Nỗi lo hậu đảo chính

ANTĐ - Dù đã được hợp thức hóa bằng sắc lệnh của Nhà vua Thái Lan song chính quyền quân sự lên cầm quyền sau cuộc đảo chính chớp nhoáng vẫn gặp nhiều thách thức trong việc mang lại ổn định cho đất nước này.

Nhiều người biểu tình phản đối đảo chính quân sự tại Thủ đô Bangkok

Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej ngày 26-5 đã ra sắc lệnh chính thức bổ nhiệm Tư lệnh Lục quân, Tướng Prayuth Chan-OCha, làm người đứng đầu chính quyền quân sự mới ở nước này. Tướng Prayuth là người đã lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự ngày 22-5 lật đổ chính quyền dân sự, đưa quân đội Thái Lan lên cầm quyền lần thứ 19 trong hơn 70 năm qua tại nước này.

Sắc lệnh Hoàng gia Thái Lan nêu rõ, để khôi phục hòa bình và trật tự tại nước này cũng như vì sự đoàn kết, Nhà vua đã bổ nhiệm Tướng Prayuth làm người đứng đầu Hội đồng gìn giữ hòa bình và trật tự (NPOMC) để điều hành đất nước. Theo truyền thống Thái Lan, để được hợp pháp hoá, các cuộc đảo chính quân sự vốn đã xảy ra 19 lần tại nước này từ năm 1932 tới nay cần được Hoàng gia Thái Lan thông qua. 

Ngay sau khi được Nhà vua Bhumibol Adulyadej chính thức phê chuẩn, tướng Prayuth khi cùng các tướng lĩnh cấp cao khác ra mắt chính quyền quân sự đã cam kết sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách trung thực và sớm giải quyết các vấn đề để Thái Lan có thể quay trở lại chế độ dân chủ đúng đắn. Tướng Prayuth cũng cho biết sẽ bổ nhiệm một Thủ tướng lâm thời và thành lập nội các song không đưa ra thời gian cụ thể. 

Với việc có được sắc lệnh phê chuẩn của Hoàng gia Thái Lan, cuộc đảo chính cũng như sự cầm quyền của quân đội Thái Lan do Tướng Prayuth đứng đầu đã được hợp thức hóa. Tuy nhiên, không vì thế mà tình hình Thái Lan có thể ổn định trở lại bởi các lực lượng chính trị tại nước này vẫn tiếp tục có những hoạt động nhằm phản đối cuộc đảo chính.

Không chỉ có gia tộc Shinawatra nắm quyền 10 năm qua ở Thái Lan mà các lực lượng chính trị khác tại quốc gia này đều phản đối và tuyên bố thực hiện các hành động phản kháng như tổ chức biểu tình phản đối. Hiện đã xuất hiện thông tin cho biết cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đang có kế hoạch lập chính phủ lưu vong để đối đầu với chính quyền quân sự lên cầm quyền sau vụ đảo chính.

Chính vì thế, Tướng Prayuth sau khi ra mắt chính quyền quân sự đã đe doạ “tăng cường thực thi luật pháp” nhằm vào những người biểu tình phản đối đảo chính, đồng thời cho biết những người biểu tình có thể sẽ bị đưa ra xét xử tại các tòa án binh. Tướng Prayuth còn nhấn mạnh nếu bùng phát các cuộc biểu tình chính trị, thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng vũ lực bởi các nguyên tắc dân chủ thông thường không thể áp dụng vào thời điểm này.

Bất ổn chính trị đã dẫn tới một nỗi lo khác ở Thái Lan hiện nay là ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế nếu cuộc khủng hoảng chính trị không sớm được giải quyết. Chịu tác động tiêu cực đầu tiên và nặng nhất là ngành du lịch, một nguồn thu quan trọng của Thái Lan, khi lượng du khách quốc tế 4 tháng đầu năm nay giảm 5% so với cùng cùng kỳ năm trước và giảm tiếp 10-12% trong tháng 5 này. Công nghiệp ô tô cũng đang sa sút khá mạnh khi doanh số giảm nhanh, dẫn tới 30 nghìn lao động trong ngành công nghiệp quan trọng này sẽ thất nghiệp nếu tình trạng bất ổn tiếp diễn.