Nói nhiều chỉ thiệt

ANTĐ - Năm 1825 Hoàng đế Nicholas đệ nhất – một trong số những ông vua độc tài nhất của nước Nga lên ngôi, tiếp nối nền công nghiệp  lạc hậu đã tồn tại từ bao đời.

Giai cấp tư sản lập tức biểu tình, họ gương cao các biểu ngữ đả đảo Hoàng đế, nền công nghiệp Nga cần hiện đại hóa để theo kịp các nước châu Âu khác. Hoàng đế Nicholas tức tối ra lệnh cho quân lính đàn áp thẳng tay đoàn biểu tình trong biển máu, thủ lĩnh của đoàn biểu tình bị bắt và bị đưa lên giá treo cổ.

Ngày hành quyết đã đến, người thủ lĩnh bị tròng vào cổ một sợi dây thừng và khi treo lơ lửng trên dây, anh ta sợ hãi la hét, vùng vẫy và chiếc dây thừng đứt phựt, anh ta rơi phịch xuống đất, đám dân chúng ồ lên kinh ngạc. Lổm ngổm bò dậy, người tử tù cười ha hả: “Ông trời ủng hộ ta. Đấy các người đã thấy thực trạng của nền công nghiệp nước Nga chưa? Kém cỏi tới mức có cái sợi dây thừng mà cũng làm không nên hồn. Thật xấu hổ!”.

Vị tể tướng chạy về báo cáo với Hoàng đế rằng theo thông lệ người tử tù sẽ được miễn tội chết vì sợi dây thừng treo cổ đã bị đứt, Hoàng đế rất bực bội và khi vị tể tướng kể lại câu nói của người thủ lĩnh đoàn biểu tình, Hoàng đế nổi trận lôi đình. Nicholas đập bàn quát: “Hỗn xược, hắn dám chế nhạo ta sao, vậy thì ta sẽ cho hắn biết thế nào là nền công nghiệp nước Nga, lần này thì xem ông trời còn cứu được hắn không”.

Thủ lĩnh của đoàn biểu tình ngay lập tức lại bị đưa lên giá treo cổ vì tội dám hỗn xược với Hoàng đế, lần này anh ta cũng vùng vẫy, la hét nhưng chẳng có phép màu nào xảy ra với sợi dây thừng nữa. 

Đám đông đứng dưới lắc đầu bảo nhau: “Anh ta may mắn thoát chết mà không biết điều. Người đời  có câu “Nói nhiều chỉ thiệt”, lấy cái ngẫu nhiên mà châm biếm cái tất nhiên chỉ có thiệt thân mà thôi”.