn, chứng từ...
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng với ngành đường sắt còn chưa chặt chẽ. Ngoài ra, ý thức của một bộ phận công nhân viên chức, người lao động chưa cao, vì lợi ích cá nhân nên đã có hành vi tiếp tay, dung túng cho đối tượng lợi dụng phương tiện đường sắt để vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Sắp tới, trong những tháng cuối năm, đặc biệt là sau khi cầu Ghềnh được khôi phục, số lượng hàng hóa, hành khách sẽ tăng cao, đây cũng là thời gian hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trên một số tuyến như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - TP.HCM.
Đại diện VNR kiến nghị, các cơ quan chức năng khi phối hợp với ngành đường sắt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền về việc khám kho, bãi, phương tiện, hàng hóa theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, phải thông báo kết quả xử lý các vụ việc cụ thể cho phía đường sắt để tổng hợp, xác định tồn tại…