Nỗi ước ao giản dị của chàng Tiến sĩ trẻ

ANTĐ - Là một giảng viên trẻ năng động, say mê nghiên cứu khoa học, TS. Nguyễn Minh Ngọc, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã có một bảng thành tích đáng nể với nhiều công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Từng hai lần đoạt giải cao trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc tế, anh thổ lộ luôn mơ ước trở thành giảng viên đại học, một nhà khoa học và giờ chàng trai lớp chuyên Hóa Bắc Giang ngày nào đã thực hiện được ước nguyện đó. 

Nỗi ước ao giản dị của chàng Tiến sĩ trẻ ảnh 1

- Anh đến với ngành Hoá như thế nào? 

- Mình đến với môn Hoá học có sự định hướng của gia đình. Bố mình là giáo viên dạy Hoá nên trong nhà có nhiều sách, tài liệu về Hóa. Ngay từ năm học lớp 8 rồi lớp 9, khi bắt đầu tiếp xúc với môn học này thì ngoài việc học trên lớp, bố cũng hướng dẫn thêm ở nhà nên mình yêu thích Hoá lúc nào không hay.

Sau khi thi Olympic Hoá học quốc tế ở Nga, mình vào học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, đây cũng là ngôi trường mình đang giảng dạy. Tại đây, mình được các giáo sư đầu ngành về Hóa chỉ bảo nên niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình cứ lớn dần lên và giờ thì không dứt ra được (cười).

- Nhiều người bảo Hoá… khô khan lắm!

- Hóa học là lĩnh vực giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Ví dụ, nếu bạn muốn làm sạch sợi dây chuyền (hay chiếc nhẫn) bằng bạc bị đen bẩn mà không muốn kì cọ như rửa xoong nồi, vừa khó sạch lại dễ làm xước vật dụng thì rất đơn giản, hãy đặt nó lên trên một mảnh giấy nhôm mỏng rồi cho tất cả vào nồi nước, thêm vài hạt muối và đun nóng. Trong vài phút, bạn sẽ có một dây chuyền như mới… (cười).

- Ngay từ khi học THPT, anh đã từng hai lần đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc tế. Vậy đâu là bí quyết?

- Mình may mắn được học những khoá đầu tiên của Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Trong lớp có nhiều bạn học giỏi và ý thức học tập cao nên ai cũng phải cố gắng. Thời đó không có nhiều sách, tài liệu và thông tin như bây giờ nên bài giảng của thầy cô luôn được chúng mình ghi chép cẩn thận, có cuốn nào hay là cùng nhau nghiền ngẫm, trao đổi với thầy cô cho đến khi hiểu cặn kẽ mới thôi.

- Nói về các công trình, bài báo khoa học công bố ở các tạp chí quốc tế, nhiều người trong nghề “nể” anh đấy!

- Khi học tập và làm nghiên cứu ở các nước có nền khoa học phát triển thì việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế và tại các hội thảo là yêu cầu bắt buộc. Việc tuyển chọn vị trí nghiên cứu, tăng lương hay xét duyệt đề tài cũng chủ yếu dựa vào năng lực này nên đòi hỏi bạn phải làm việc sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

- Trong số các công trình nghiên cứu, anh tâm đắc với công trình nào nhất?

- Đó là loạt bài báo về nghiên cứu, tổng hợp các loại vật liệu polymer có cấu trúc kiểm soát ứng dụng trong sơn tàu biển, vật liệu y sinh. Vừa rồi, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã quyết định tài trợ để tiếp tục phát triển đề tài nghiên cứu này.

- Anh có dự định khoa học gì không?

- Là cán bộ giảng dạy và nghiên cứu ở Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, công việc chính của tôi là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên làm khoá luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ. Mong muốn lớn nhất của mình là xây dựng được một nhóm nghiên cứu mạnh về chuyên ngành hóa, thiết lập mới và mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để hướng việc nghiên cứu theo chuẩn quốc tế.

- Khi còn du học, đã bao giờ anh có ý định ở lại nước ngoài làm việc?

- Chưa bao giờ mình có ý định sinh sống lâu dài ở nước ngoài dù quả thật, điều kiện, môi trường làm việc ở nước ngoài rất tốt. Mình ước ao Việt Nam cũng có được những điều kiện đó để các nhà khoa học có thêm cơ hội cống hiến.

- Năm 2006, nghiên cứu sinh Nguyễn Minh Ngọc bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Toulon - Var, Pháp với đề tài "Tổng hợp một số copolymer ứng dụng làm sơn chống hà tự bào mòn".

- Từ năm 2006 đến năm 2011, anh là giảng viên Trường Đại học Paris 7, Trường Hoá - Lý - Công nghiệp Paris và Trường Đại học Bordeaux 1, Pháp. 

- Sau năm 2011, TS. Nguyễn Minh Ngọc về nước, công tác tại ĐH Quốc gia Hà Nội.