Non xưa trong kinh thành Thăng Long

ANTD.VN - Hà Nội cổ có nhiều núi, hầu hết là núi đất do con người bồi đắp. Sở dĩ người ta đắp núi đất vì liên quan đến phong thủy. 

Ngôi đền nhỏ thờ Hắc đế trên đỉnh núi Sưa trong trại Hàng Hoa xưa (nay là Công viên Bách Thảo) 

Một cách nôm na, dù công trình lớn hay nhỏ thì trước phải có tiền án, to thì quả núi, ngọn đồi, nhỏ thì là mô đất nó trấn giữ không cho tà thần hung khí vào chính đường. Bên phải hay bên trái phải có gì được mệnh danh là Bạch Hổ và Thanh Long để hỗ trợ. Sau lưng là hậu chẩm để làm chỗ dựa vững chắc. Lại phải có long mạch thường là con sông hay hồ dài luôn được khai thông để giữ vượng khí.

Nếu mọi yếu tố thuận lợi nhưng về phong thủy lại thiếu hoặc không đầy đủ thì người ta phải sửa lại thiên nhiên, đắp núi giả, đào lại sông uốn nắn theo hướng muốn có. Mục đích của phong thủy là đảm bảo cho công trình tránh được những tác hại của thiên nhiên huyền bí, có được chỗ dựa vững chắc của khí thiêng đất trời. Từ khi Vua Lý Công Uẩn xây cung ở phía Đông thành Đại La, ông đã có ý định hoàn thiện các ảnh hưởng của phong thủy tới thành với mong muốn thành bền vững. Người xưa quan niệm “Cao nhất xích vi sơn” (Cao một mét cũng gọi là núi) nên núi ở Hà Nội không cao. 

Trong trại Hàng Hoa xưa (nay là Công viên Bách Thảo) có núi Sưa. Trên đỉnh ngọn núi này còn có một ngôi đền nhỏ thờ Hắc đế. Tấm biển trên ngôi đền ghi dòng chữ: “Sưa sơn lăng miếu”. Ở đường Hoàng Hoa Thám có núi Voi. Cuối thế kỷ XIX, chính quyền Pháp đã cho phép xây dựng Nhà máy bia Hommel (nay là Nhà máy bia Hà Nội) ở vị trí này. Trong thành Hà Nội xưa cũng có ba núi. Sách “Thượng kinh phong vật chí” (được cho là của Lê Quý Đôn) viết: “Thượng kinh có núi Nùng ở giữa, trên núi có một chỗ hõm xuống gọi là rốn rồng. Phía Bắc có Tam sơn, phía Tây có Thái Hòa, phía Tây Bắc có Khán sơn…”. 

Nùng sơn là núi quan trọng nhất đối với thành Thăng Long xưa. Vua Thành Thái đoán núi Nùng rất cao, có mây bao quanh nên mới viết: “Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc” (Mây trên núi Nùng mang màu kim cổ). Người xưa có câu: “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” nghĩa là núi thiêng không bởi cao mà có thần trên đó linh thiêng.

Nùng sơn là núi thiêng. Nhà sử học Phan Huy Chú viết trong “Hoàng Việt Dư địa chí”: “Núi Nùng ở giữa thành. Triều Lý định đô lấy núi làm đài chính điện, đến thời Lê là điện Kính Thiên, nay (triều Nguyễn) là điện phía trước hoàng cung. Xưa truyền rằng giữa núi có một lỗ hổng là nơi thông hơi của hồ ao và núi, nên gọi là Long Đỗ (rốn rồng)”.

Sách “Đại Nam Nhất thống chí” của nhà Nguyễn cũng chép: “Núi Nùng ở trong thành, có tên nữa là núi Long Đỗ. Lý Thái Tổ đóng kinh đô, dựng chính điện ở trên núi, đời Lê gọi là điện Kính Thiên, bản triều (Nguyễn) đặt làm hành cung, vẫn gọi theo tên cũ, năm Thiệu Trị thứ ba, đổi gọi là điện Long Thiên, điện Đình ở núi Nùng, có xây bệ cao chín bậc, tả hữu có hai con rồng, dài hơn một trượng, chế từ đời Lý”.

Thế kỷ VII - VIII, thần Long Đỗ trở thành “Đô Phủ Thành hoàng Thần Quân”. Làng xưa trở thành kinh đô năm 1010 thì thần Long Đỗ núi Nùng được vua Lý phong là “Quốc Đô Định Bang Thành hoàng Đại Vương”. Khi xây chính điện, đền thần Long Đỗ núi Nùng được dời ra ngoài thành đền Bạch Mã (nay ở số 78 phố Hàng Buồm). Người xưa  gọi là “Nùng sơn chính khí”, tức là khí chất thiêng liêng của Hà Nội cổ. Khi thành thất thủ, người Hà Nội đã cảm khái:

“Uất khi Nùng sơn cây muốn cựa

Thương tâm Nhị thủy sóng tranh xao”.  

Đời nhà Lê, Vua Lê Thánh Tông thường lên Khán sơn xem duyệt binh vì xung quanh có khoảng rộng đủ chỗ cho binh lính diễu hành. Năm Dương Đức (1673), Vua Lê Gia Tông cho dựng chùa trên núi, chùa thờ Phật có cả tượng Lê Thánh Tông. Thời Tự Đức (1848), Bố chánh Hà Nội là Lê Hữu Thanh cùng với Tổng đốc Hà Ninh là Hoàng Thu cho xây một ngôi đình nhỏ trên núi làm chỗ hàng tháng hội họp của văn nhân uống rượu làm thơ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến 

Các nhà Nho Hà Nội như Lê Đình Diên, Nguyễn Siêu lên đây uống hoàng hoa tửu vào tết Trùng cửu (9-9 âm lịch). Sau khi Pháp chiếm thành Hà Nội, núi Khán bị bỏ hoang đổ nát rồi bị phá hủy. Năm 1889, tượng Lê Thánh Tông được đưa về thờ ở chùa Dục Khánh bên cạnh đền Huy Văn. Núi bị san phẳng sau đó xây trường Albert Sarraut. Theo phong thủy, Khán sơn tượng trưng cho sao Kim trấn trị phía Tây Bắc thành. 

Tam sơn có hai doi đất dính  ở phía đầu tách ra ở phía cuối, tượng trưng cho sao Thủy và Thổ, kết nối với đền Trấn Vũ tạo thành vòng cung trấn giữ phía Bắc thành. Tháng 4-1882, thực dân Pháp tấn công thành, thành thất thủ vì ít quân, vũ khí lạc hậu và nhiều tướng đảo ngũ. Giữ khí tiết với Thăng Long, Tổng đốc Hoàng Diệu đã treo cổ tự vẫn  trên Tam sơn. Phía Tây thành có núi Thái Hòa tượng trưng cho sao Mộc bị san phẳng năm 1885. Phía Nam vị trí cột cờ thời Lê cũng là một núi thấp tượng trưng cho sao Hỏa. 

Cùng với núi nhân tạo, Thăng Long còn có sông Tô Lịch được coi là long mạch. Xưa núi Nùng, sông Tô được coi là biểu tượng của Thăng Long. Non xưa không còn, nước xưa cũng bị lấp một phần, cũng là tiếc.