Du Tử Lê

Nỗi lòng của người đi xa

ANTĐ - Dân văn chương vẫn hay tự trào rằng, với nhà văn, nhà thơ thì chỉ nên đọc tác phẩm, không nên gặp làm gì vì dễ…thất vọng. Ấy thế mà, gặp nhà thơ Du Tử Lê lại thấy tính cách của ông, câu chuyện của ông hóa ra cực kỳ thú vị. Và tôi gọi ông là nhà thơ của sự lịch lãm.

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

1. Vừa thấy tôi ngoài cửa, ông đã đứng lên kéo ghế rồi nhẹ nhàng bảo: “Cháu ngồi đi!” Và như sợ tôi ái ngại chuyện đã để ông phải đợi, ông cười hiền: “Chú cũng vừa mới đến thôi, chưa lâu đâu”. Tôi ngạc nhiên, vì ông nói giọng chuẩn Hà Nội, dù đã xa Hà Nội dễ đến gần cả đời người. Tôi thắc mắc sao ông không bị pha giọng Nam, ông lại cười nhỏ nhẹ: “Sao mà pha giọng được khi trong gia đình chú, tất cả mọi người đều nói giọng Bắc!”.

Đọc thơ Du Tử Lê phần nhiều là những lời thủ thỉ, buồn và cô đơn, chẳng mấy khi đọc được một bài thơ vui. Cũng phải, bởi cả thời tuổi trẻ của ông là những chuỗi ngày đất nước gian lao nhất. Trong thơ ông hay nói về cái chết hoặc hình dung về giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ví như ở “Khúc thụy du” ông đã viết: “Hãy nói về cuộc đời/ khi tôi không còn nữa/ sẽ mang được những gì/ về bên kia thế giới”. Ông giải thích, đúng là ông bị cái chết ám ảnh. Năm 3 tuổi, cha ông mất. Mẹ ông khi đó còn rất trẻ, nhọc nhằn nuôi 5 đứa con khôn lớn. Rồi tai họa tiếp tục giáng xuống, vài năm sau, đúng vào đêm mùng 5 Tết, có ai đó đập rầm rầm ngoài cửa. Mẹ ông tất bật chạy ra mở cửa thì hóa ra người ta đến báo tin, anh trai cả của ông đã mất trong một trận càn của máy bay Pháp ở Nho Quan, Ninh Bình. Nghe tin dữ, mẹ ông ngất xỉu. Du Tử Lê kể đến đây thì lặng lẽ lấy khăn giấy chấm nước mắt rồi bảo với tôi, chú cháu mình nói chuyện khác đi, bởi chuyện này, dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại, nó vẫn ám ảnh vô cùng. Và cũng từ cái đêm mùng 5 định mệnh đó, nhà ông gần như không bao giờ có Tết. 

2. Thơ của Du Tử Lê cũng thường nói về nỗi nhớ: “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời/ Chim về góc biển. Bóng ra khơi/ Lòng tôi lũng thấp. Tâm hiu quạnh. Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi” hay “Chim ngậm ngải tìm trầm hương tháng sáu/ Gối chăn kia thương mãi chỗ ai nằm”…Thế nhưng lại không có mấy bài nói về sự lãng quên. Tôi đùa ông rằng, trí óc con người cũng như bộ nhớ của máy tính, khi ổ nhớ đầy, nó sẽ tự động “cancel” những thứ không còn cần thiết. Ông cười vang rồi gật gù công nhận, đúng là ông thường xuyên nghĩ đến chuyện nhớ, nhưng lại không mấy khi lãng quên. Rồi ông bảo, “máy tính” của ông có một bộ nhớ đủ lớn để chứa được tất thảy mọi thứ mà không phải xóa bất cứ thứ gì. 

3. Chuyện ông đến với thơ dường như là định mệnh. Có nghĩa, nếu không có thơ thì Du Tử Lê hôm nay có thành người hay không ngay bản thân ông cũng không chắc chắn. Là con út trong gia đình, sinh ra, Du Tử Lê đã khác những đứa trẻ khác. Bàn tay phải có 6 ngón, khiến ông mặc cảm, tự ti và xa lánh mọi người. Ông thường bị lũ trẻ cùng phố lôi ra trêu chọc. Sự cười cợt đó khiến Du Tử Lê co mình lại, chỉ quanh quẩn trong nhà với mẹ, chị gái và bà vú. Cũng vì thế, các trò chơi con gái như ô ăn quan, đánh chắt, chơi chuyền ông đều giỏi cả. Trong nhà ông có rất nhiều sách, nhưng toàn sách cho người lớn, chẳng biết làm gì, ông cứ lấy ra đọc. Đọc ngày đọc đêm, mẹ có cằn nhằn thì ôm sách chui vào chăn và bật đèn pin lên đọc. Vì là sách của người lớn nên nhiều chỗ ông đọc chẳng hiểu gì nhưng vẫn thấy… hay.

