Nỗi lo bị đầu độc chất gây nghiện

ANTĐ - Thời gian gần đây, ở một số trường học, không ít học sinh đã bị một số đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo sử dụng chất gây nghiện. Điều này đã khiến các bậc phụ huynh hoang mang, lo ngại…

Hậu quả khôn lường

Nửa tháng nay, dư luận xôn xao trước thông tin tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh) có nhiều học sinh bị đầu độc chất gây nghiện thông qua nước uống và hít trực tiếp. Trước tình trạng này, nhiều ông bố bà mẹ đã cho con nghỉ học. Theo cơ quan chức năng tại địa phương có một số em học sinh trong độ tuổi sinh từ 1995 đến 1999 đã đến cơ quan công an trình báo về việc bị dụ dỗ cho hít hoặc uống nước bị nghi có ma túy. Những em này cho biết: “Các anh cho chúng em hít khói của thứ bột gọi là “hàng”, được nghiền ra từ những viên thuốc màu trắng, hồng. Có những em còn được rủ đi đá bóng, chơi bida và cho uống nước ngọt, uống hết còn được cho tiền”. Vụ việc đang được cơ quan công an xác minh làm rõ.

Trước đó, tình trạng hít keo chó dẫn đến nghiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên đã xảy ra. Keo chó là loại keo dán dùng để dán gỗ, da giày, ống nước, gioăng động cơ xe máy... được bán công khai ngoài thị trường. Các loại keo dán này đều có thành phần dung môi hữu cơ, trong đó có những dung môi rất độc đối với sức khỏe con người là Methylene Chloride, Ethyl acetate, Cyclohexane. Điều đáng nói là, hành vi mua bán, sử dụng  mặt hàng này nếu bị phát hiện lại rất khó xử lý bởi hành vi hít keo chó vẫn chưa có chế tài xử lí cụ thể và các loại keo dán không phải là hàng cấm. Mặc dù các nhà sản xuất đã cảnh báo sự nguy hiểm chết người trên từng hộp keo nhưng một số đứa trẻ khi đã hít keo thì rất khó từ bỏ bởi không thể quên được độ “phê” của loại keo này.

Theo những đối tượng này, ban đầu, khi hít keo chó, đầu óc sẽ bị quay cuồng, chóng mặt, buồn nôn và rất khó chịu. Nhưng sau vài lần như thế, đầu óc lâng lâng như lơ lửng trên mây, người hít sẽ có cảm giác như đang xa rời thực tại để đến với một thế giới khác. Nguy hiểm ở chỗ, người say keo chó thường hành động vô thức, hay nói nhảm, luôn trong trạng thái lơ mơ và có một số biểu hiện giống như người bị bệnh tâm thần. Điều đáng nói là đa phần, đối tượng bị đầu độc chất gây nghiện này là trẻ em trong độ tuổi từ 12-15, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện và chưa có kỹ năng sống.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Tiến sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng, trong quá trình phát triển về tâm lý của mỗi con người sẽ trải qua những giai đoạn khủng hoảng, đặc biệt là vào lứa tuổi dậy thì. Đây là giai đoạn chuyển giao từ “trẻ con” sang “người lớn” nên học sinh có tâm lý và cách hành xử rất phức tạp. Trong giai đoạn này, các em thường có tâm lý “bất cần”, thích khám phá những điều mới lạ. Đây cũng là nguyên nhân dễ khiến các em lầm đường lạc lối. Mặt khác, ở lứa tuổi “trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới” các em rất dễ bị áp lực khi thất bại trong việc học tập, tình cảm khiến các em muốn chối bỏ hiện tại để tìm đến một thế giới khác. Không ít em đã có suy nghĩ việc được “thử” sử dụng chất gây nghiện là quá trình “trải nghiệm” thú vị, nó sẽ khiến bản thân có thêm động lực để đối phó với gia đình, thầy cô. Hơn nữa, tâm lý “bầy đàn”, thích thể hiện, dễ bắt chước một cách mù quáng cũng khiến các em rất dễ sa đà, hư hỏng.

Còn theo Luật sư Võ Đình Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc đầu độc chất gây nghiện đối với học sinh đã từng xuất hiện ở một số nơi, như việc bỏ ma túy vào bánh mỳ, nước uống. Đối tượng thực hiện hành vi đầu độc người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Điều đáng nói là mỗi gia đình khi phát hiện ra con mình sử dụng chất gây nghiện mới nhận ra đã có nhiều thiếu sót và buông lỏng trong việc dạy dỗ con cái. Mặt khác, áp lực từ phía gia đình, cấm đoán khắt khe cũng ảnh hưởng không tốt đến đời sống tinh thần của trẻ. Từ đây các em cũng dễ “phản ứng” lại bằng cách tìm đến chất gây nghiện. Ngoài ra trong các nhà trường hiện nay, cách giáo dục về vấn đề này cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những thông tin về sự nguy hại của các chất gây nghiện tới cơ thể con người. Để bảo vệ những chủ nhân tương lai của đất nước, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi này thì các bậc cha mẹ, nhà trường hãy quan tâm hơn đến con em mình, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bác sỹ Trần Thu Hà - bệnh viện Bạch Mai chỉ ra những dấu hiệu bất thường đối với trẻ bị đầu độc chất gây nghiện:

Về tâm lý: Khi bắt đầu rơi vào con đường nghiện ngập, dấu hiệu đầu tiên là sự thay đổi bất thường về tâm lý: Tự cô lập bản thân (lẩn trốn, bỏ học giữa chừng), thay đổi đột ngột trong hành vi và tâm trạng, hay bị kích động và bồn chồn, có cảm giác cao độ về sự vô dụng hoặc tội lỗi của mình gây ra, khó tập trung và suy nghĩ về các giải pháp, dễ cáu gắt.

Về sinh lý: Bắt đầu thờ ơ với ngoại hình, mặt xám lại, da khô và có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, giảm cân hoặc tăng cân đột ngột, rối loạn giấc ngủ, mất trí nhớ, đặc biệt về những sự việc gây chấn động, tổn thương, mắt thường xuyên xuất hiện vằn đỏ, đờ đẫn, chảy nước mũi.

Khi vào cơn nghiện, các em có thể đi không vững, da tái, môi thâm, con ngươi giãn rộng, thường sợ nước, sợ ánh sáng, hay mất ngủ và giật mình liên tục.