Nơi rẻo mây

ANTĐ - “Sa Pa là vùng đất xinh đẹp không chỉ vì cảnh quan mà còn bởi sự hội tụ của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dịp xuân về, mảnh đất “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” lại rực rỡ  sắc trắng hoa mận, sắc hồng hoa đào cùng những lễ hội đặc sắc của người Mông, người Dao, người Giáy.

Nhập gia tuỳ tục

Đó là những lời Thượng tá Phạm Gia Chiến - Trưởng Công an huyện Sa Pa nhắn nhủ với tôi trong một buổi sáng đầy nắng và gió, khi không khí xuân và lễ hội đang hiện diện trên từng bản làng của núi rừng Tây Bắc. Là huyện miền núi, lại có đường biên giới quốc gia tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Sa Pa có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, kinh tế của khu vực Tây Bắc và các tỉnh phụ cận, cùng hệ sinh thái phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên, với đặc sắc văn hoá của 25 dân tộc anh em cùng các mùa lễ hội quanh năm đã và đang có sức thu hút khách du lịch trong nước và khắp nơi trên thế giới đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Mặc dù, đây không phải là lần đầu tiên tôi đến Sa Pa, nhưng những gì tôi biết về các anh - những người có nhiệm vụ giữ vững ổn định an ninh trật tự và đảm bảo bình yên cho vùng rẻo cao xem ra vẫn thật ít ỏi.

Dừng xe trên đường Mường Hoa, nơi mà cung đường ôm lấy những thửa ruộng bậc thang nằm giữa lưng chừng núi nhìn ra đỉnh Phanxipang hùng vĩ, khoáng đạt, chúng tôi được người quản lý khách sạn Bamboo Sa Pa chào đón thân tình. “Với địa bàn luôn sôi động khách du lịch đến thăm quan, thưởng ngoạn như Sa Pa, việc kiểm tra đăng ký tạm trú và lưu trú, quản lý kinh doanh lữ hành nếu không được làm chặt chẽ và không có sự giúp đỡ của công an các xã, đặc biệt là CAH Sa Pa chắc chúng tôi không thể đảm bảo an toàn 100% cho khách trong thời gian lưu trú tại đây. Các anh chính là những người đem lại sự bình yên cho người dân và khách du lịch trên vùng đất quanh năm bạt ngàn mây phủ này”, ông Dương Huy Hoàng, đang làm việc tại khách sạn Bamboo Sa Pa chia sẻ.

Đến xã Tả Phìn và Tả Van khi ánh mặt trời đã lên cao, hắt những tia nắng bừng sáng như những dải lụa vàng óng ánh từ phía chân trời, tôi cảm nhận rõ không khí xuân đang rộn ràng trên khắp bản làng vùng cao. Đây cũng là nơi tập trung khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu văn hóa đặc sắc của những bản làng người dân tộc Mông và Dao sinh sống. Đường vào thôn bản, nhiều đoạn khó đi, trơn trượt khiến chúng tôi phải xuống xe đi bộ. Vượt qua những đoạn đồi, lúc lên cao, lúc xuống thấp, tôi mới thấy hết nỗi khó khăn, vất vả của các đồng chí công an trong công tác kiểm tra, giữ gìn an ninh trật tự cho khách du lịch.

Thượng tá Phạm Gia Chiến cho biết: “Đến nay, Sa Pa đã có140 cơ sở lưu trú, với hơn 2 nghìn phòng, trong đó có nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 sao đến 4 sao, hàng chục điểm nhà trọ lưu trú ở các thôn bản, với nhiều công ty kinh doanh hoạt động du lịch. Chính vì vậy, để quản lý tốt hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú cũng như kết nối đầy đủ những thông tin của khách trong thời gian nghĩ dưỡng tại đây cần sự hợp sức của rất nhiều đơn vị. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng để đưa công tác đăng ký lưu trú trực tuyến vào hoạt động, giảm bớt phần nào vất vả cho anh em trong quá trình làm việc...”.

Bất ngờ thú vị

Với lượng khách đa dạng, chủ yếu từ các nước Mỹ, Anh, Bỉ, Hà Lan, Pháp... và một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á đến tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, nghiên cứu các giá trị văn hoá, trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng dân cư bản địa, thưởng thức các danh thắng như Thác Bạc, núi  Hàm Rồng, ruộng bậc thang, dãy núi Phanxipang hùng vĩ, nên Sa Pa không lúc nào vắng bóng khách du lịch nước ngoài. Do vậy, để quản lý tốt, tránh xảy ra những vấn đề phức tạp về an ninh, đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của những khách du lịch này luôn được CAH Sa Pa chú trọng.

