Nới tín dụng vay mua nhà ở

(ANTĐ) - Hôm qua, 27-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã đề nghị nới chính sách tín dụng để cứu thị trường bất động sản đang lâm nguy. Cụ thể, để tạo nguồn cho các dự án đang đình trệ vì đói vốn, Bộ Xây dựng kiến nghị, cần phải tăng tỷ trọng cho vay đối với một số khoản như vay xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh và vay mua nhà để ở.

Nới tín dụng vay mua nhà ở để cứu thị trường. Ảnh minh hoạ

Mở vốn “cứu” bất động sản

Trước sự tuột dốc thê thảm của thị trường bất động sản vì khát vốn, các cơ quan chức năng đã tỏ ra sốt ruột. Bình luận về tình hình thị trường, các chuyên gia bất động sản nhìn nhận, thị trường bất động sản trầm lắng tới mức đáng ngại, giao dịch đóng băng ở nhiều phân khúc như căn hộ cao cấp, biệt thự, văn phòng cho thuê... Các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên tục tổ chức khuyến mãi, giảm giá hoặc đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ, tiếp thị rất hấp dẫn... nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, sẽ tạo thêm nhiều áp lực không chỉ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư bất động sản mà còn tác động tiêu cực tới các ngành sản xuất liên quan, kể cả tài chính, ngân hàng.

Nhìn nhận yêu cầu không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản là bắt buộc, song Bộ Xây dựng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vẫn có thể điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản nhằm tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Đồng thời, khắc phục những khiếm khuyết để thị trường bất động sản trở thành động lực, thúc đẩy các thị trường khác phát triển, tạo cơ sở vật chất cho xã hội và giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân, đồng thời không để thị trường bất động sản trở thành nhân tố tác động gây lạm phát cao, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế.

Theo đó, để “phá băng” trên thị trường, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và có hướng dẫn các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phải giảm tỷ trọng một số khoản mục như vay xây dựng khu đô thị; vay xây dựng văn phòng cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường GPMB, khởi công dự án mới.

Đặc biệt, cần phải tăng tỷ trọng cho vay đối với một số khoản mục như: vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở. Một số khoản mục khác có thể giữ nguyên tỷ trọng như vay xây dựng - kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.

Chuyển nợ

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu thêm hình thức “chuyển nợ” từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà, bằng cách này sẽ không làm tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng thống nhất với NHNN sẽ thiết lập cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan để trao đổi thông tin hàng tháng về tình hình tín dụng bất động sản và tình hình thị trường bất động sản, làm cơ sở tham mưu với Chính phủ về quản lý thị trường bất động sản và tín dụng bất động sản.  

Bình luận về việc hé mở tín dụng cho bất động sản ở thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nên có sự phân định các ngành và lĩnh vực thuộc bất động sản để thấy rằng không hoàn toàn là phi sản xuất và việc siết lại cho vay toàn bộ khu vực này là chưa hợp lý. Ông nói: “Cho vay để phát triển các KCN, để tạo lập nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị đang rất cần được khuyến khích. Còn đối với cho vay để xây dựng cơ quan, văn phòng, chợ, trung tâm thương mại hay cho vay cá nhân để xây dựng và sửa chữa nhà ở... cũng rất cần thiết để phục vụ đời sống và an sinh xã hội. Ngoài ra, xây dựng và bất động sản là đầu ra của các ngành công nghiệp, sản xuất vật liệu như xi măng, sắt thép, gạch ngói, thiết bị sứ vệ sinh... Nếu xem bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất và ngừng cho vay toàn bộ hoạt động của lĩnh vực này một cách không chọn lọc và thiếu linh hoạt sẽ gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp, thiệt hại cho các ngành sản xuất trực tiếp và bất ổn cho hệ thống tài chính ngân hàng...”.