Nóng bỏng vi phạm đê điều

(ANTĐ) - Tình trạng vi phạm, lấn chiếm đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được báo động từ lâu. Song, việc giải quyết cho đến nay dường như vẫn chưa triệt để. UBND TP đã quyết định sẽ tiến hành xử lý dứt điểm, triệt để các vi phạm trên. Tuy nhiên, với hàng loạt các vi phạm kéo dài năm này qua năm khác, liệu đợt ra quân này có thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi?

Nóng bỏng vi phạm đê điều

(ANTĐ) - Tình trạng vi phạm, lấn chiếm đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được báo động từ lâu. Song, việc giải quyết cho đến nay dường như vẫn chưa triệt để. UBND TP đã quyết định sẽ tiến hành xử lý dứt điểm, triệt để các vi phạm trên. Tuy nhiên, với hàng loạt các vi phạm kéo dài năm này qua năm khác, liệu đợt ra quân này có thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi?

Đê điều lung lay trước vi phạm

Năm nào cũng ra quân giải tỏa vi phạm đê điều, biên bản vi phạm rồi đến xử phạt, song vi phạm vẫn xảy ra. Để rồi, năm nào TP cũng phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc giải tỏa vi phạm, duy tu đê điều… Đặc biệt, với mức độ vi phạm Pháp lệnh Đê điều hiện nay, các vụ việc cũ tồn lại rồi lại phát sinh mới trên các tuyến đê trên địa bàn thành phố lại thấy bất an khi mùa mưa bão đã kề cận.

Theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, toàn thành phố đang tồn tại gần 5.200 trường hợp vi phạm Pháp lệnh Đê điều. Trong đó có tới 3.024 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê (trên, dưới 5 mét), 1.668 trường hợp vi phạm mặt đê, mái đê, 434 trường hợp vi phạm các công trình vùng bãi, phân lũ, 67 trường hợp vi phạm các công trình kè.

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2009, toàn TP đã phát sinh thêm 127 trường hợp vi phạm. Hầu hết các trường hợp vi phạm Pháp lệnh Đê điều tập trung ven tuyến đê hữu Hồng, tả Đáy… về phía Nam thành phố, gồm các huyện: ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì...

Trong đó, vi phạm phổ biến nhất là tình trạng đào đất phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng: gạch, ngói ngoài bãi sông trên tuyến đê hữu Hồng và tả Đáy. Thậm chí còn khoan giếng, đào ao trên một số tuyến đê xung yếu. Theo đánh giá, việc đào đất làm gạch sâu quá quy định hoặc đào ao thả cá, khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt ven các tuyến đê làm phá vỡ tầng phủ, tăng mức độ thẩm thấu qua thân đê là nguyên nhân gây ra các sự cố mạch đùn, mạch sủi.

Sản xuất gạch ngói đe dọa nghiêm trọng tới đê điều
Sản xuất gạch ngói đe dọa nghiêm trọng tới đê điều

Nghiêm trọng và khó khăn cho công tác giải tỏa là tình trạng xây dựng nhà cửa kiên cố, nhà cấp 4, các công trình xây dựng khác trên hành lang đê điều. Số vụ vi phạm này hiện đã lên tới con số 3.702. Ngành đê điều cho rằng không có đủ thẩm quyền để cưỡng chế vi phạm, còn địa phương lý giải, một số công trình xây dựng trước khi có Pháp lệnh Đê điều hay thiếu kinh phí giải tỏa hoặc chưa quy hoạch được các khu tái định cư bố trí đất ở cho nhân dân trong khu vực cần giải tỏa…

Rồi  tình trạng xây dựng lều lán, mái che, chứa chất vật tư, vật liệu, chất thải, rác thải trên mặt đê, thân đê cũng diễn ra ở tất cả các huyện có tuyến đê gây mất ổn định của kè, bãi sông, thềm sông, gây hư hỏng mặt đê, kể cả những tuyến đê đã được cứng hóa.

Liệu có “bắt cóc bỏ đĩa”?

Theo báo của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, năm 2009, huyện Đan Phượng phát sinh 5 trường hợp vi phạm Pháp lệnh Đê điều, năm 2008 số vụ vi phạm phát sinh thêm 9 trường hợp, từ năm 2007 trở về trước là 175 trường hợp. Như vậy, các vụ việc mới phát sinh với các vụ việc tồn đọng các năm toàn huyện có 189 trường hợp vi phạm Pháp lệnh Đê điều. Song, trên thực tế, số liệu vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn huyện rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ - Phó phòng NN&PTNT huyện Đan Phượng, thống kê đến tháng 2-2009, tổng vi phạm xây dựng trên tuyến đê hữu Hồng là 209 trường hợp, trong đó có 51 trường hợp tái vi phạm trong năm 2009; đê Tiên Tân đã lập 108 trường hợp vi phạm; đê Vân Cốc 78 trường hợp; đê La Thạch và tả Đáy 31 trường hợp; tuyến đê bao Liên Trì 73 trường hợp tái phạm sau đợt giải tỏa năm 2008… Trong tháng 5-2009, lực lượng công an huyện đã giải tỏa 80 trường hợp vi phạm Pháp lệnh Đê điều tại 2 xã Liên Trung và Liên Hà.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, tình trạng người dân ven các tuyến đê trên địa ở huyện Đan Phượng, đặc biệt là tại xã Liên Trung và Liên Hà vi phạm Pháp lệnh Đê điều bằng các loại vi phạm di động vẫn mọc lên như nấm. Không chỉ riêng huyện Đan Phượng, mà ở nhiều địa phương khác, trong khi vi phạm cũ vẫn chưa được dẹp bỏ thì đã phát sinh thêm vi phạm mới.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương, bên đê điều chỉ là cơ quan phát hiện rồi kiến nghị. “Chúng tôi đã có văn bản báo cáo và kiến nghị xử lý nhưng hầu hết các quận, huyện đều bỏ qua. Cấp chính quyền cơ sở mà không làm thì không ngăn chặn được.

Các cấp cơ sở: Phường, xã nếu cứ xử lý theo đúng quy định thì không thể tồn tại vi phạm được, nhưng có khi ngay bản thân chính quyền địa phương lại cố tình làm ngơ cho việc vi phạm, hầu hết các vi phạm về đê điều cơ quan chức năng được phép xử lý mà không xử lý thì phải có vấn đề, không thể giải thích là do không biết” - ông Thuận nhấn mạnh.

Một mùa mưa bão đã đến gần song, vi phạm đê điều đã khiến nhiều tuyến đê, đoạn đê đang lung lay. Sự nỗ lực của TP và các cấp, ngành đợt ra quân quyết liệt lần này có mang lại hiệu quả như mong đợi, liệu tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” trong việc xử lý vi phạm đê điều có lặp lại?

Hải Dương