Nối lại đường bay quốc tế thường lệ sau thời gian dài đóng băng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ ngày 1-1-2022 tới đây, hàng không sẽ nối lại các đường bay quốc tế thường lệ đến 10 thị trường có tính an toàn cao. Các hãng hàng không hiện đã hoàn tất công tác chuẩn bị và chỉ chờ nhà chức trách hàng không phân bổ “slot” là có thể nối lại đường bay quốc tế sau một thời gian dài đóng băng.

Cấp tập hoàn tất thủ tục

Theo chỉ đạo mới nhất từ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, từ ngày 1-1-2022 sẽ thí điểm nối lại đường bay quốc tế thường lệ đến 10 thị trường có tính an toàn cao. Ngay sau đó, các Bộ, ngành, nhà chức trách hàng không và các hãng hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, lên phương án để trở lại bầu trời quốc tế. Hiện, Bộ Y tế đã ban hành quy định cách ly với khách nhập cảnh từ ngày 1-1-2022. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các hãng hàng không, các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch.

Mới đây nhất, ngày 24-12-2021, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách cả 2 chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cụ thể, các hãng hàng không ngoài các chuyến bay hiện tại đã được cấp phép cần gửi đơn đề nghị để xem xét cấp phép bay theo nội dung đã được thỏa thuận giữa nhà chức trách hàng không Việt Nam và Nhật Bản. Tần suất: với Vietnam Airlines trên đường bay Hà Nội/TP.HCM - Tokyo và ngược lại, 3 chuyến/chiều/tuần.

Chuyến bay thẳng quốc tế thường lệ của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi San Francisco vào ngày 28-11 vừa qua

Chuyến bay thẳng quốc tế thường lệ của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi San Francisco vào ngày 28-11 vừa qua

Với hãng Vietjet Air trên đường bay Hà Nội/TP.HCM - Tokyo và ngược lại, 1 chuyến/chiều/tuần. Còn với hãng Japan Airlines và All Nippon Airways, Tokyo - Hà Nội/TP.HCM và ngược lại, tần suất không vượt quá 4 chuyến/ chiều/tuần cho tổng cả 2 hãng.

Đại diện đại sứ quán các nước bày tỏ sự hoan nghênh và ủng hộ chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với Covid-19 của Chính phủ Việt Nam nói chung và kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách nói riêng. Đồng thời cho rằng việc thực hiện kế hoạch này sẽ góp phần tích cực thúc đẩy khôi phục các hoạt động hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước như trước đây, cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại, kinh doanh, thăm thân... của người dân và doanh nghiệp.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra nhằm đảm bảo hành khách trước khi lên tàu bay vào Việt Nam đã hoàn thành các yêu cầu phòng chống dịch, phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2 trước khi nhập cảnh; Giấy chứng nhận tiêm chủng/Hộ chiếu vaccine hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Đối với hành khách chưa tiêm đủ hoặc chưa được chứng nhận khỏi bệnh sẽ phải có Giấy xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà, tại các khách sạn theo danh sách được địa phương công bố đủ điều kiện cách ly.

Kiến nghị không cách ly khách đã tiêm đủ liều vaccine

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có buổi làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao một số nước như Nhật Bản, Singapore… để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy triển khai kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ. Tại buổi làm việc, ông Thọ thông báo tới cơ quan đại diện ngoại giao các nước về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách đến và đi từ Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt cũng như Hướng dẫn số 10688 ngày 16-12-2021 của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh.

Cụ thể, trong giai đoạn 1 (từ 1-1-2022), Chính phủ Việt Nam đồng ý tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ). Đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, có số lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, số lượng công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ này nhiều và có nhu cầu hồi hương cao. Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/ tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần).

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, trước mắt việc khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ dự kiến sẽ được thí điểm trong 2 tuần, bắt đầu từ 1-1-2022. Bộ GTVT sẽ xem xét mở rộng thêm trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm. Nhà chức trách hàng không Việt Nam đã có thư gửi tới nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ để thống nhất về việc khôi phục lại hoạt động hàng không quốc tế chở khách và đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao trao đổi với các cơ quan liên quan trong nước để sớm thống nhất và có phản hồi về kế hoạch nêu trên để có thể nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách, góp phần tạo thuận lợi cho đi lại của người dân cũng như khôi phục giao lưu và hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ.

Trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao các nước, Bộ GTVT cũng đã có giải thích cụ thể về các thủ tục triển khai thực hiện kế hoạch nêu trên đối với các hãng hàng không của Việt Nam và các nước, các đường bay, tần suất và thời gian thực hiện các chuyến bay. Đại diện đại sứ quán các nước bày tỏ sự hoan nghênh và ủng hộ chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với Covid-19 của Chính phủ Việt Nam nói chung và kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách nói riêng. Đồng thời cho rằng việc thực hiện kế hoạch này sẽ góp phần tích cực thúc đẩy khôi phục các hoạt động hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước như trước đây, cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại, kinh doanh, thăm thân... của người dân và doanh nghiệp.

Đại diện đại sứ quán các nước cho biết, hiện nay các nước đều đã thực hiện chính sách mở cửa, khôi phục các chuyến bay quốc tế để khôi phục kinh tế và bày tỏ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền của phía Việt Nam xem xét, tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực đối với người nhập cảnh như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Sớm thực hiện miễn cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phòng chống Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh và có xét nghiệm RT-PCR âm tính do đây là những nguyên nhân chính cản trở các hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế cũng như đi lại của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Hàng không chỉ chờ cất cánh

Về phần các hãng hàng không, hiện đã chuẩn bị sẵn sàng để nối lại đường bay quốc tế thường lệ. Đại diện Vietnam Airlines thông tin, trong giai đoạn 1, từ 1-1-2022, Vietnam Airlines lên kế hoạch khai thác các chuyến bay 2 chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Giai đoạn này dự kiến chỉ thực hiện trong thời gian ngắn khoảng 2 tuần. Vietnam Airlines sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách.

Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay quốc tế thường lệ đi Mỹ ngay khi nhà chức trách hàng không 2 quốc gia cho phép. Giai đoạn 2, Vietnam Airlines lên kế hoạch khôi phục thêm các đường bay 2 chiều giữa Việt Nam và Anh, Pháp, Đức, Nga, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia. Tần suất khai thác theo phương án phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam.

Trong giai đoạn 1, mỗi chặng bay dự kiến từ 1-4 chuyến/tuần và sẽ tăng dần dựa trên nhu cầu khai thác thực tế và yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Trong đó, số lượng chuyến bay tập trung trên các đường bay có nhu cầu lớn như Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Các chặng bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Nga, Úc, Hoa Kỳ dự kiến sẽ được Vietnam Airlines khai thác bằng các dòng tàu bay thân rộng lớn nhất của hãng là Boeing 787 hoặc Airbus A350.

Tương tự với Vietjet Air, hãng dự kiến sẽ khai thác các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Tokyo (Narita, Nhật Bản), Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Singapore, Bangkok (Thái Lan) ngay từ đầu tháng 1-2022. Trong giai đoạn 1 dự kiến các chặng bay sẽ được khai thác từ 1 chuyến khứ hồi/tuần và tăng lên theo nhu cầu của người dân, du khách và sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo khai thác an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Giai đoạn tiếp theo, Vietjet dự kiến sẽ mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế mà hãng đã khai thác trước đây đến các quốc gia khác trong khu vực cũng như xa hơn đến Ấn Độ, Nga...

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, các hãng đều mong muốn Bộ Ngoại giao sớm hoàn thành việc công nhận “hộ chiếu vaccine” với các nước để thuận tiện cho hành khách. Đồng thời, các Bộ, ngành và địa phương tiếp nhận chuyến bay cần thống nhất hướng dẫn về xử lý hành khách theo các điều kiện y tế, phòng chống dịch. Với khách chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 thì xử lý tại sân bay rồi đưa về địa phương thế nào? Nghĩa là cần quy trình phối hợp rõ ràng, cụ thể với trách nhiệm các bên liên quan về quy trình cách ly, phòng dịch. Việc này nhằm tránh khách về nhưng không được nhập cảnh, hãng đưa trở lại nước xuất phát cũng không được.