Nỗi lòng cha mẹ có con đồng tính

ANTĐ - “Con tôi là người tuyệt vời. Nhưng rào cản xã hội vẫn chưa cho phép tôi nói ra điều đó. Tuy nhiên, tôi muốn đồng hành bên con để chia sẻ những gánh nặng kỳ thị mà con tôi đang phải chịu đựng” – bà Lê Hồng Hạnh (54 tuổi, Hội cha mẹ có con đồng tính PFLAG) chia sẻ. 

Đòn roi, nhục mạ hay hắt hủi không khiến con bạn có được giới tính bình thường

Ấm áp tình mẹ

Bà Hạnh cho biết, năm nay, con trai bà đã 24 tuổi, cao to, đẹp trai, 12 năm liền là học sinh giỏi, thi đỗ cùng lúc hai trường Đại học, hiện vừa học nâng cao, vừa đi làm. “Nhìn con, tôi nở từng khúc ruột tự hào. Nhưng con càng lớn tôi càng lờ mờ nhận ra giới tính của con có điều khác lạ”. 

Theo bà Hạnh, năm con học lớp 11-12, thấy con đi chơi tối, bà Hạnh khá lo lắng, nên “xin” con được đi theo cho biết bạn bè của con. Bà Hạnh nghĩ, nếu nhìn bạn con sẽ biết thêm con là người như thế nào, để khẳng định chắc chắn mối nghi ngờ trong lòng. Sau một hồi ngại ngần, cuối cùng con bà cũng đồng ý chở mẹ đi uống cà phê cùng bạn bè mình. “Nhìn đám bạn con toàn “bóng lộ”, tôi cũng thấy buồn tê tái trong lòng. Vừa bối rối, vừa lo lắng, xót xa con sẽ gặp những dị nghị, định kiến. Nhưng vì con, tôi vẫn nén nỗi buồn, vẫn trò chuyện, hỏi han bạn bè con bình thường” – bà Hạnh tâm sự.  Suốt quãng đường về, hai mẹ con bà Hạnh đều im lặng. Con bà Hạnh cũng hiểu mẹ đã biết rõ về giới tính của mình, còn bà Hạnh ngồi nhẩm tính “kế hoạch cuộc đời” mới cho mình để không đánh mất con trai. 

Bà Hạnh cho biết, cách đây 6 năm, các kiến thức về đồng tính chưa phổ biến, vì thế, bà tìm được rất ít thông tin. Nhưng với trái tim người mẹ, bà vẫn cố gắng hiểu được sự lựa chọn của con. “Tôi chỉ nghĩ, con mình giỏi giang, có kiến thức, nếu cháu đã lựa chọn con đường của mình thì chắc cháu đã suy nghĩ rất kỹ, nếu mình cấm đoán, ép buộc thì con sẽ buồn chán, hư hỏng. Lúc đó, mình sẽ thực sự mất con” – bà Hạnh cho biết. 

Năm 2011, khi Nhóm kết nối và chia sẻ ICS thành lập Hội cha mẹ có con đồng tính PFLAG, bà Hạnh đã tham gia đầu tiên. Bà gia nhập Hội với mong muốn được tìm hiểu thêm về thế giới lạ lẫm của con, để con biết rằng, cho dù con là ai, bà vẫn sát cánh bên con, vẫn luôn yêu thương và rộng mở vòng tay. Bà Hạnh cho biết, Hội PFLAG mới có khoảng 20 thành viên, tất cả đều là các mẹ. Những buổi gặp mặt, chia sẻ đã giúp các bà mẹ vơi đi phần nào nỗi lo lắng cho tương lai của đứa con và vững vàng hơn trong cuộc chiến đương đầu với búa rìu dư luận của cả xã hội và các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, bà Hạnh vẫn có nỗi buồn là chồng vẫn chưa hiểu, chưa cảm thông với lựa chọn của con trai. 

Gánh nặng bạo lực giới

Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm nghìn người đồng tính khác không may mắn có được sự cảm thông của cha mẹ như con trai của bà Hạnh. Điều tra trực tuyến trong gần 2.500 người đồng tính, song tính và chuyển giới (gọi tắt là LGBT) của Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường iSEE cho thấy, tất cả những người được hỏi đều cho biết đã trải nghiệm tất cả các dạng bạo hành tinh thần như la mắng, sỉ nhục. Còn, kết quả khảo sát của đường dây tư vấn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) có đến 28% người đồng tính gọi đến chia sẻ họ bị cha mẹ đánh đập, 34% bị anh, chị em hành hạ, 38% bị kỳ thị bạo lực bởi cộng đồng…

Một số em đã bị biệt giam trong nhà, có người bị xích chân vào chân giường để cắt đứt liên hệ. Có em lại bị bỏ đói cho đến khi nào chịu từ bỏ “thói a dua, học đòi”, có em trai còn bị mẹ dùng roi đánh tóe máu rồi đổ nước mắm lên vết thương cho “chừa thói bệnh hoạn làm con gái”.  Một trong những điều mà một số người đồng tính kinh hãi nhất chính là việc cha mẹ ép buộc đi “chữa trị tâm thần”, bắt nhập viện và bị uống thuốc. Có em đã trầm cảm đến mức muốn tự tử sau khi bị bố mẹ đưa vào viện tâm thần. Có em lại trút hận, trút đau khổ, uất ức bằng cách cứa tay, châm thuốc lá cháy vào người… 

Ông Sơn Minh  - Ban điều hành mạng lưới đồng tính MSM tại Hà Nội cho biết, gần đây, một em đồng tính nam mới 17 tuổi (trú tại TP Vinh, Nghệ An) đã treo cổ tự tử, để lại một lá thư tuyệt mệnh oán trách cha mẹ đã “không cho con được sống là chính mình”. 

Bà Hạnh cho biết: “Nhiều cha mẹ yêu con nhưng không chịu nổi áp lực của dư luận đã tuyên bố từ con, đuổi con ra khỏi nhà, ép buộc con lấy vợ, lấy chồng mà chúng không yêu. Điều đó khiến các em gần như tuyệt vọng. Gia đình là cái nôi yêu thương đầu tiên, cũng là nơi duy nhất các em kỳ vọng để trở về mỗi khi gặp đau đớn, vấp ngã. Nhưng nếu cái nôi đó không còn, các em dễ bị đẩy ra đường, trở thành kẻ phạm pháp hoặc làm mồi cho kẻ xấu”. 

Nghiên cứu về sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính trong trường học của Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP cho thấy, trong số 500 em trả lời có đến 44% từng bị bạo lực (thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế) chỉ vì vẻ bề ngoài “không giống số đông” của mình.