Nỗi niềm người đàn bà chế mìn hại chồng vì không thể chia tay

ANTĐ - Anh lạnh lùng tuyên bố: "Cô đừng hòng bỏ tôi để chạy theo thằng khác. Nếu chết, sẽ cùng chết chung". Chính vì sự tàn nhẫn đó, tôi đã nảy sinh ý định dằn mặt, cảnh cáo anh ấy và một kịch bản đen tối ngỡ như hoàn hảo đã được thực hiện...

5 lần, 7 lượt tôi quỳ xuống cầu xin chồng buông tha cho tôi, xin anh mở một lối thoát cho cuộc đời tôi mà kí vào lá đơn ly dị. Hơn ai hết, cả tôi và anh đều hiểu rằng, cuộc hôn nhân của chúng tôi không hạnh phúc. Nó ngột ngạt khiến tôi có lúc thấy như ngừng thở, nặng nề và quá nhiều nước mắt. Đáp lại sự cẩu khẩn, tha thiết van nài của tôi, anh lạnh lùng tuyên bố: "Cô đừng hòng bỏ tôi để chạy theo thằng khác. Nếu chết, sẽ cùng chết chung". Chính vì sự tàn nhẫn đó, tôi đã nảy sinh ý định dằn mặt, cảnh cáo anh ấy và một kịch bản đen tối ngỡ như hoàn hảo đã được thực hiện...

Hôn nhân trong bóng tối

Tôi và anh Sơn (tức Nguyễn Văn Sơn -PV) gắn bó và có với nhau 3 mặt con. Tôi biết rằng, cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng viên mãn, được như ý muốn, nhưng tôi luôn mong chờ một điều gì đó lớn lao hơn, vững chãi hơn từ chồng tôi. Sự kỳ vọng ấy càng lớn bao nhiêu, thì nỗi thất vọng, chán nản khi mong mỏi bị tan vỡ bấy nhiêu. Chồng tôi là một người đàn ông thụ động trong cuộc sống. Anh thích sống an nhàn, bình lặng ngày qua ngày, không một chút tiến thủ. Điều ấy chỉ có thể chấp nhận được khi chúng tôi còn trẻ, chưa vướng bận lo toan mắm muối, rau dưa. Như một điều không thể tránh, tình yêu thuở còn trẻ đó không thể bảo tồn khi cuộc sống cơm áo gạo tiền đè nặng, đặc biệt các con đến tuổi cắp sách tới trường.

Nhiều lần tôi góp ý với anh rằng, vợ chồng dù nghèo khổ thế nào cũng được, nhưng nhất định phải nuôi các con ăn học nên người, phải cùng chung tay lao động vì tương lai của các con. Anh quát tôi ngay trước mặt bọn trẻ: "Bố chúng nó học không hết lớp 6 mà vẫn sống khỏe tới tận bây giờ. Học được đến đâu thì học". Tôi không đồng tình với quan điểm của anh, cùng với việc chứng kiến người chồng thường bỏ lao động ngoài nương, ngoài rẫy, bê tha quẩn quanh bên chén rượu ngoài quán nhậu, càng khoét sâu sự chán nản của tôi về người chồng lười nhác, kém cỏi.

Nhiều lần, tôi muốn buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ lại những ngày khốn khó vợ chồng đến với nhau bằng 2 bàn tay trắng, tôi lại gắng gượng nâng niu chút tình nghĩa cuối cùng. Bao nhiêu sự mệt mỏi, chán nản, tôi chôn giấu trong lòng. Trước mặt 3 đứa con, tôi vẫn là người mẹ, người vợ đảm đang, tháo vát, trọn vẹn lo toan cho gia đình. Các con không ai hay biết vết rạn vỡ không có khả năng hàn gắn trong cuộc sống bố mẹ. Sau lưng chúng là những cuộc cãi vã, đay nghiến giữa 2 vợ chồng. Anh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với tôi và tôi côi cút, chỉ câm nín chịu đựng.

 

Quen với lao động chân tay, ngoài mùa vụ cà phê, cao su, trồng tiêu, trồng điều..., ngày tháng nông nhàn, tôi đi buôn thúng bán nia, tranh thủ lượm lặt thêm thắt vài đồng lo cho cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học. Bởi ngoài tôi ra, sẽ chẳng có ai lo liệu cho các con.

