Nỗi lo mất tiền vì "lời nói gió bay"

ANTD.VN - Cách đây 2 tháng, tôi góp vốn với một đồng nghiệp cùng công ty để mở một cửa hàng thời trang. Số tiền đóng góp của mỗi người là 100 triệu đồng. Tuy vậy, sau một thời gian, do mang thai và sinh con nên tôi không thể tới cửa hàng thường xuyên. Vì vậy, cô bạn của tôi  đã lặng lẽ rủ người khác làm chung, đẩy tôi ra khỏi cửa hàng. Khi tôi yêu cầu cô ta trả lại phần vốn góp thì cô ta nói vốn đó đang nằm trong số hàng đang tồn đọng nên khi bán hết hàng mới thanh toán. Giao kết giữa hai bên chỉ bằng miệng, không có văn bản chứng từ gì. Trong trường hợp này tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình, tôi có lấy lại được số tiền mình đã đóng góp không? Phan Thu Ngà (quận Hà Đông, Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân Công ty Luật TNHH Labor Law Địa chỉ: Phòng 702 tòa nhà Viện công nghệ mới, số 8 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội 

Theo quy định của BLDS: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”.

Khi phát sinh tranh chấp, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Do thỏa thuận bằng lời nói nên giá trị chứng minh rất thấp, nếu khởi kiện ra tòa án, nguyên đơn sẽ rất khó chứng minh là đã có thỏa thuận đó cũng như các nội dung của thỏa thuận nếu bị đơn phủ nhận. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1, Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự “người khởi kiện phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là hợp pháp và có căn cứ”.

Vì vậy, nếu hợp đồng góp vốn được thỏa thuận miệng, bạn cần kiểm tra lại xem mình có lưu giữ chứng cứ, các bằng chứng gì không (giấy tờ khác chứng minh có việc hợp tác như thư từ, tin nhắn trao đổi giữa hai bên, biên bản giao nhận hàng, giao nhận tiền, thông tin về việc chia tiền lãi trong ngày…) hoặc tìm gặp những người chứng kiến thỏa thuận hợp tác làm ăn giữa hai bên để họ làm chứng khi bạn khởi kiện ra tòa án cấp quận.

Thậm chí, nếu có dấu hiệu phạm tội (hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản) thì bạn có thể làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an cấp quận nơi đối tác cư trú để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS. Còn trong trường hợp bạn không có chứng cứ nào chứng minh việc góp vốn giữa hai bên thì không thể yêu cầu tòa án giải quyết. 

Thỏa thuận bằng lời nói có giá trị chứng minh rất thấp