Diễn viên Đỗ Duy Nam:

Nỗi khổ của "người phán xử" trong gia đình

ANTD.VN - Nổi như cồn sau chương trình “Gương mặt thân quen”, Đỗ Duy Nam nhận được nhiều lời mời đi hát nhưng anh vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê lớn nhất của mình là diễn viên. Anh chàng được mệnh danh “nhắc đến là cười”, “gương mặt triệu view” giờ đã có mái ấm riêng và vừa lên chức bố. “Cà phê sáng chủ nhật” đã có cuộc trò chuyện với Đỗ Duy Nam về cuộc sống của một người đàn ông trong  gia đình.

“Mẹ vợ bênh tôi hơn… con gái!”

Được biết anh vừa lập gia đình và đã có một nhóc tì đáng yêu, trước khi yên bề gia thất anh nghĩ gì về hôn nhân?

Diễn viên Đỗ Duy Nam: Với tôi, trước khi kết hôn tôi nhìn nhận hôn nhân theo nghĩa vô tư và hài hước, hôn nhân nghĩa là hai người… hôn nhau! (cười). Sau này khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân tôi thấy hôn nhân là vô vàn những cánh cửa mở mãi không thấy hết, có khi phải đi đến hết cuộc đời ta mới hiểu thấu được. Chỉ biết bây giờ tôi cảm thấy mình đã “giác ngộ” được cả hạnh phúc và phiền toái trong hôn nhân rồi.

Phiền toái theo ý anh nói ở đây là gì thế?

Ngoài chuyện vợ chồng có lúc “xô bát xô đũa” thì chuyện mẹ chồng - nàng dâu, con rể - nhà vợ cũng là một vấn đề mà cặp đôi nào cũng mắc phải. Tôi may mắn khi có hậu phương vững chắc là nhà vợ nên nhiều khi chuyện trong gia đình có trục trặc thì hậu phương cũng đứng ra bênh tôi chứ không phải là bênh vợ tôi (cười).

Thật lạ khi mẹ vợ lại bênh con rể mà không bênh con đẻ, anh có bí quyết gì vậy?

Bí quyết của tôi cũng chẳng có gì, mình muốn nhận lại thế nào thì mình cho đi thế ấy. Mẹ vợ tôi cũng còn trẻ nên khá tâm lý, bà cũng hiểu tính con gái của mình nhiều cái còn trẻ người non dạ, bản thân tôi cũng là người biết lắng nghe và tôn trọng đạo hiếu, tôi muốn vợ tôi đối tốt với mẹ chồng thì đương nhiên tôi nên đối tốt với mẹ vợ, bởi vì không có mẹ vợ thì làm sao có vợ tôi trên đời. Nghĩ thế nên tôi cũng hay… “nịnh” mẹ vợ, thi thoảng nhà có “xô bát xô đũa” thì mẹ vợ tôi cũng nghe hai tai chứ không bênh con mình đâu.

Nỗi lòng của “kẻ thứ ba”

Vậy còn mẹ anh thì sao, xưa nay mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong nhiều gia đình vốn là mối quan hệ không dễ hòa hợp?

Nói là không khúc mắc thì không phải. Nhưng đó cũng chỉ là chuyện cơm bữa của hai thế hệ. Mỗi thế hệ có một cách chăm con cháu khác nhau nên nhiều khi mẹ tôi thì cầu toàn, cứ bảo vợ tôi chuyện chăm con là phải thế này thế kia theo kinh nghiệm các cụ, vợ tôi thì còn trẻ nên cô ấy thích chăm con theo phương pháp hiện đại. Các cụ thấy nghịch mắt thế là lại hục hoặc. Tôi nói thật, chuyện mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, khổ thân không phải là nàng dâu đâu mà là anh con trai, cái “kẻ thứ ba” đứng giữa hai người phụ nữ mà anh ta yêu!

Anh hãy ví dụ cụ thể về cái nỗi khổ đó như thế nào?

“Chuyện mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, khổ thân không phải là nàng dâu đâu mà là anh con trai, cái “kẻ thứ ba” đứng giữa hai người phụ nữ mà anh ta yêu!”

Bản thân tôi là diễn viên nhưng tôi cũng thấy phim ảnh đang cường điệu hóa mẹ chồng lên khiến hình ảnh mẹ chồng trở nên méo mó. Không phải mẹ chồng nào cũng chằm chặp bênh con trai, ghét con dâu. Không phải nàng dâu nào cũng ngoan hiền và chịu oan ức gì cả, tất cả là do cách sống mà thôi.

Tôi ví dụ, nếu như không hài lòng gì với mẹ chồng thì có thể nói với chồng để cùng tìm giải pháp, tất nhiên lý do đó là đúng đắn, không nên chuyện bé xé ra to rồi lôi kéo chồng đứng về phía mình để hỗn hào với mẹ, bởi vì không có mẹ chồng thì làm sao có chồng? Mọi chuyện đều có thể trao đổi, tôi nghĩ thế.

Anh đã bao giờ gặp bế tắc khi phải trong vai “người phán xử” giữa vợ và mẹ  mình chưa?