Mối tình ngoài luồng khởi đầu của tội lỗi

Trong những buổi rong ruổi đầu chợ, cuối chợ ấy, tôi gặp và quen với anh Bùi Sỹ Tuyên - một người đàn ông cũng là dân buôn bán như tôi. Ban đầu chỉ là mối quan hệ buôn bán bình thường, nhưng trong những giây phút không có khách khứa, chúng tôi trò chuyện, tâm sự với nhau về cuộc sống gia đình. Tôi chia sẻ với anh cuộc sống gia đình không toàn vẹn và một người chồng bạc nhược. Kỳ diệu hơn, tất cả những gì tôi chia sẻ đều nhận được sự đồng cảm của anh. Số phận đã ban anh - một người đàn ông nhẫn nại, sâu sắc, biết lắng nghe mọi nỗi niềm trong cuộc đời quá ít sự san sẻ, yêu thương của tôi. Rồi, tự khắc tình yêu đến lúc nào cũng chẳng hay. Đàn bà khi yêu lao vào tình ái giống như con thiêu thân, dù biết tình yêu ấy là sai lầm, là tội lỗi nhưng hoàn toàn mất đi khả năng phản kháng.

Tất cả những gì tôi biết về anh là chút thông tin sơ sài: Cuộc sống vợ chồng của anh không hạnh phúc. Ngoài ra, tôi không biết thêm bất cứ điều gì, nhưng điều ấy không quan trọng, bởi với tôi, chỉ cần được yêu anh và đón nhận tình yêu của anh, đã là quá đủ.

Người đời nói chẳng sai bao giờ, cây kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra, chuyện tình yêu lén lút, vụng trộm của tôi không tránh được ánh nhìn soi mói, dị nghị của mọi người. "Giấy không gói được lửa", tin dữ ấy nhanh chóng lan truyền tới tai chồng tôi và bi kịch thực sự bắt đầu bùng nổ.

Hay tin bị cắm sừng, lòng tự trọng và sĩ diện của anh bị tổn thương nghiêm trọng. Thay bằng việc bình tĩnh nói chuyện thẳng thắn với tôi sau bao năm nên nghĩa vợ chồng, Sơn chọn cách nói chuyện bằng bạo lực. Anh đánh đập tôi như cơm bữa, nhưng điều đặc biệt là, anh chỉ đánh tôi trong những cơn say. Theo đó, tần suất say xỉn của chồng tôi cứ thế tăng vùn vụt, bất chấp lời van xin, cầu khẩn của tôi. Biết rõ tội lỗi của mình, tôi cầu xin anh tha thứ và hứa, vì các con sẽ trở lại là người mẹ, người vợ tốt, đoan chính.

Sau này, ngẫm lại, giá như lúc ấy anh tin tưởng vào sự thay đổi của tôi. Tin tưởng rằng tôi có thể trở lại tôi của ngày xưa - hiền lành, chung thủy, chịu thương chịu khó, có lẽ chúng tôi đã không phải hứng chịu bi kịch ngày hôm nay. Sự nỗ lực, cố gắng của tôi không được ghi nhận. Những lúc tỉnh táo, Sơn thường bảo với tôi: "Chuyện cũ cho qua và vĩnh viễn không bao giờ nhắc lại nữa. Vợ chồng mình bỏ qua lỗi lầm của nhau để nuôi dạy các con tử tế", nhưng khi có rượu vào, trở về nhà, anh lại lôi chuyện cũ của tôi ra đay nghiến, dằn vặt. Sơn chửi vào mặt tôi trong hơi men nồng nặc: "Mày là giống đàn bà lăng loàn, lang chạ". Rồi anh nhằm tóc tôi mà lôi, mà giật, nhằm vào bụng tôi và cứ thế đấm, đá liên hồi.

Cuốc sống của tôi thực sự là chuỗi ngày đen tối, u ám và ngập tràn nước mắt. Tôi không còn xứng đáng với chồng, bởi tôi là một người đàn bà phản bội, và chồng tôi - Sơn cũng sẽ không bao giờ tha thứ cho tội lỗi của tôi và thường lấy đó làm cớ sỉ nhục, lăng mạ, đánh đập tôi. Rốt cuộc, chuyện vợ chồng tôi liên tục lục đục không qua nổi mắt của con cái. Hồi ấy, tụi nhỏ mới học cấp 2 nhưng chín chắn và biết nghĩ lắm. Chúng bảo với tôi, nếu bố mẹ không thể dung hòa, chi bằng ly hôn, giải thoát cho nhau thì hơn. Tôi hỏi các con, nếu bố mẹ chia tay, các con sẽ ở cùng ai? Đồng loạt chúng nức nở muốn ở cùng tôi.

Sơn biết rõ, nếu chia tay tôi, anh sẽ mất tôi và không được ở cùng các con - điều này càng khiến Sơn nghiệt ngã và cố kiết không chịu kí vào đơn ly dị. 3 lần gửi đơn ly hôn tới anh, Sơn đều bác bỏ và gằn giọng: "Tao không bao giờ kí vào đơn ly hôn. Tao không thể để lũ chúng mày nhởn nhớ hưởng hạnh phúc". Thậm chí, tôi quỳ xuống dưới chân anh, cầu xin anh buông tha cho cuộc đời tôi, nhưng vẫn anh lạnh lùng, tàn nhẫn nhìn tôi bằng ánh nhìn sắc lạnh và tuyệt nhiên xa lạ.

