Nóng bỏng cuộc chiến bảo hộ

ANTĐ - Bảo hộ mậu dịch vốn là một cuộc chiến không kém phần quyết liệt trên thương trường thế giới, cuộc chiến này càng trở nên nóng bỏng trong thời buổi suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nóng bỏng cuộc chiến bảo hộ ảnh 1
Các nhân viên đang lấy thông số về nước bể bơi sau khi đưa hóa chất vào làm sạch nước

Giữa 3 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản có nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại mới khi Washington toan tính tiến tới áp thuế bán phá giá với loại hoá chất chuyên dùng làm sạch bể bơi. Theo đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) ngày 29-10 đã thông qua quyết định mở cuộc điều tra về thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với chlorinated isocyanurates, một loại hóa chất thường được sử dụng để làm sạch nước trong bể bơi, nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản. Cuộc điều tra được tiến hành sau khi USITC nhận được đơn kiện của hai công ty Mỹ Clearon Corp và Occidental Chemical Corporation, cáo buộc rằng biên độ phá giá đã tăng từ mức 129,4% lên mức 218,1% và tỷ lệ trợ cấp giá cao hơn mức 2%. Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, năm 2012, nhập khẩu hóa chất vào thị trường này ước tính khoảng 145,2 triệu USD từ Trung Quốc và 57,7 triệu USD từ Nhật Bản. Sau khi xem xét đơn kiện, cả 4 thành viên USITC đã bỏ phiếu thuận với khẳng định có dấu hiệu cho thấy một ngành công nghiệp của Mỹ đang bị tổn thương nghiêm trọng do việc nhập khẩu hóa chất chlorinated isocyanurates. Tiếp theo quyết định của USITC, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiếp tục cuộc điều tra sơ bộ về thuế chống trợ cấp liên quan đến Trung Quốc vào ngày 9-12 và quyết định sơ bộ về thuế chống bán phá giá liên quan đến Nhật Bản vào tháng 2-2014. Trong trường hợp Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá với hoá chất làm sạch nước bể bơi của Trung Quốc và Nhật Bản, chắc chắn nổ ra cuộc khẩu chiến thương mại mới giữa cường quốc kinh tế lớn nhất với 2 cường quốc kinh tế số 2 và số 3 của thế giới. Cho dù mặt hàng và giá trị của nhập khẩu hoá chất làm sạch bể bơi từ Trung Quốc, Nhật Bản vào Mỹ không lớn song nó càng chứng tỏ “cứ hở ra” là những cường quốc kinh tế hàng đầu nói riêng, các quốc gia trên thế giới nói chung, lại sẵn sàng biến thương trường thành chiến trường. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo xu hướng bảo hộ mậu dịch đang tăng lên trong thương mại quốc tế kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thời khủng hoảng không chỉ gây căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế mà còn cản trở thông thương và nền kinh tế nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển. Theo tính toán, các biện pháp hạn chế thương mại được các nước Nhóm G20 (gồm 20 nền kinh tế phát triển và đang phát triển lớn nhất thế giới) áp dụng từ tháng 10-2008 đã tác động đến 3% mua bán hàng hóa toàn cầu và 4% buôn bán của G20, tương đương với 450 tỷ USD, bằng cả giá trị thương mại hàng hóa hàng năm của châu Phi. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 18% các hạn chế thương mại của G20 được loại bỏ. Trước xu hướng đáng lo ngại trên, WTO kêu gọi các chính phủ, vốn đang bị sức ép lớn trong nước cần chống lại các xu hướng dân tộc cực đoan và thương mại hướng nội, hãy tăng cường các nỗ lực chống sức ép bảo hộ mậu dịch và thúc đẩy các biện pháp tích cực để giữ cho các thị trường luôn mở và tăng cường mở cửa thương mại. Bởi chính sách này không giải quyết được vấn đề kinh tế trong nước mà còn có nguy cơ bị các đối tác thương mại trả đũa.