Có chứ! Chuyện chăm con cái thôi, tư duy người trẻ người già khác nhau mà. Có những lúc đi làm về mẹ nói một câu tai này, vợ nói một câu tai kia, tôi như phân thân làm hai đến mệt. Những lúc như thế tôi rất sợ về nhà, thứ nhất tôi còn trẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm để  làm “quan tòa”, thứ hai bản thân cũng quá nhiều việc mệt mỏi ở ngoài, về nhà chỉ mong chăn ấm đệm êm bên gia đình, thế mà về lại gặp cảnh mâu thuẫn của hai người phụ nữ yêu mình, mình yêu nên cảm giác mệt mỏi và bất lực là không tránh khỏi.

Những lúc như vậy anh thường làm gì?

Tôi gọi điện tâm sự với mẹ vợ, thủ thỉ rủ vợ về nhà mẹ đẻ chơi, trước là để  nhà ngoại bớt nhớ con nhớ cháu, được chăm sóc, sau là để vợ có cảm giác không bị tủi thân vì ở nhà chồng. Vợ tôi còn trẻ, cô ấy cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Sau khi vợ con về nhà đẻ thì tôi lại thủ thỉ với  mẹ tôi về chuyện tôi mệt mỏi ra làm sao, muốn được mọi người yêu thương, muốn gia đình yên ổn như thế nào, mẹ tôi cũng dịu lại. Nhà tôi có mình tôi là con trai nên mẹ cũng chiều tôi từ bé, giờ phải đóng vai làm chồng, làm cha nên nhiều khi vẫn mắc lỗi liên tục.

Bí quyết “sống chung với mẹ chồng”

Trong vai trò làm chồng, làm cha, làm “kẻ thứ  ba”, anh thấy vai trò nào là khó nhất?

Tôi thì thấy mình đã trưởng thành rất nhiều sau khi kết hôn. Trước kia còn thanh niên khác nhiều, từ khi lấy vợ thì nghiêm túc hẳn, ngày xưa không biết đóng bỉm là gì, giờ con khóc cái là bật dậy như điện, nhoáng nhoàng thay bỉm lau người cho con, rồi tập hát ru, tập cho con ăn. Với vợ thì tập “nghe nhạc đoán chương trình”, nhìn mặt đoán ý “đồng đội” để biết cách chia sẻ với nhau.

Nói thật, trong 3 vai trò kể trên tôi thấy khó nhất vẫn là vai trò đứng giữa mẹ và vợ, không chỉ với riêng tôi đâu, tôi nghĩ đàn ông Việt nếu sống chung với gia đình thì hầu hết cũng đều cảm thấy khổ tâm đôi lần về chuyện đó.

Cách giải quyết mà anh cho là hợp lý nhất là gì?

Tôi đã từng ra ở riêng để vợ chồng cảm thấy thoải mái, riêng tư và ít va chạm. Việc ở riêng rất thú vị ở giai đoạn đầu, mọi việc chỉ bắt đầu rối tung khi chúng tôi có con. Thú thực, không ai có thể chăm sóc con cái tốt bằng máu mủ nhà mình, tôi nghiệm ra là thế. Khi về sống chung với bố mẹ, vợ chồng trẻ chúng tôi có nhiều điều thuận lợi vì hai bên nội ngoại ông bà đều còn trẻ, lại con đầu cháu sớm nên ai cũng yêu và muốn chăm cháu, chúng tôi vẫn có những khoảng thời gian riêng tư bên nhau trong khi con vẫn còn nhỏ, đó là một điều thuận lợi mà không phải cặp đôi nào cũng có. Vì thế, vấn đề nào cũng có hai mặt, làm sao để dĩ hòa vi quý là điều mà mọi người đều mong muốn. Sống trong một đại gia đình mà cái “tôi” của ai cũng to tướng thì rất khó êm ấm.

Vậy bí quyết để “sống chung với mẹ chồng” của các nàng dâu theo anh là gì?

Trước khi cãi mẹ, hãy nghĩ rằng mẹ yêu con trai mình là điều đương nhiên, chẳng phải các nàng dâu cũng đang làm mẹ đó sao, ai mà chẳng yêu con mình. Trước khi cãi mẹ, hãy nghĩ đến chồng mình, nếu tình yêu đủ lớn, cái tôi sẽ bé lại, còn nếu không thì việc sống chung sẽ là một thảm họa.

Về phần mình, nên chia sẻ nhiều hơn với vợ, sau này con cái lớn, nếu có điều kiện thì vẫn nên ra ở riêng, cuối tuần cho con về thăm ông bà, trước là để ông bà đỡ nhớ con cháu, sau là mình cũng về xem bố mẹ có đau ốm không? Còn về phần mẹ mình thì nên thẳng thắn quan điểm, nếu thấy mẹ sai thì nên nói chuyện với mẹ, suy cho cùng câu chuyện cũng chỉ là cách yêu chưa hợp lý của hai người phụ nữ yêu chung một người con trai thôi mà (cười). 

Cảm ơn và chúc anh luôn hạnh phúc bên những người yêu thương!