“Nội soi” lạm phát

ANTĐ - Trong phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, phân tích làm rõ nguyên nhân lạm phát. Từ đó đề xuất các giải pháp cơ bản, ứng phó có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, trình Chính phủ xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 9. Trước đó, trong quá trình thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011 của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng lý giải nguyên nhân lạm phát chưa thấu đáo và thuyết phục.

Một trong những nguyên nhân “đẻ” ra lạm phát được giới “chuyên gia “mổ xẻ” nhiều là đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế liên tục cao trong mấy năm qua cũng góp phần đẩy lạm phát “nóng” lên. Song, theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu kinh tế, lạm phát là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của nền kinh tế. Bởi về cơ bản, bản chất của lạm phát chính là quan hệ tiền-hàng; tiền nhiều hơn lượng hàng hóa dịch vụ. Hiện có hai luồng ý kiến về “gốc” bệnh lạm phát của Việt Nam. Luồng ý kiến của phần lớn nhà quản lý, giám sát và một số chuyên gia có uy tín cho rằng lạm phát bắt nguồn từ phía cầu và mối quan hệ giữa tổng cầu và số lượng tiền cung.

Theo định nghĩa, tổng cầu là tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản. Tổng cầu còn bao gồm cầu cho sản xuất và tiêu dùng cuối cùng. Nhu cầu cuối cùng gồm có nhu cầu cho tiêu dùng của hộ gia đình và chi tiêu cuối cùng của Chính phủ. Chính kiểu sử dụng thuật ngữ kinh tế theo kiểu “thuộc lòng”, đôi khi dẫn đến sự ngộ nhận, thậm chí góc nhìn sai lệch về lạm phát. Việc thắt chặt tiền tệ từ cuối năm 2010 đến nay nhằm giải quyết mối quan hệ giữa lượng tiền và hàng hóa. Năm 2009, dư nợ tín dụng cho tiêu dùng cuối cùng của hầu hết các ngân hàng thương mại chỉ chiếm 10,5-12% trong tổng dư nợ. Đến năm 2011, do thắt chặt tiền tệ và mức lãi suất cao, hầu như không ai dám vay cho tiêu dùng. Lâu nay người dân chỉ hiểu nôm na lạm phát là do “mất thăng bằng” giữa cung tiền và hàng hóa. Thế nhưng hầu hết các chuyên gia cũng như các nhà hoạch định chính sách đều chỉ quan tâm đến thắt chặt tiền tệ ở một vế là lượng cung tiền. Vế thứ hai là lượng hàng hóa thì hầu như bị “lãng quên”. Nếu lượng hàng hóa ngày càng ít dần, khan hiếm thì việc thắt chặt kinh tế phỏng có tác dụng gì?

Vì vậy, luồng ý kiến thứ hai của một số chuyên gia cho rằng cần thiết phải tăng cung hàng hóa. Họ lý giải, đúng là khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao thì người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Song, cũng nên lưu ý rằng suốt từ năm 2010 đến nay, chỉ số giá sản xuất luôn tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi đó, hơn 13.000 tỷ đồng “chôn” trong hàng tồn kho tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, chứng tỏ khó khăn của các doanh nghiệp còn lớn hơn cả người tiêu dùng. Khó khăn của doanh nghiệp cộng với việc thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao khiến cho lượng hàng hóa giảm đi. Như vậy mất cân đối về cung tiền và hàng hóa không giảm sút.

Ý kiến của một số chuyên gia, sau khi “nội soi” nguyên nhân lạm phát nhận định, lạm phát là do cả hai: Cung tiền đầu tư quá mức cho tăng trưởng từ nhiều năm trước nên thắt chặt tiền tệ chưa có tác dụng nhiều. Việc thắt chặt cũng như nới lỏng lãi suất lệch trọng tâm dẫn đến cung hàng hóa đã yếu càng yếu hơn.