Nỗi lo trẻ hóa bệnh nhân tâm thần

ANTĐ - Lâu nay nhiều người cho rằng bệnh tâm thần thường chỉ xảy ra ở người lớn. Song thực tế, tại các khoa khám tâm thần, trẻ em đến khám và điều trị vẫn rất đông. Theo số liệu mới nhất của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, bệnh nhân tâm thần dưới 30 tuổi chiếm 47%.

Người bị bệnh tâm thần ngày càng bị trẻ hóa trở thành nỗi lo của xã hội

Tháng 5-2010, một bé gái 15 tuổi ở Hà Nội được người thân đưa đến khám bệnh vì bỏ học, suốt ngày giấu mặt trong nhà, không tiếp xúc với ai, hay khóc lóc. Thậm chí em có ý định tự tử, không muốn sống. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và nhiều yếu tố khác, bác sĩ biết được em có thời gian dài sống trong gia đình thường xuyên bất hòa. Bố mẹ em hay cãi nhau và gần đây cha mẹ em đã ly dị. Cú sốc quá lớn đã khiến em bị khủng hoảng tâm lý.

Trước đó, tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cũng tiếp nhận một bé gái khác đang học lớp 6 ở Bắc Ninh sau khi bị một người hàng xóm “xâm hại” cũng đột ngột không tiếp xúc với bất kỳ ai. Em không ngủ được, lúc nào cũng sợ sệt, hoảng loạn, mỗi khi nghe tiếng động lại co rúm người, khóc lóc kêu cứu... Bé gái này cũng hay tấn công người khác, hay hoảng hốt mỗi khi nhìn thấy đàn ông.

Trong kỳ nghỉ hè, số thanh thiếu niên mắc bệnh tâm thần nhập viện vì nghiện game cũng tăng cao. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Tâm thần nam - nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, cho biết theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan tới game đang tăng mạnh và ngày càng trẻ hóa. 50-70% người chơi game có các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần, với biểu hiện trầm cảm, lo âu, hung hăng. Trong số này, 15% có ý tưởng tự sát. Trường hợp em Nguyễn Mạnh H, 15 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ.  Từ một học sinh ngoan, học giỏi, H bắt đầu thích chơi game 2 năm gần đây. Mặc bố mẹ khuyên bảo, ngăn cấm, H vẫn thường xuyên trốn nhà đi chơi game. Sau đó H hứa quyết tâm học tập và không ra quán chơi nữa với điều kiện bố mẹ phải mua máy vi tính. Nào ngờ có máy rồi, H càng mê hơn. Cả tháng hè H nhốt mình trong phòng chơi game bỏ ăn, bỏ uống, người lơ mơ điên dại.

Theo bác sĩ, cơ chế gây nghiện của game là sự biến đổi cảm xúc sinh học gây đột biến. Bệnh thường có bốn mức độ: chơi cho vui; chơi từng đợt dẫn tới lạm dụng và trở thành con nghiện; sao nhãng mọi thứ, chỉ chú tâm vào ánh sáng của máy vi tính; tách mình khỏi thế giới bên ngoài, trở thành kẻ tâm thần, tự kỷ.... Thực tế, đã có không ít trường hợp bị đột quỵ, chết trên bàn game vì chơi quá nhiều.

Bên cạnh đó, những sinh viên mới tốt nghiệp gặp phải những sang chấn, khủng hoảng tâm lý do áp lực xin việc cũng ngày càng nhiều hơn. Áp lực cuộc sống với “tâm lý nóng vội” muốn có việc làm ngay sau khi ra trường cũng khiến các bạn trẻ bị sốc và rơi vào tình trạng vỡ mộng, mất cân bằng trong cuộc sống. Nhiều trường hợp do không điều chỉnh được đã phải nhập viện với những biểu hiện rối loạn tâm thần nặng. Với những thí sinh thi trượt đại học, nguy cơ bị trầm cảm cũng gia tăng trầm trọng. Nhiều em rơi vào tình trạng tuyệt vọng, muốn tìm đến cái chết vì bị bố mẹ trách mắng.

Nguyên nhân của các rối loạn tâm thần ở trẻ em và trẻ vị thành niên rất phức tạp. Ngoài yếu tố sinh học (bệnh lý do di truyền, tổn thương não trước, trong hoặc sau sinh...), yếu tố môi trường như gia đình, trường học, xã hội có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Về gia đình, những trẻ sống trong hoàn cảnh mà cha mẹ thường xuyên xung đột, trẻ bị bạo hành, đối xử bất công, bị xúc phạm, giáo dục lệch lạc (thiếu quan tâm khuyến khích hoặc áp đặt thô bạo, thường xuyên đánh mắng hoặc quá nuông chiều, phân biệt đối xử...) dễ bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị các rối loạn tâm thần.

Ở nhà trường, nếu chương trình học quá tải, nặng về nhồi nhét kiến thức, giáo viên không gương mẫu, thiếu công bằng, thiếu sự cảm thông và nâng đỡ tâm lý cho trẻ… cũng khiến trẻ chóng mệt mỏi, thiếu hứng thú học tập dẫn đến chán học, bỏ trường lớp.

Theo các chuyên gia tâm lý, mỗi người trẻ cần tạo lập một lịch sinh hoạt khoa học, lịch làm việc cụ thể, vừa sức, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, có hiểu biết về sức khỏe và tâm lý, có các kỹ năng sống thiết yếu... Khi thấy con em mình xuất hiện những triệu chứng tiêu cực về tâm lý, các bậc cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện khám và xin tư vấn tâm lý, tránh điều trị vòng vo, kéo dài thời gian sẽ khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm, tiêu cực.