Nỗi sợ làm giáo viên chủ nhiệm

ANTĐ - “Thoát rồi, năm nay không phải làm giáo viên chủ nhiệm!” - một người bạn làm giáo viên THCS ở Hà Nội hồ hởi thông báo. Vì sao một giáo viên tay nghề “cứng”, bám trường hơn chục năm nay lại mừng đến vậy khi không phải phân công chủ nhiệm? Có thể có nhiều lý do nhưng phải chăng vì sự giảm sút niềm vui và quan hệ thầy trò “trục trặc”?

Giáo viên chủ nhiệm nhiều niềm vui nhưng lắm nỗi lo


Dốc toàn tâm, toàn ý

“Bận hơn con mọn”- cô N.H.Linh, giáo viên trường THCS Giảng Võ cho biết. “Nhà nào chỉ có 2 đứa con mà bố mẹ đã tối mắt tối mũi vì chăm cho con học, con chơi, mỗi đứa mỗi tính. Một lớp có tới 40-50 trò, từng đó tính cách, hoàn cảnh. Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) không sát sao, không bám lớp thì có khi rối tung lên lúc nào không biết”- cô Linh tâm sự.

Chẳng thế mà một GVCN trẻ đã phải “đăng đàn” mạng giáo viên sáng tạo để xin ý kiến những người đi trước vì trong 4 tuần đầu tiên làm GVCN, cô giáo này không ngày nào không lo lắng. “Lớp tôi thuộc loại khó bảo nhất trong khối. Lúc đầu tôi nghĩ mới lớp 10 thì các em sẽ rất ngoan vì mới chuyển cấp nhưng tôi đã nhầm” - giáo viên này tâm sự. Dù đã dùng đủ mọi cách ngọt ngào, tâm sự thậm chí là la mắng, doạ nạt mà vẫn không làm các cô cậu lớp mình ngoan hơn chút nào. “Ngày nào tôi cũng lên lớp sớm tham gia sinh hoạt 15 phút đầu giờ chung với các em nhưng cũng chẳng cải thiện được gì. Hôm nay, khi ra về rồi, 2 học sinh lớp tôi lại đánh nhau... Thực sự tôi không biết cách làm sao để thay đổi tình trạng này nữa”.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm công tác chủ nhiệm, cô Trần Thị Bích, giáo viên trường THPT Kim Anh, Sóc Sơn cho biết, bí quyết để “thu phục” những lớp học sinh ngỗ nghịch là phải làm cho các em phục giáo viên. Muốn vậy giáo viên phải toàn tâm, toàn ý, quan tâm tới học sinh trên mọi khía cạnh. Đây cũng là điều mà TS. Trần Thị Minh Hằng, Trưởng khoa Giáo dục Học viện Quản lý giáo dục đề cập khi nói về vai trò, nhiệm vụ của một GVCN. Theo đó, nghiệp vụ của một GVCN là cần thu thập càng nhiều thông tin của học sinh càng tốt. GVCN cần nắm bắt tâm lý học sinh từ đó mới hiểu rõ tính cách của mỗi em” - bà Hằng phân tích. “Nhiều thông tin như ông bà, bố mẹ em làm nghề gì, ước mơ ra sao cũng sẽ hữu ích cho GVCN vì không gì thuyết phục học sinh hơn khi cô giáo nắm bắt được những điều em mơ ước hay hoàn cảnh của gia đình em”. Tuy nhiên, phần lớn GVCN khi được hỏi đều cho rằng khó có thể thực hiện đầy đủ yêu cầu này bởi sức ép công việc quá lớn.


Nhọc nhằn và kiêu hãnh

Lý do muốn né trách nhiệm của GVCN cũng dễ hiểu khi hàng loạt công việc đặt trên vai GVCN và có thể gây sốc cho bất cứ giáo viên nào nếu không chuẩn bị kỹ tinh thần. Ngoài phụ trách bộ môn như các giáo viên khác, GVCN thường phải kiêm nhiệm thêm môn giáo dục công dân, phải thường xuyên có mặt vào giờ đầu tuần, giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần, phải tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp... “Công việc ngoài chuyên môn rất nhiều. GVCN thường phải phụ trách rất nhiều khoản thu của học sinh mỗi tháng hay học kỳ như học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, quỹ của hội cha mẹ học sinh… mất rất nhiều thời gian. Nếu có các phong trào đoàn đội, từ thiện thì cũng lại một tay GVCN quán xuyến...” - Cô Linh cho biết.

Bao nhiêu công việc nhưng GVCN chỉ được tính thêm giờ công là 4 tiết/tuần so với giáo viên bộ môn, ngoài ra không được thêm bất cứ quyền lợi, trợ cấp nào.

Điều khiến giáo viên e ngại nhất không phải là công việc mà là áp lực tinh thần. “Nhiều học sinh bây giờ chẳng sợ gì. Chúng đi học như học hộ bố mẹ, hộ giáo viên. Điểm kém cũng chẳng sợ, ghi tên cũng không ngại. Có học sinh mời bố mẹ đến trường cũng không biến chuyển, nếu GVCN không kiềm chế được mà có bất cứ hành động, lời nói nào không hay thì hậu quả là khôn lường. Giáo viên bây giờ còn sợ học sinh hơn cả sợ hiệu trưởng” - cô Linh tâm sự. “Nếu hỏi học sinh ghét ai nhất thì tôi chắc là các em sẽ nói ghét GVCN vì cô suốt ngày hỏi han, căn vặn, dặn dò rồi phạt, rồi viết kiểm điểm...”. Học sinh hư đã đành nhưng học sinh giỏi cũng còn nhiều điều gây phiền lòng vì “Các em giờ suy nghĩ nhiều cho bản thân, ít quan tâm tới mọi người nên không gắn bó với thầy cô. Đấy là chưa kể quan điểm tiền bạc của phụ huynh cũng ảnh hưởng đến học sinh khiến các em nhìn giáo viên nói chung, GVCN nói riêng nhiều khi thiếu sự tôn trọng”- cô Bích cho biết.

Nói vậy nhưng làm GVCN cũng mang lại niềm vui nho nhỏ, thầm lặng. Cô Trần Thị Bích chia sẻ,  “Điều khiến tôi hạnh phúc nhất trong nhiều năm làm nghề giáo là mới đây, một học sinh cũ từng bất cần, phá phách vì bố mẹ li dị, giờ đã trưởng thành, và tự mở được một nhà hàng. Em và các bạn cùng lớp đã mời tôi đến dự khai trương. Đứng trước khách mời trong đó có mẹ của mình, em nói “không có cô con không có ngày hôm nay, và cũng không có nhà hàng này”.