Nới lỏng chính sách dân số: Cần vận dụng linh hoạt

ANTD.VN - Tại phiên họp của HĐND TP.HCM vừa diễn ra, lãnh đạo thành phố đã lên tiếng khuyến khích phụ nữ trên địa bàn nên đẻ đủ 2 con thay vì khẩu hiệu chỉ đẻ 1 đến 2 con như hiện nay.

Nhiệm vụ quan trọng của công tác dân số giai đoạn này là nâng cao chất lượng dân số

Điều này một lần nữa nổi lên cuộc tranh luận về việc có nên nới lỏng chính sách dân số khi mà nhiều địa phương có mức sinh đang ngày càng xuống thấp đến mức lo ngại. Ở một số địa phương khác, điển hình như Hà Nội, công tác dân số càng phức tạp hơn khi ngoại thành thì mức sinh cao vượt mức sinh thay thế nhưng ở nội thành lại đang “giảm sâu”.

Cuộc sống đô thị: Người dân sợ sinh đẻ

Hiện số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại TP.HCM chỉ là 1,45 con, tương đương với việc cứ 3 phụ nữ thì ít nhất có 1 phụ nữ chỉ sinh duy nhất 1 con. Đây là mức sinh thấp nhất cả nước hiện nay và thấp hơn rất nhiều mức sinh thay thế được tính toán là 2,1 con/phụ nữ.

Đáng lo ngại hơn, theo nhận định của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM thì mức sinh này vẫn đang có xu hướng giảm nữa. Vì thế, TP.HCM đang đẩy mạnh vận động người dân thực hiện “Mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con” thay vì “Mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con” như trước. 

Mới đây tại Kỳ họp thứ năm HĐND TP.HCM khóa IX ngày 4-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã khuyến khích phụ nữ TP.HCM nên đẻ 2 con để đảm bảo phát triển bền vững. 

Tương tự như TP.HCM, tại một số địa phương có kinh tế phát triển mạnh hiện nay, mức sinh cũng đang xuống thấp đến mức cần can thiệp, chẳng hạn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện mức sinh trung bình là 1,56 con/phụ nữ, hay ở vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 1,5 con/phụ nữ.

“Nhiều người tự lựa chọn cuộc sống không có con hoặc chỉ sinh một con thôi để đảm bảo chất lượng sống của mình tốt hơn, đặc biệt là ở môi trường sống đô thị. Lý do dễ nhận thấy ngay là ở các quận nội thành, chi phí cho cuộc sống của một gia đình, chi phí cho con cái (cả chi phí về vật chất, thời gian, cơ hội) là rất cao, đắt đỏ nên việc sinh con khiến nhiều ông bố bà mẹ trẻ phải cân nhắc, không dám sinh con hoặc chỉ sinh 1 con”.

Ông Nguyên Văn Tân (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số -   Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế)

Việc một số địa phương này đang có xu hướng khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên “đẻ nhiều hơn”, cụ thể là nên đẻ đủ 2 con thay vì chỉ đẻ từ 1 đến 2 con, khiến dư luận đặt câu hỏi: “Liệu có phải chính sách dân số đã được nới lỏng, thậm chí là cho phép người dân được thoải mái quyết định số con theo ý muốn?”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyên Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Cần khẳng định rõ để người dân không hiểu nhầm rằng, từ trước đến nay việc vận động người dân sinh đẻ kế hoạch chỉ là một cuộc vận động lớn về dân số chứ không phải là quy định có tính pháp lý hay ra nghị quyết bắt buộc thực hiện”. 

Theo ông Nguyên Văn Tân, hiện mức sinh ở TP.HCM đã xuống quá thấp nên về lâu về dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của thành phố như thiếu lao động, thiếu phụ nữ, già hóa dân số nhanh… Do đó, việc TP.HCM điều chỉnh chính sách vận động về dân số, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên đẻ đủ 2 con cũng là phù hợp.

Dù vậy, kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy, vận động người dân đẻ nhiều còn khó hơn rất nhiều vận động người dân đẻ ít. Bởi khi người dân đã có nhu cầu và lựa chọn đẻ ít như vậy, phụ thuộc rất nhiều vào lối sống và hoàn cảnh xung quanh, từ điều kiện sống, điều kiện nuôi dạy con cái. 

