Nỗi niềm “nước mắt chảy xuôi”

ANTĐ - Vừa hớt hải đi chợ về đến nhà, bà Hoàng Thị Hạnh, ở phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội đã tất tả nấu nướng thức ăn cho đứa cháu nội gần 2 tuổi, chuẩn bị bữa trưa cho cả gia đình. Ở tuổi 63, đáng ra bà phải được nghỉ ngơi thì giờ lại bận tối mắt vì chăm con, chăm cháu…

Việc gì cũng đến tay

Ngày nào cũng vậy, cứ 6h sáng là bà Hạnh lại dậy đi chợ. Vốn tính chịu khó, sạch sẽ, bất kể việc lớn, nhỏ trong gia đình bà đều cố gắng đảm đương, quán xuyến chu toàn để các con về đến nhà chỉ việc nghỉ ngơi sau cả ngày đi làm vất vả. Ngay cả cuối tuần, vợ chồng cậu con trai út đang ở với ông bà cũng thường vô tư ngủ tới gần trưa. “Cứ tưởng, có con dâu tôi sẽ được đỡ đần, nghỉ ngơi, ai ngờ sau khi cưới xong, nó lại có thai luôn nên hầu như không phải mó tay vào bất cứ việc gì. Ngày nào, vợ chồng chúng cũng đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Mọi việc trong nhà đều một tay tôi lo hết, từ bữa ăn, giấc ngủ của đứa cháu nội, đến dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu nướng cho các con. Nhiều khi cơm canh bày biện sẵn sàng chỉ chờ các con về nhưng chúng ở nhà ăn cho thì đã tốt, đằng này đến gần bữa cơm vợ mới gọi điện về báo: “Hôm nay vợ chồng con hẹn với bạn đi ăn ngoài. Bố mẹ và cháu cứ ăn trước đi không phải chờ đâu…”. Lắm lúc tôi cũng thấy tủi thân, bà Hạnh than thở.

Bà Hạnh chép miệng thở dài: “Ngày xưa đã từng đi làm dâu, phải chịu khổ nhiều rồi nên tôi chẳng bao giờ phân biệt con dâu hay con đẻ. Thôi thì còn chút sức lực giúp được cho chúng cái gì hay cái đó. Hầu con, hầu cháu cũng là niềm vui của tuổi già. Nhưng lắm hôm con dâu về đến nhà, chỉ việc bế con khi nó đã tắm rửa sạch sẽ, mỗi việc ngồi vào bàn ăn cơm tối cùng gia đình, rồi chơi với con mà cứ 5 phút chúng lại gọi mẹ một lần. Dường như chúng chẳng biết đến nỗi vất vả của bố mẹ khi cả ngày lăn lóc chăm sóc thằng bé, rồi có cơm dẻo, canh ngọt, nhà cửa sạch sẽ cho chúng về khỏi phải bận tâm”. Khi nhiều người trong gia đình góp ý Hương - con dâu bà Hạnh không nên ỉ lại vào mẹ chồng, thì cô giải thích: “Sáng nào bà cũng dậy sớm, đi chợ giống như tập thể dục chứ có gì đâu mà to tát”. Lý giải cho việc con gần 2 tuổi nhưng không tài nào cho ăn được, Hương nói: “Cu Bin cứ nhìn thấy tôi là nhõng nhẽo, bà cho ăn ngoan và nhanh hơn nhiều”…


Bị “đầy ải” vì con cháu

Chuyện các cặp vợ chồng trẻ đều nhờ cậy cả vào ông bà giờ khá phổ biến. Tuy nhiên, không ít trường hợp, do đã quen được nuông chiều, nên ngay cả khi đã có gia đình riêng, họ vẫn ỉ lại hoàn toàn vào bố mẹ. Mặt khác, không ít người cao tuổi có thói quen bao bọc con cái thái quá, sẵn sàng làm thay con mọi việc, khi con đã trưởng thành.

Mang tiếng là đi lấy chồng nhưng Kiều Oanh dường như vẫn dựa dẫm vào bố mẹ đẻ. Mặc dù vợ chồng cô ở riêng nhưng vì trót có thai đứa thứ 2 trong khi đứa con đầu lòng chưa đầy 2 tuổi nên dường như 3 năm nay mọi  sinh hoạt trong gia đình cô đều nhờ mẹ đẻ đến làm giúp. Cứ hai tuần một lần, bà Hoà - mẹ của Kiều Oanh phải lặn lội từ phố Quán Thánh đến khu chung cư Trung Hoà - Nhân Chính để “tiếp tế” thực phẩm và những đồ dùng cần thiết cho cô con gái đang bụng mang, dạ chửa. Nào có phải cô ốm nghén, hay yếu đến mức không thể đi chợ được thì đã đành. Đằng này, lý do cô đưa ra là bởi mẹ mua được thực phẩm vừa ngon, vừa rẻ. 

Bà Hoà kể: “Có lần chúng đến nhà tôi ở một tháng, trong khi vợ chồng tôi cứ lăn lưng ra hầu hạ, dạ vâng thì chúng không thèm quan tâm hỏi han được một câu: “Bố mẹ có mệt không?” hay “Bố mẹ để chúng con làm”. Có lẽ chúng nghĩ rằng, việc của chúng là đẻ con, còn nuôi nấng, chăm sóc là việc của ông bà”. Cũng bởi lẽ, không có sức khoẻ làm “anh nuôi” cho con, nên 3 tháng nay, bà Hoà đã bảo vợ chồng con gái dọn về ở cùng với ông bà cho tiện. Và thế là, sáng nào ông bà cũng dậy sớm, trong khi bà có nhiệm vụ đi chợ, nấu ăn cho cả nhà thì ông hì hục lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo cho cả nhà, để cho vợ chồng con gái ngủ thêm.

Ban ngày, hai ông bà thay nhau bế ẵm, cho cháu ăn, tắm rửa cho bé, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Anh con rể về đến nhà chỉ ngồi xem ti vi, đọc báo, đến bữa thì đợi vợ vào gọi. Chị Kiều Oanh đi làm về, chỉ có mỗi việc tắm rửa, chơi với con một lúc rồi ăn cơm, bát đũa để đấy bố mẹ dọn. Vì vất vả, lại có sẵn bệnh huyết áp thấp, viêm khớp gối nên nhiều lúc, quá mệt mỏi, hai ông bà sinh ra dằn vặt nhau. Không ít lần bà Hoà than thở với con gái nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy. Thậm chí, Kiều Oanh còn cáu kỉnh: “Con có bắt bố mẹ làm đâu. Mẹ nói thế người ngoài nhìn vào tưởng con đối xử ngược đãi với bố mẹ”.