Nỗi khổ của đàn ông

ANTĐ - Không ít nam giới Việt Nam “tị nạnh”: Phụ nữ có đến 2 ngày được tôn vinh (mùng 8-3 và 20-10) trong khi đàn ông chẳng được coi trọng như vậy. Đó chỉ là nói vui, nhưng thực tế, đàn ông cũng đang còng lưng gánh những nhãn mác “oai phong” mang đầy màu sắc kỳ thị.

Nỗi khổ của đàn ông ảnh 1 

Gánh nặng “mạnh mẽ, thành đạt”

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, thời nay, trong khi phụ nữ ngày càng có cơ hội được thăng tiến, được nâng cao giá trị, được bình đẳng thì đàn ông lại có thêm nhiều gánh nặng. “Thời chiến tranh, người đàn ông lý tưởng mà phụ nữ hướng tới là các anh bộ đội, cứ nhìn thấy người mặc quân phục là mê về hình thức, tin tưởng về nhân cách. Thời bao cấp, tiêu chuẩn của người đàn ông lý tưởng là “làm hết 8 giờ vàng ngọc ở cơ quan, về nhà băm bèo nuôi heo, cân vành lộn xích (sửa xe đạp). Còn ngày nay, đàn ông không chỉ là một ông chồng “hòan thành nghĩa vụ” mà còn đóng rất nhiều vai trò kép” – ông Hòa phân tích.

Anh Đặng Văn Hưng (Khu đô thị Nam Thăng Long) luôn phải gồng mình để thực hiện những điều “như người ta nói”. Hồi nhỏ, anh được bố mẹ dạy rằng đàn ông phải mạnh mẽ, tự lập, giỏi giang, thành đạt, phải “thét ra lửa”, phải là “trụ cột” để làm chỗ dựa cho bố mẹ, để che chở vợ con, để “người ta trông vào”. Đàn ông không được khóc lóc, yếu đuối… Nếu không được như vậy thì là đồ bất lực, bất tài, vô dụng, bỏ đi… “Ai cũng nói như vậy đến mức tôi cảm thấy đó là điều bắt buộc, đến mức sống chết, nếu không thể làm như lời bố mẹ tôi chắc tôi là đứa con hư, là người chồng vô dụng, là người cha tồi tệ…” – anh Hưng cho biết.

Anh Hưng trưởng thành đúng như khuôn mẫu "thành đạt và mạnh mẽ". Anh  làm chủ một Công ty xuất khẩu, tiền của như nước, đồng nghĩa với việc tư thế cũng oai phong, lẫm liệt. Anh yêu một cô gái khá cá tính, thông minh và độc lập. Hai người rất tâm đầu ý hợp, không chỉ say mê, tin tưởng nhau mà trong công việc cũng chia sẻ với nhau  nhiều ý tưởng. Nhưng trong vài lần tranh cãi, sự quyết đoán, độc lập của cô ấy khiến anh cảm thấy mình "kém đàn ông", không được "đề cao". Bố mẹ anh cũng bực bội vì vợ anh không giữ đúng vai trò làm vợ, làm con.

Sau nhiều lần xung đột, vợ anh đòi chia tay. Hưng nhanh chóng cưới một cô vợ mới là giáo viên cấp I, hiền lành, ngây thơ, đặc biệt hết sức "ngưỡng mộ" anh. Nhưng người vợ mới lại hiểu biết hạn hẹp, không thể chia sẻ với chồng.

Hưng thở dài: "Quá nửa đời người, tôi phấn đấu cho cái mác "đàn ông" của mình. Lúc nào tôi cũng phải tỏ ra thành đạt, mạnh mẽ, cứng cỏi, không được tỏ vẻ yếu đuối, mệt mỏi. Người vợ bây giờ ngoan hiền đến mức chẳng biết nói chuyện, tôi nói gì cô ấy cũng chẳng hiểu, chuyện xã hội, cái gì cô ấy cũng không biết, một điều "nhờ anh", hai điều "cậy chồng". Tôi cô đơn trong chính gia đình của mình".

Nhiễu chuẩn mực

Theo nghiên cứu "Vai trò của người đàn ông trong sức khoẻ sinh sản, gia đình và xã hội" của bà Vũ Phạm Nguyên Thanh (Tổ chức Path Canada) cho thấy: đa số mọi người đều cho rằng đàn ông là đại diện cho những phẩm chất "to lớn và mạnh mẽ" như: sự cao thượng, tính quyết đoán, độc lập, không chấp nhặt, rộng lượng, thành đạt, bản lĩnh, có năng lực, có khả năng che chở. Có người còn cho rằng: "Sự nghiệp và sự thành đạt tạo nên một người đàn ông khác hẳn với người khác". Phụ nữ tỏ thái độ tôn trọng và đề cao những người đàn ông nắm giữ những trọng trách cao trong xã hội.

Còn ông Trịnh Trung Hòa nhận định, đàn ông ngày nay đang phải gánh thêm nhiều chuẩn mực mới, tiêu chí “thành đạt, trụ cột kinh tế” không còn đủ. Một mặt, người vợ mong muốn người chồng chia sẻ việc nhà, lo toan gia đình với mình nhưng đồng thời họ mong muốn người chồng  phải quảng giao, thành đạt, kiếm tiền tốt và biết galăng, biết "đọc suy nghĩ và cảm giác" của vợ. Những định kiến của xã hội khiến đàn ông cảm thấy bị "sa lưới" vào mớ bòng bong những tiêu chí "đàn ông". Một người đàn ông biết quan tâm chăm sóc vợ con, biết chia sẻ việc nhà, biết đi chợ, nấu cơm thì thường bị đánh giá là "không đàn ông", "bám váy vợ". Đồng thời, người vợ cũng dễ có những so sánh với những người đàn ông thành đạt, kiếm nhiều tiền khác. Một người đàn ông lăn lộn suốt ngày ngoài đường để kiếm tiền, vun vén cho sự nghiệp thì thường bị cho là "vô trách nhiệm với gia đình", "không chăm sóc gia đình" và cũng dễ khiến người vợ buồn rầu, cô đơn.

Ngoài ra, đàn ông còn bị “gán mác” ích kỷ, lười biếng (không chịu chia sẻ việc nhà), tệ nạn (cờ  bạc, rượu chè), lăng nhăng, bạc bẽo… Chính vì những điều “người ta nói” mà không ít anh em bị đổ tiếng oan, gặp trắc trở mà không thể giãi bày.  Sự kỳ vọng và tạo áp lực cho người đàn ông có thể là con dao hai lưỡi. Những gánh nặng này đôi khi khiến người đàn ông suy sụp, chán chường khi gặp thất bại, khi bị vợ chì chiết, trách móc vì chưa đạt được những gì vợ con kỳ vọng. Người chồng sẽ chạy trốn bằng cách sống bê tha trong rượu chè, trượt dốc hoặc đi tìm một người phụ nữ khác biết “vinh danh” anh ta. Hạnh phúc gia đình sẽ khủng hoảng, tan vỡ.