Và rồi, chuyện đến với thơ như một lẽ tất yếu, như một sự giải thoát ông ra khỏi cô độc và mặc cảm. Ông làm thơ viết truyện cười từ rất sớm. Ông khoe, ngày bé ông từng có thơ đăng báo Măng non. Có thơ đăng báo, nhưng không có tiền mua toàn ra hàng báo đọc ké rồi trả. Vài năm sau, khi đến tuổi trưởng thành, việc ông làm thơ đã gây kinh động đến cả gia đình. Du Tử Lê kể, đó là khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi đó trong nhiều gia đình, con cái một là làm thơ, viết văn, hai là đàn hát thì đích thực đó là một “tai họa”. Ông anh trai thứ đã từng khuyên Du Tử Lê rằng: “Nếu chú không thay đổi thì lớn lên một là đi ăn mày, hai là đi ăn cắp”. Lúc đó, bất mãn vì không ai hiểu mình, Du Tử Lê đã bỏ nhà ra đi. Chính vì thế nhiều người quen khi nghe cái bút danh Du Tử Lê đã suy luận rằng “Du Tử” có nghĩa là “đứa trẻ đi lang thang”. Nhưng chính xác thì cái tên ấy bắt nguồn từ một bài thơ Đường có cái tên là “Du tử ngâm”. Ông lấy cái từ Du Tử, ghép với họ Lê của mình mà thành bút hiệu, và dịch nghĩa ra thì đó là “Đứa con xa mẹ họ Lê”. Mãi  sau này, khi cái tên Du Tử Lê được báo chí nhắc đến như một hiện tượng, đài phát thanh vẫn phỏng vấn, họ hàng nghe, xem liền đến “mách” với mẹ ông. Thấy con mình nổi tiếng, mẹ chỉ cảm thán: “Ối trời ơi, văn chương gì cái chú ấy!”.

4. Du Tử Lê chia sẻ, trong đời ông có rất nhiều nỗi buồn và cả niềm vui. Có những thứ sẽ song hành cùng ông cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay và lần trở về Hà Nội vào đúng mùa hè này, ra mắt tập sách “Giỏ hoa thời mới lớn”, được bạn văn chúc mừng, được độc giả yêu quý chào đón sẽ là một xúc cảm đẹp để ông nâng niu đến tận phút cuối cùng của cuộc đời. Hơn 70 tuổi ông còn viết không?  Ông vui vẻ, viết chứ, ông vẫn sẽ viết như là một cách để trả ơn cuộc đời, như một sự cống hiến. Nếu bây giờ ông đã thỏa mãn với những gì mình có được trong văn chương thì điều đó chẳng khác nào ông gian lận, nợ nần xã hội. “Tôi sẽ vẫn viết, còn có ra gì không thì không biết” - ông cười hồn nhiên. Không chỉ viết, mấy năm gần đây Du Tử Lê còn vẽ tranh. Ông đùa, hơn 70 tuổi, tôi là nhà thơ già nhưng là họa sĩ trẻ. Người kiên quyết xui ông vẽ là…vợ ông. Bởi lúc buồn, ông vẫn thường có thói quen vẽ nghệch ngoạc vào giấy. Khi đó, vợ ông lặng lẽ thu dọn những thứ vẽ chẳng ra vẽ kia để cất đi. Rồi bà dẫn ông đến gặp một họa sĩ nhờ tư vấn. Rồi ông vẽ thật, mà tranh của ông cũng rất thơ. Ngày 22-6 này, ông có một cuộc triển lãm ở Atlanta- Mỹ.

Lại hỏi ông, bao năm xa thế ông có nhớ Hà Nội không, ông lại cười nhưng mắt ngấn nước. Nhớ chứ! Mà lạ sao, nhiều lúc nhớ đến phát điên cái cảm giác được ngồi vỉa hè trên một con phố nhỏ, nhâm nhi một ngụm trà, và nhìn ra khoảng xanh trước mắt, nơi có cây bàng bốn mùa thay sắc lá. Suốt những năm tháng định cư tại Mỹ, chỉ mong mỗi năm được về Hà Nội một lần nhưng lúc khỏe thì mắc công mắc việc, giờ ông về hưu, nhàn nhã hơn thì sức khỏe không cho phép. Mấy năm trước ông bị ung thư ruột, 2 lần phẫu thuật. Giờ trong phổi lại có hai khối u nhỏ khiến sức khỏe của ông cũng phần nhiều giảm sút. “Thế mà chú vẫn hút thuốc sao?”, tôi hỏi cắt ngang lời ông. Du Tử Lê lại cười, cười rất tươi: “Ừ thôi, từ mai chú bỏ thuốc vậy!”.