Phút "dằn mặt" sai lầm và cái giá phải trả

Tôi đem câu chuyện buồn kể cho Tuyên nghe, và trong khi trò chuyện, một ý nghĩ vụt loe trong đầu tôi. Tôi muốn hành động, như một sự cảnh cáo, nhắc nhở rằng giữa tôi và anh không còn tình cảm gì nữa. Chỉ có hành động tuyệt tình ấy mới giúp Sơn tỉnh ngộ và buông tha cho tôi. Song, để thực hiện, tôi cần sự giúp đỡ của Tuyên. Anh đã gật đầu đồng ý. Tranh thủ lúc đi buôn về, tôi đã đi mua 2 lạng thuốc nổ và đem về chế tao thành một quả mìn bỏ vào chiếc săm xe đạp rồi đem vào cài dưới gốc cây trong rẫy - nơi tôi biết đích xác Sơn thường ngồi trong mỗi buổi lên rẫy. Buổi sáng ngày 6/12/2007, tôi và Sơn cùng lên rẫy. Khi thấy chồng tôi ngồi vào vị trí đặt mìn, tôi nháy máy cho Tuyên, núp ở trên đồi bạch đàn và bấm điện. Tiếng nổ lớn vang lên kéo mọi người ở rẫy gần đó tới và đưa Sơn đi cấp cứu. Tôi lập cập cùng mọi người đưa anh tới bệnh viện thị trấn.

 

Hành vi tội lỗi của tôi không qua mặt được cơ quan điều tra. Công an huyện Krong Ana yêu cầu tôi triệu tập và lấy lời khai. 2 hôm sau, Sơn hồi phục sức khỏe và mang quần áo lên trụ sở Công an huyện cho tôi. Những ngày ấy, tôi luôn trong trạng thái lửng lơ của người không trọng lượng. Vụ án tôi và Tuyên gây ra bị truy tố, tôi bị khép vào tội danh giết người và chịu mức án 12 năm tù. Tuyên - người tình của tôi cũng cùng số phận tù tội với mức án 11 năm tù.

Tôi chết điếng sau khi nghe tòa tuyên án, bởi tôi nghĩ đơn giản hành vi của mình chỉ nhằm mục đích đe doa, cảnh cáo chồng, không nhằm ý định hại chết anh ấy. Nhưng, sự "ngây thơ" ấy đã phải trả qua đắt bằng cái giá 12 năm tù tội.

Các con biết tôi là người đã làm hại cha chúng, nhưng chúng không bỏ rời tôi. Hàng tháng chúng vẫn thư từ, quà bánh gửi nuôi tôi thụ án trong trại giam. Mỗi lần tới thăm tôi, chúng đều nói trong nước mắt: "Chúng con tha thứ tội lỗi của mẹ, vì chúng con nhìn thấy và hiểu những đau khổ mẹ phải gánh chịu bao năm. Chúng con không bao giờ bỏ rơi mẹ đâu. Chỉ mong mẹ cải tạo tốt, sớm trở về đoàn tụ cùng chúng con".

Tôi và anh Tuyên cùng thụ án ở trại giam Đắk Trung (Đắk Lắk) và ở 2 phân trại khác nhau, chúng tôi vận thường viết thư và động viên nhau. Mỗi lá thư là những dòng tâm sự về mỗi ngày trôi qua, về nỗi nhớ con cái, gia đình và sự hối hận sau những tội lỗi gây ra. Tôi và anh Tuyên không thề hẹn bất cứ điều gì, bởi ngày được trả tự do còn quá xa xôi trước mặt. Chúng tôi chỉ dặn dò, động viên nhau trân trọng từng ngày qua đi, cùng hướng về một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn. Tương lai ấy được dệt mầm từ những cố gắng, nỗ lực cải tạo hôm nay.

Rất nhiều người lên án, ghẻ lạnh, bài xích người phụ nữ ngoại tình. Trong mắt xã hội, họ là những người đàn bà bị ghép với những ngữ nặng nề như "lăng loàn", "phản bội"... nhưng, thử một lần sống trong cuộc hôn nhân không còn tình yêu, chỉ còn nước mắt, lạnh lùng và những điều giả dối, sẽ cảm thấy niềm hạnh phúc khi tìm được người bạn tâm giao, sẵn sàng sẻ chia tất cả nỗi niềm đau khổ là quý báu như thế nào. Nhưng, tôi đã sai, khi nóng vội muốn chấm dứt cuộc hôn nhân trong bóng tối mà rắp tâm làm hại người đàn ông từng một thời ân nghĩa.

Ghi theo lời kể phạm nhân Hoàng Thị Nhàn
(Trại giam Đắk Trung – Đắk Lắk)