Nới quy định số con của mỗi cặp vợ chồng?

ANTD.VN - Bộ Y tế tiếp tục đề xuất quy định các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con của mình thay cho chính sách mỗi gia đình chỉ được sinh đến 2 con như hiện nay.

Mức sinh hợp lý có thể sẽ được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp theo từng vùng

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp với đại diện các bộ, ngành liên quan để tư vấn, thẩm định đề nghị xây dựng Luật Dân số của Bộ Y tế nhằm đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIV. Đáng chú ý, tại bản dự thảo Luật Dân số mới nhất, Bộ Y tế đưa ra  phương án quy định mỗi cặp vợ chồng được tự quyết định và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, Nhà nước về số con. 

Không quy định “cứng”

Theo Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế, dự thảo Luật Dân số do Bộ này chủ trì xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Một trong những nội dung lớn được quan tâm tại dự thảo là quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về DS-KHHGĐ. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyền quyết định có trách nhiệm, bình đẳng về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh theo quy định của Nhà nước về mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước và mỗi địa phương. 

Trước đó, cơ quan này đã đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến nhân dân và các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Theo phương án 1, Bộ Y tế đề xuất quy định theo hướng mỗi cặp vợ chồng được tự quyết định số con và Nhà nước khuyến khích cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Còn phương án 2 là tiếp tục quy định như hiện hành là mỗi gia đình chỉ được sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. 

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, ông Nguyễn Văn Tân, quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ cho biết, bước đầu, số lượng người dân đồng thuận với phương án tự quyết định số con khá nhiều nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng thuận. “Dự kiến Luật Dân số sẽ được đưa vào chương trình làm luật và trình Quốc hội vào năm 2018. Từ giờ đến thời điểm đó chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến người dân”, ông Nguyễn Văn Tân nói.

Dù chưa “chốt” phương án nào, song theo quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, điều quan trọng là chính sách được đưa ra phải trên cơ sở các quyền căn bản của con người, phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội và sự phát triển của đất nước.  Vì thế trong bối cảnh hiện nay, Tổng cục DS-KHHGĐ không khuyến khích, vận động gia đình sinh nhiều con nhưng cũng không khuyến khích các gia đình sinh 1 con hoặc không sinh con.

Chuyển trọng tâm chính sách dân số

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, so với thời điểm hoạch định chính sách DS-KHHGĐ (năm 1961), dân số nước ta hiện nay đã xuất hiện những đặc điểm và những xu hướng mới. Những đặc điểm và xu hướng này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, mục tiêu của chính sách DS-KHHGĐ là giảm sinh hiện đã đạt được một cách vững chắc. Dự báo, dân số Việt Nam giai đoạn tới vẫn tiếp tục tăng nhưng sẽ chậm lại (giai đoạn 2009-2019 bình quân hàng năm khoảng 1%, sau đó sẽ dưới 1%). Năm 2025, nước ta sẽ có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 106-107 triệu vào giữa thế kỷ. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam đã bước vào quá trình già hóa...

“Trước đây, chính sách DS-KHHGĐ chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới sẽ phải tính tới nhiều nội dung hơn, với phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Riêng về chính sách KHHGĐ, chúng ta sẽ chuyển trọng tâm nhưng không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Điều này có nghĩa là phải giải quyết toàn diện các vấn đề không chỉ về quy mô dân số mà phải tính tới cả cơ cấu, phân bố dân số ở từng vùng, đặc biệt là phải nâng cao chất lượng dân số. Do đó, việc xây dựng Luật Dân số tới đây sẽ phải đáp ứng được đầy đủ các yếu tố này.