Nơm nớp lo nhà sập

(ANTĐ) - Khu tập thể (KTT) 2 tầng nhà máy xe lửa Gia Lâm (hay còn gọi là khu nhà ray) thuộc tổ 23, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1972. Qua gần 40 năm sử dụng, hàng chục hộ dân gồm nhiều thế hệ đang phải sống trong những căn nhà tạm, chật chội, mối mọt, ẩm mốc, thiếu ánh sáng.
 

Cầu thang và trần nhà đang bị xuống cấp nghiêm trọng

Ăn ngủ theo ca

Ông Nguyễn Công Minh, Tổ trưởng tổ 23 cho biết: “Khu nhà ray trước đây được dựng tạm cho công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm làm nơi làm việc. Tuy nhiên, do nhu cầu về nhà ở cho cán bộ công nhân viên quá bức bách nên đến năm 1986 lãnh đạo nhà máy đã phân cho những cặp vợ chồng trẻ về đây sinh sống. Trải qua nhiều năm, những gia đình này đã phát triển thành nhiều thế hệ. Cả KTT 2 tầng, gồm 1 khu nhà sàn gỗ và 1 khu nhà sàn bê tông có 49 hộ gia đình, nhưng đến nay cư dân đã lên đến hàng trăm người, thậm chí 21 căn hộ ở đây chỉ có diện tích 11,5m2, gồm 3 thế hệ sinh sống…”.

Phần lớn các hộ dân nơi đây đều cơi nới để tăng nhu cầu sử dụng khiến khu nhà vốn đã xuống cấp lại càng thêm tồi tàn. Khu nhà sàn gỗ, cầu thang đã bị mọt ăn nham nhở, bước chân nhẹ cũng có thể nghe tiếng rung cọt kẹt. Các hộ dân phải chắp vá những chỗ đã bị mọt ăn rỗng bằng cách đóng thêm những tấm gỗ để tránh hiện tượng sụt, lún. Những thanh đường ray tàu hoả tận dụng làm khung nhà đã han gỉ, ăn mòn, bong tróc. Trong khi đó, khu nhà sàn bê tông lớp vữa bảo vệ cũng bị bong lở, mủn gần hết. Cả dãy nhà được lợp bằng ngói pro ximăng nóng như trong chảo lửa.

Bà Bùi Thị Mẫn, sống gần 30 năm ở khu tập thể này buồn bã: “Nhà tôi có 11 nhân khẩu nhưng chỉ sinh hoạt vẻn vẹn trong khoảng diện tích 11,5m2. Cực chẳng đã, gia đình tôi phải cơi nới thêm nhưng mọi thành viên vẫn phải ăn, ngủ theo ca. Tầng trên sàn làm bằng gỗ, sử dụng hàng chục năm nay đã bị mối, mọt ăn gần hết, xông xuống cả tầng dưới. Cả KTT chỉ có một nhà vệ sinh chung nên vào những giờ cao điểm, chúng tôi phải xếp hàng”.

“Không chỉ có chất lượng nhà bị xuống cấp trầm trọng mà hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng đã bị hỏng. Lối đi nhỏ hẹp, luôn bị tắc nghẽn, sân chơi không có, căn hộ thiếu ánh sáng, ẩm mốc, mùa đông lạnh, mùa hè lại quá nóng. Những tấm ngói pro ximăng bị ăn mòn theo năm tháng sử dụng nên các hộ phải trát thêm nhựa đường vào những chỗ bị vỡ, nứt. Nhưng đến mùa đông nhựa đường co lại nên vào những ngày mưa gió, trong nhà bị thấm dột chẳng khác nào ngoài trời.

Rác thải vứt bừa bãi bốc mùi hôi thối, dây phơi quần áo giăng khắp nơi, nước thải ứ đọng, côn trùng, chuột bọ hoành hành... nên cuộc sống của chúng tôi luôn bị đe dọa bởi các căn bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng đường ruột và ngộ độc thực phẩm”, ông Vũ Xuân Ninh, ở phòng 209/41A bức xúc.

Nhà đầu tư không mặn mà

Tương tự, gần chục KTT cũ cao từ 2-5 tầng, được xây dựng từ năm 1975-1990 thuộc phường Mộ Lao, quận Hà Đông cũng nằm trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trong số các khu nhà này, có 3 dãy nhà 5 tầng thuộc KTT K5 với 224 hộ dân đang sinh sống xuống cấp nghiêm trọng nhất. Do diện tích mỗi căn hộ khá chật chội (18-30m2), dân số đông nên hầu hết các hộ đều cơi nới trái phép, làm chuồng cọp, ảnh hưởng đến kết cấu, độ an toàn của toàn bộ khu nhà.

Đã nhiều lần, người dân làm đơn đề nghị đơn vị chủ quản và chính quyền địa phương xuống kiểm tra, có biện pháp sửa chữa khắc phục. Tuy vậy, không có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm với lý do nhà đã bàn giao cho các hộ dân nên nếu có vấn đề gì, các gia đình phải tự đầu tư kinh phí sửa chữa. Người dân kiến nghị muốn được mua nhà thì họ lại trả lời KTT hiện đã xuống cấp nghiêm trọng nên không thể bán theo Nghị định 61.

Về vấn đề trên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm: “Sự xuống cấp của 2 khu nhà 2 tầng thuộc KTT Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng. So với các KTT cũ khác, người dân sống trong các khu nhà này phải sinh hoạt trong diện tích quá chật chội, hàng chục hộ dân dùng chung một nhà vệ sinh, điều kiện sống vô cùng thiếu thốn và môi trường bị ô nhiễm. Trước tình trạng này, UBND phường đã có đề xuất với UBND quận Long Biên mời các nhà đầu tư vào kiểm tra hiện trạng, có dự án cải tạo, xây dựng lại 2 khu nhà này. Song do diện tích quá nhỏ (gần 400m2) nên hầu như chẳng có nhà đầu tư nào mặn mà”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND phường Mộ Lao cho biết: “Hầu như năm nào, UBND phường cũng có báo cáo gửi các cơ quan chức năng về tình trạng xuống cấp của các KTT cũ trên địa bàn phường. 3 dãy nhà thuộc khu K5 - KTT với hơn 200 hộ dân đang sinh sống tuy đã xuống cấp nghiêm trọng, song tình trạng cơi nới trái phép diễn ra khá phổ biến từ nhiều năm nay nên rất khó giải quyết. Để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, góp phần cải tạo cảnh quan đô thị tại khu vực UBND phường Mộ Lao đã kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các khu nhà này và đã có một số đơn vị xuống khảo sát hiện trạng, thăm dò ý kiến của các hộ dân nhưng chưa dự án nào được triển khai”…

Để giải quyết tình trạng này, thành phố cần có một chính sách phù hợp, khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà đầu tư hào hứng tham gia cải tạo các khu nhà cũ, đảm bảo điều kiện sống ổn định cho các hộ dân…