Đặc biệt, với loại hình du lịch homestay (khách du lịch nước ngoài ăn ở trong nhà dân bản), công an các xã phải xuống các bản làng, trực tiếp đến các hộ gia đình bất kể thời gian, hay thời tiết khắc nghiệt kiểm tra khu vực lưu trú, giữ an toàn cho khách. Với diễn biến khí hậu liên tục thay đổi, khác biệt theo thời gian và không gian, nhiệt độ trong ngày khi lên cao, lúc xuống thấp, địa hình đồi núi hiểm trở, khó đi, có nhiều đêm mưa lớn gió lạnh căm căm, sương mù dày đặc nhìn đường còn khó huống chi vượt đèo, lội suối, nhưng khi CBCS được giao nhiệm vụ, các anh luôn đặt công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho khách du lịch lên hàng đầu. Để đạt hiệu quả công việc cao, CAH cùng công an các xã phải liên tục phối hợp với các cán bộ cơ sở để giữ ổn định an ninh trên từng địa bàn có khách nước ngoài cư trú.

Cũng bởi Sa Pa là một trong những địa bàn có lượng khách “tây” đông nhất cả nước đến tham quan, lưu trú nên CBCS công an ở đây bên cạnh việc làm tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ còn phải có vốn tiếng Anh nhất định để có thể giao lưu, đối thoại trực tiếp với người nước ngoài. “Rất mừng là đến nay 100% CBCS đang công tác tại công an huyện và cả công an các xã đã nỗ lực học hỏi, giao tiếp với khách nước ngoài bằng tiếng Anh nên việc giải quyết, xử lý các thông tin, cũng thuận lợi và dễ dàng hơn”- Thượng tá Phạm Gia Chiến chia sẻ. Tình cờ, trong khi cùng các anh xuống bản làng của người Dao sinh sống, tôi bắt gặp một đoàn khách du lịch người Úc đang không rời mắt, chụp ảnh và quan sát những phụ nữ Dao say sưa thêu thùa trên những tấm thổ cẩm đầy mầu sắc.

Bất giác, một đồng chí công an xã cười tươi rói tiến về phía họ chào hỏi rôm rả: “Hello guy. How are you today? Do you like this brocade pattern?” (Chào các bạn. Hôm nay các bạn có khoẻ không? Bạn có thấy thích những mẫu thổ cẩm này không?). Và như để đáp lại sự thân thiện, ấm áp của những đồng chí công an Việt Nam, một cô bé dễ thương – con của cặp vợ chồng người Úc, có đôi mắt trong veo, ánh lên sự thích thú tiến về phía chúng tôi vồn vã: “They would take so long to finish this brocade. I’d like to try” (Chắc họ phải mất thời gian khá lâu để hoàn thành tấm thổ cẩm này. Cháu rất muốn thử). Không bắt cô bé phải chờ đợi lâu, Thượng tá Chiến bước tới nắm tay cô bé dẫn vào phía trong lán ân cần: “If you want, you can try  now. Please don’t get hurt yourself” (Nếu cháu muốn cháu có thể thử ngay bây giờ! Làm ơn đừng làm đau mình nhé), và không quên nháy đôi mắt hỏm hỉnh trêu đùa cô bé. Các anh đã đưa tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, bởi lẽ tôi nhận thấy CBCS công an ở đây không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn giao tiếp tiếng Anh với khách nước ngoài rất tốt.


Khách “tây” lưu luyến trời “ta”

Có lẽ hiếm ở đâu lượng khách nước ngoài mong muốn đặt chân đến khám phá và tìm hiểu danh lam thắng cảnh và con người như ở Sa Pa. Song, điều khiến nhiều du khách có ý định quay trở lại là bởi nhiều an ninh ở đây luôn được đảm bảo. Anh Legin Williams, khách du lịch người Mỹ cho biết: “Tôi thật sự cảm thấy ấn tượng với những trải nghiệm trong tour du lịch đến Sa Pa lần này. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được hoà mình vào không khí đón năm mới trong khung cảnh núi rừng hoang sơ. Sống với người dân bản tôi như thấy mình trở về với thiên nhiên. Người dân ở đây rất mộc mạc và bình dị, khác xa với những địa danh mà tôi đã từng đến. Tình hình an ninh ở đây cũng rất tốt, lực lượng công an rất thân thiện. Ấn tượng hơn cả là vừa mới hôm qua, CAH Sa Pa đã tìm lại toàn bộ giấy tờ mà tôi bị mất khi đang trên đường vào bản. Tôi rất cảm kích và hạnh phúc vì điều này. Nhất định tôi sẽ cùng những người bạn trở lại đây trong một ngày rất gần”.