Nóng… âm ỉ

ANTĐ - Trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề nông nghiệp - nông thôn và nông dân - “tam nông” dường như không làm “nóng” nghị trường như vấn đề giao thông, giáo dục, giá xăng dầu, giá điện. Không “nóng” không có nghĩa là mọi vấn đề về tam nông đã “yên ổn” và vững chắc. Hơn 70% dân số ở nông thôn hiện nay đang sản xuất ra sao, mồ hôi, nước mắt đổ ra có đủ trang trải chi phí và đủ sống? Hàng chục nghìn héc ta đất nông nghiệp mất đi thì sống bằng gì?

Trên Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nhiều nghịch lý. Là vựa lúa lớn nhất cả nước, đảm bảo an ninh lương thực kim ngạch xuất khẩu gạo chiếm 90%, xuất khẩu thủy sản chiếm 65% và hơn 60% lượng trái cây, thế nhưng đồng bằng sông Cửu Long lại có tỷ lệ người nghèo, nông dân tích lũy thấp và sống ở nhà tạm bợ đứng đầu cả nước. Đặc biệt là tỷ lệ trẻ thất học, trẻ suy dinh dưỡng cũng cao nhất.

Theo con số thống kê, thu nhập bình quân đầu người của khu vực này chỉ bằng 2/3 mức trung bình cả nước.

Tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn còn khoảng 11,02%, không ít xã có tỷ lệ nghèo lên tới 18-20%. Nếu tính theo mục tiêu thiên niên kỷ, số hộ nghèo dưới mức 1USD/người/ngày vào khoảng 50%. Nghịch lý lớn nhất là sản lượng lúa ngày càng tăng, kim ngạch xuất khẩu gạo mang về hàng tỷ USD, nhưng đời sống nông dân vẫn khốn khó. Viện Chính sách và Chiến lược khoa học công nghệ nhận định, đầu vào, đầu ra của nông dân đều bị “chém”. Họ mua đầu vào cao, bán đầu ra thấp, lợi nhuận rơi vào tay trung gian. Một nắng, hai sương làm ra hạt lúa, song hạt lúa vàng phải qua tay “cò”, thương lái, nhà máy xay xát, lau bóng gạo. Doanh nghiệp gần như chỉ việc ngồi một chỗ cân đong và quyết định giá bán.

Giáo sư, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp nhận xét, người trồng lúa nghèo triền miên vì thiếu vốn nên phải vay ngân hàng. Sau mỗi vụ lúa, nông dân chen chúc ở ngân hàng để trả nợ. Trả xong nợ cũ mới được vay nợ mới để đầu tư cho vụ tới. Có đến 90% nông dân phải vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu “ăn trước, trả sau”. Là nhà khoa học “nặng nợ” với nông dân. Vị giáo sư cho biết, ngân sách ít ỏi đầu tư vào nông nghiệp (chỉ khoảng 16%) đang teo tóp dần, thì đầu tư công vào các khu công nghiệp lại đang “phình” ra. Chỉ riêng vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã có 177 khu, cụm công nghiệp chiếm 15.500ha, mới cho thuê 700ha. Hiện còn hơn 17.000ha vẫn để hoang hóa, cỏ mọc trong khi nông dân vẫn phải chạy vạy, làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Nhìn từ thực trạng vựa lúa của cả nước có thể nhìn rộng ra toàn cảnh “bức tranh” tam nông. Một chuyên gia đầu ngành nông nghiệp đánh giá rằng, các dự án chiếm đất tràn lan làm hao mòn đất nông nghiệp. Tai họa lớn hơn là khi nông dân cạn tiền đền bù sẽ trở thành những người “ba không”: không đất để trồng, không nghề để sống và không nơi để đi về. Còn nông nghiệp thì rơi vào “ba mất”: mất đất màu mỡ, mất lao động trẻ và mất nguồn chất xám. Trên diễn đàn Quốc hội, một đại biểu bổ sung thêm tình trạng “bốn không” trong chương trình dạy nghề cho nông dân: Không đúng, không trúng, không hiệu quả và không huy động được các nhà khoa học.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khẳng định sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hạn chế lấy đất lúa. Tới đây sẽ cắm mốc đất lúa và công khai diện tích tới từng xã. Muốn chuyển đổi đất lúa phải được Thủ tướng phê duyệt. Rõ ràng, so với vấn đề giao thông, giáo dục, xăng dầu, chuyện tam nông không “nóng” bằng, nhưng vẫn nóng… ẩm ỉ.