Nỗi e ngại của nữ Thủ tướng Anh khi muốn mật thiết hơn với thương mại Mỹ

ANTD.VN - Trước khi lên đường sang thăm chính thức Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về kế hoạch Brexit vừa được Chính phủ Anh công bố, “phủ bóng” lên hy vọng của Thủ tướng Anh Theresa May rằng, chuyến công du sẽ giúp “thai nghén” một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Anh và Mỹ trong tương lai. 

Nỗi e ngại của nữ Thủ tướng Anh khi muốn mật thiết hơn với thương mại Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc gặp tại London ngày 13-7

Trả lời phỏng vấn độc quyền của tờ The Sun (Anh), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Anh có thể sẽ không đạt được FTA với Mỹ nếu vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch Brexit hiện nay. Ông Trump cho rằng kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May có thể sẽ “giết chết thỏa thuận thương mại tự do Anh-Mỹ” vì điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ phải đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) thay vì đàm phán trực tiếp với London. 

Điều này thể hiện rõ trong Sách Trắng Brexit mà Chính phủ Anh vừa công bố ngày   12-7, theo đó thiết lập nền tảng tương lai quan hệ kinh tế và an ninh của Anh với EU thời hậu Brexit. Kế hoạch đã báo trước một “thỏa thuận hợp tác” chung với EU trên nhiều lĩnh vực, từ năng lượng và hàng không tới thương mại và chia sẻ dữ liệu an ninh. Tổng thống Trump đồng tình với quan điểm của các nghị sĩ bảo thủ Anh rằng, Sách Trắng Brexit sẽ ràng buộc Anh với EU “vô thời hạn” và ngăn cản London ký các hiệp định thương mại tự do mới với các đối tác trên toàn cầu.

Tổng thống Mỹ cũng cho rằng nội dung của Sách Trắng về tương lai quan hệ giữa Anh với EU hậu Brexit “là một thỏa thuận khác xa những gì người dân Anh đã bỏ phiếu lựa chọn”. Không chỉ tỏ ý không hài lòng về việc Thủ tướng Anh đã không nghe theo những gì Tổng thống Mỹ “góp ý” về cách thức tiến hành Brexit, ông Trump còn đi xa hơn khi tuyên bố cựu Ngoại trưởng Anh vừa từ chức Boris Johnson “có thể là một Thủ tướng giỏi”. 

Những tuyên bố “gây sốc” này của Tổng thống Trump khiến dư luận không khỏi hoài nghi hiệu quả của những nỗ lực mà Thủ tướng Anh đang theo đuổi nhằm bảo đảm một thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng giữa Anh và Mỹ thời hậu Brexit. Thủ tướng May đã dành gần như cả tuần qua để thuyết phục những người chỉ trích rằng, kế hoạch Brexit được nội các của bà thông qua hồi cuối tuần trước vẫn cho phép nước Anh ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ và các nước khác sau Brexit. 

Phát biểu trước Tổng thống Mỹ và đại diện hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu của Anh, Thủ tướng May khẳng định Brexit là cơ hội cho Anh xây dựng một thỏa thuận “chưa từng có tiền lệ” với Mỹ trong việc thúc đẩy việc làm và tăng trưởng của cả hai bên. Thủ tướng May viện dẫn con số hơn 1 triệu người Mỹ đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nước Anh và khẳng định Brexit sẽ là cơ sở để “dẹp bỏ những rào cản quan liêu đang gây trở ngại cho doanh nghiệp hai bờ Đại Tây Dương”.

Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu khi chính quyền Trump mới thành lập, giới chuyên gia Anh đã cảnh báo hy vọng về một mối quan hệ Anh - Mỹ rực rỡ trong kỷ nguyên Trump chỉ là sự ảo tưởng. Thủ tướng May trở thành lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến gặp Tổng thống Trump ngay sau khi ông nhậm chức Tổng thống một phần là bởi Anh đang khao khát một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ sau khi rời khỏi EU. 

Tuy nhiên, nỗ lực của nữ Thủ tướng nhằm củng cố mối quan hệ thân thiết với vị Tổng thống khó đoán định này đã không đi theo kế hoạch. Các chuyên gia kinh tế và chính trị nhận định: “Mối quan tâm của Tổng thống Trump không phải là đảm bảo cho nước Anh có một đồng minh thực thụ thời hậu Brexit, mà hơn hết đó là tạo công ăn việc làm cho người Mỹ và các thị trường cho hàng hóa Mỹ”, một chủ nghĩa thực dụng trên hết.

Hơn nữa, những cách nhìn khác biệt về thế giới và chính sách đối ngoại đã dẫn đến những tranh luận về chính sách giữa một nước Anh Brexit và nước Mỹ của Tổng thống Trump. Cả hai bên đều không có ý định cố gắng để thu hẹp những khác biệt này. Và trên thực tế, Anh đang nghiêng về EU với trục Pháp - Đức hơn là với Mỹ.