“Nhiều người tự lựa chọn cuộc sống không có con hoặc chỉ sinh một con thôi để đảm bảo chất lượng sống của mình tốt hơn, đặc biệt là ở môi trường sống đô thị. Lý do dễ nhận thấy là ở các quận nội thành, chi phí cho cuộc sống của một gia đình, chi phí cho con cái (cả chi phí về vật chất, thời gian, cơ hội) là rất cao, đắt đỏ nên việc sinh con khiến nhiều ông bố bà mẹ trẻ phải cân nhắc, không dám sinh con hoặc chỉ sinh 1 con. Chẳng hạn ở Singapore, Hàn Quốc, những năm qua mức sinh cũng giảm xuống quá thấp, các nước này đã triển khai hàng loạt giải pháp khác nhau nhưng việc tăng mức sinh lên hết sức khó khăn”, ông Nguyễn Văn Tân dẫn chứng.

Vì lợi ích chung: Cần vận dụng linh hoạt

So với TP.HCM hay một số tỉnh vùng Đông Nam bộ, công tác DS-KHHGĐ ở Hà Nội thậm chí còn phải đối mặt với “bài toán kép” phức tạp không kém. Nhìn trên bình diện chung, Hà Nội hiện có mức sinh trung bình hiện nay đạt 2,1 con, bằng đúng mức sinh thay thế và trung bình của cả nước, tức đang có một “mức sinh đẹp”, song mức sinh có sự khác biệt khá lớn giữa các quận nội thành (đặc biệt là một số quận nội thành cũ) so với các huyện ngoại thành.

Trong khi ở nhiều huyện ngoại thành của Thủ đô vẫn đang có mức sinh cao, cần tiếp tục kiên trì công tác giảm sinh thì ở một số quận nội thành mức sinh lại đang giảm xuống rất thấp. Vì thế, mục tiêu về công tác DS-KHHGĐ được thành phố đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 là duy trì mức sinh thấp hợp lý song tập trung nhiều hơn vào ổn định cơ cấu dân số.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bên cạnh mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số, nhiệm vụ quan trọng của thành phố về công tác dân số giai đoạn này là phải từng bước nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. 

Thực tiễn của Hà Nội cũng là bài toán về công tác dân số chung của nước ta hiện nay. Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân cho biết, trong khi nhiều tỉnh thành có mức sinh “giảm sâu” so với mức sinh thay thế thì ở nhiều địa phương khác, nhất là vùng trung du miền núi phía Bắc, mức sinh vẫn rất cao, điển hình như Lai Châu hiện mức sinh vẫn lên tới 3,11 con/một bà mẹ.

Do đó, Bộ Y tế đang phải áp dụng mềm dẻo chính sách dân số cho phù hợp với từng vùng miền, địa phương, ở vùng nào mức sinh đang cao thì phải vận động người dân để giảm sinh và ngược lại, vùng nào mức sinh xuống quá thấp phải vận động người dân sinh đủ 2 con để đẩy mức sinh lên. “Rõ ràng hiện nay, quy mô dân số không còn là mối lo lắng lớn nhất nữa mà quan trọng là làm thế nào để nâng cao chất lượng dân số, cuộc sống của người dân được cải thiện hơn, khoảng cách giữa các vùng miền không tăng lên nhiều nữa”, ông Nguyễn Văn Tân nói. 

Được biết, dự án Luật Dân số dự kiến sẽ được đưa vào chương trình làm luật và trình Quốc hội vào năm 2018, trong đó cũng đưa ra 2 phương án: Phương án 1, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Phương án 2, tiếp tục quy định như hiện hành, sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ, quyền sinh đẻ là quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, còn Nhà nước chỉ vận động người dân sinh đẻ làm sao để phù hợp với mục tiêu, lợi ích chung của cộng đồng, đất nước. “Quan điểm của chúng tôi là thiên về hướng không quy định cụ thể số lượng con của mỗi cặp vợ chồng”, ông Nguyễn Văn Tân khẳng định.

“Bên cạnh mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số, nhiệm vụ quan trọng của thành phố về công tác dân số giai đoạn này là phải từng bước nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước”.

Ông Hoàng Đức Hạnh (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội)