Nới trần lãi suất USD là cần thiết

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, trong năm nay, lãi suất USD có thể tăng 0,25-0,5% là phù hợp để đáp ứng nhu cầu thanh khoản USD của các ngân hàng hiện nay. 

Nới trần lãi suất USD là cần thiết ảnh 1Tăng lãi suất USD sẽ giảm áp lực lên lãi suất tiền đồng

Trần lãi suất 0% đã hoàn thành sứ mệnh đối với mục tiêu giữ ổn định tỷ giá, bảo đảm vị thế của VND và góp phần giúp gia tăng dự trữ ngoại hối. 

Việc duy trì lãi suất USD 0% để giảm đô la hóa, tăng nguồn cung USD giúp bình ổn tỷ giá là chủ trương đúng trong thời gian qua. Đặc biệt, khi lãi suất USD thấp thì điều này là phù hợp, tuy nhiên với việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED liên tục tăng lãi suất và đặc biệt còn dự kiến tăng nhiều lần trong năm nay sẽ làm giảm nhu cầu chuyển tiền hoặc cất giữ tiền ở Việt Nam và là một nguyên nhân khiến lượng kiều hối giảm.

Đặc biệt, trong điều kiện lãi suất tiền đồng đang chịu quá nhiều áp lực thì việc mở lại tín dụng ngoại tệ để “chia lửa” cho lãi suất tiền đồng là hợp lý. Cụ thể, khi doanh nghiệp được vay ngoại tệ sẽ giảm nhu cầu vay tiền đồng và vì vậy sẽ giảm bớt áp lực lên lãi suất VND.

Khi mở lại cho vay ngoại tệ, các ngân hàng sẽ phải tăng huy động ngoại tệ. Trong khi hiện nay, trần lãi suất huy động USD áp là 0%/năm. Điều này khiến các khoản tiền gửi ngoại tệ được chuyển về dạng không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán. Cùng đó, một lượng ngoại tệ trôi nổi ngoài thị trường, “chôn xuống đất” chứ không gửi vào ngân hàng vì không có lãi suất.

Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem xét mở lại các kỳ hạn tiền gửi ngoại tệ, áp các mức trần linh hoạt hơn, ưu tiên nguồn huy động trung dài hạn để ổn định hơn nữa cơ cấu nguồn.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, trần lãi suất huy động USD giả sử có được nới lên 0,25% thì cũng là mức rất thấp so với lãi suất VND. “Nếu gửi VND trong 1 năm, được hưởng lãi suất 6,5-7%. Giả sử lạm phát so với cùng kỳ là 4,7% thì người gửi tiền VND vẫn được hưởng lãi suất dương”. 

Đồng quan điểm cần thiết nâng trần lãi suất huy động USD, TS Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, trong năm nay, việc điều hành lãi suất  USD theo hướng nâng lên 0,25-0,5%/năm là phù hợp trong điều kiện tăng lãi suất của nhiều nước trên thế giới cũng như đáp ứng nhu cầu thanh khoản USD của các ngân hàng hiện nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần cảnh giác với phong trào “vượt rào” huy động vượt trần, kích thích sự dịch chuyển VND sang USD mà gây áp lực lên tỷ giá. Việc trở lại áp lãi suất huy động USD chắc chắn sẽ có tác động nhất định đối với tỷ giá, có thể có sóng ban đầu. Nhưng chênh lệch lãi suất USD/VND vẫn được giữ ở mức hấp dẫn. Quan trọng hơn là cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay đã có bộ khung chủ động, linh hoạt hơn rất nhiều so với trước để ứng xử tốt hơn với biến động trên thị trường.

“Với chính sách điều hành tỷ giá ổn định, linh hoạt như hiện nay thì vấn đề này không quá lo ngại. Cụ thể, việc điều hành tỷ giá lưu thông không những căn cứ vào lãi suất của các nước trên thế giới mà còn căn cứ vào tình hình kinh tế trong nước và thế giới, kể cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và các đồng tiền khác nằm trong rổ tiền tệ tính tỷ giá. Trong năm 2016, đồng tiền một số quốc gia trên thế giới đã phá giá 10-20% và đó là những đồng tiền nằm trong rổ tiền tệ tính tỷ giá lưu thông của Việt Nam, vì vậy tỷ giá USD/VND chỉ tăng 1,1-1,2%”, TS. Bùi Quang Tín nói.