Nỗi lo thảm họa sinh thái từ bãi biển nhân tạo ở Philippines

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khu vực Vịnh Manila bị ô nhiễm nặng của Philippines giờ đã được tân trang bằng bãi biển cát trắng nhân tạo dài 500m trị giá 8 triệu USD. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo hệ lụy của nó là có thể gây hại cho sức khỏe con người và động vật biển.

“Điều đó chỉ là ảo tưởng. Đừng nghĩ cứ màu trắng nghĩa là nó sạch”, bà Lia Mai Torres, giám đốc điều hành của Trung tâm Quan ngại Môi trường Philippines khẳng định.

Tranh luận về bãi biển nhân tạo của Manila cũng là câu hỏi đặt ra về tình trạng khai thác cát trên toàn thế giới

Tranh luận về bãi biển nhân tạo của Manila cũng là câu hỏi đặt ra về tình trạng khai thác cát trên toàn thế giới

Đe dọa đa dạng sinh học

Vùng biển của Vịnh Manila vốn bị ô nhiễm nặng bởi dầu và rác từ các khu dân cư và cảng gần đó. Một tấm biển khổng lồ “Cấm bơi lội” cảnh báo du khách tránh xa vùng nước này. Cát trắng bồi đắp cho bãi biển nhân tạo ở khu vực này thực chất là loại đá vôi dolomit nghiền lấy từ một mỏ ở Cebu, miền Trung Philippines. Các chuyên gia cho biết, việc sử dụng cát làm từ đá dolomit trong một dự án như vậy là rất hiếm. Phần lớn các bãi biển cát trên toàn thế giới được tạo thành từ thạch anh trong khi cát đá vôi trắng thường dùng trong xây dựng đường bộ. “Tôi chưa bao giờ bắt gặp bất kỳ bãi biển nào được bồi đắp bằng cát dolomit”, Ông Arnaud Vander Velpen, người đứng đầu bộ phận giám sát và đổi mới tại Phòng Giám sát và Quản lý cát của UNEP/GRID-Geneva (Chương trình Môi trường Liên hợp quốc) cho biết.

Tranh cãi nảy sinh khi cát đá vôi dolomit không phải là cát khai thác từ hệ sinh thái ở sông và đại dương, nhưng nó lại không phù hợp với thành phần của cát bản địa để bảo vệ hệ động vật bãi biển. “Nếu muốn thay đổi các đặc điểm cốt lõi của cát bản địa, cát gốc, bạn cần phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (để tìm hiểu xem nó sẽ tác động như thế nào đến hệ sinh thái lân cận”, bà Torres nói và nhấn mạnh Manila không thực hiện đánh giá như vậy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines đã phủ nhận việc cát dolomit có thể gây ra bất kỳ nguy cơ nào đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái. Tuy nhiên, các nhà khoa học của Đại học Philippines đã phản bác những tuyên bố đó. Viện Sinh học quốc gia Philippines phân tích, việc sử dụng đá dolomit nghiền nát không khôi phục được ô nhiễm mà “thậm chí còn gây bất lợi nhiều hơn cho đa dạng sinh học hiện có cũng như các cộng đồng trong khu vực. Đơn cử, bãi biển cát dolomit đã che phủ một phần diện tích bãi triều được các loài chim sử dụng, do đó làm giảm môi trường sống của chúng”. Vào mùa di cư cao điểm, Vịnh Manila là nơi sinh sống của 90 loài chim thủy sinh, bao gồm cả những loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong tự nhiên.

Hơn nữa, Viện Khoa học Hàng hải đã cảnh báo rằng việc hít phải các hạt bụi dolomit mịn trong thời gian dài có thể gây ra các ảnh hưởng mãn tính đến sức khỏe, dẫn đến khó chịu ở ngực, khó thở và ho.

Bài toán cải tạo ô nhiễm biển

Các nhà bảo vệ môi trường nói rằng việc che phủ bãi biển không giải quyết được các vấn đề môi trường thực sự của Vịnh Manila. Bà Torres và những người khác tin rằng cách tốt nhất để làm sạch Vịnh Manila không phải là thêm bất cứ thứ gì, mà là loại bỏ rác và ô nhiễm. “Nghiên cứu cho thấy phần lớn chất thải đến từ những chất thải đã được thu gom, vì vậy đây là những bãi rác lộ thiên dọc theo bờ biển bị trôi vì mưa”, bà Torres nói. Bên cạnh đó là phải tính toán đến các dự án khai hoang. Các dự án này sẽ ảnh hưởng đến rừng ngập mặn giúp giữ cát, điều đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xói mòn bờ biển.

Đối với bãi biển cát trắng nhân tạo của Manila, có vẻ như một phần đã bị thổi bay trong hàng loạt cơn bão gần đây. Người dân ở Manila đã đăng tải trên mạng xã hội những bức ảnh cho thấy bão đã tàn phá bãi biển như thế nào. Các nhà chức trách bị chỉ trích vì đã chi khoảng 389 triệu peso (8 triệu USD) cho một dự án bãi biển nhân tạo giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Nhiều người chia sẻ hình ảnh một chiếc bánh đá với dòng chữ “Thật là đau, nó thực sự trị giá 389 triệu peso. “Đó chỉ là một sự lãng phí tài nguyên quý giá”, bà Lia Mai Torres nói.

Tranh luận về bãi biển nhân tạo của Manila cũng là câu hỏi đặt ra về tình trạng khai thác cát trên toàn thế giới. Theo UNEP/GRID-Geneva, tiêu thụ cát toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ qua, chủ yếu là phục vụ các công trình xây dựng. “Nhiều người cho rằng nguồn cung cấp cát tự nhiên là vô tận, nhưng không phải như vậy”, chuyên gia Vander Velpen khẳng định.

Đối với bãi biển cát trắng nhân tạo của Manila, có vẻ như một phần đã bị thổi bay trong hàng loạt cơn bão gần đây. Người dân ở Manila đã đăng tải trên mạng xã hội những bức ảnh cho thấy bão đã tàn phá bãi biển như thế nào. Các nhà chức trách bị chỉ trích vì đã chi khoảng 389 triệu peso (8 triệu USD) cho một dự án bãi biển nhân tạo giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành.