Nơi điều chỉnh giảm lãi suất, nơi tiếp tục tăng

ANTD.VN - Sau đợt cao điểm huy động vốn dịp Tết Nguyên đán, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong khi đó, áp lực vốn dài hạn khiến nhiều ngân hàng vẫn phải thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi hoặc điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài.

Diễn biến trái chiều

Từ đầu tháng 3-2019, một số ngân hàng đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới, trong đó xu hướng điều chỉnh tăng giảm trái chiều. Tại Techcombank, ngân hàng tăng 0,1-0,3 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 3 tháng. Cụ thể, với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ, lãi suất kỳ hạn này tăng từ 5,1% lên 5,3%/năm; khoản tiền trên 3 tỷ tăng từ 5,3% lên 5,4%/năm.

Trong khi đó, ngân hàng này lại giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn 6 tháng với mức giảm 0,3% cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, từ mức 6,2% xuống còn 5,9%.

Không chỉ giảm lãi suất với khách hàng gửi tiết kiệm thường tại quầy mà Techcombank còn giảm lãi suất 0,1 – 0,3 điểm phần trăm đối với khách hàng ưu tiên ở một số kỳ hạn. Với hình thức tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm 0,3 điểm phần trăm, xuống chỉ còn 6,2%/năm.

Không chỉ Techcombank, sau khoảng thời gian nâng lãi suất nhằm thu hút tiền gửi sau Tết, nhiều ngân hàng khác cũng điều chỉnh giảm nhẹ trở lại mặt bằng thông thường. GPBank, giảm đồng loạt 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn trên 6 tháng. BacABank cũng giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất ở các kỳ hạn trên 12 tháng.

Lãi suất ngân hàng diễn biến trái chiều trong tháng 3

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, một số ngân hàng lại tiếp tục tăng lãi suất, nhất là ở các kỳ hạn dài. Tại ACB, lãi suất kỳ hạn 12 tháng đồng loạt tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Cụ thể, khách hàng ngoài khu vực TP.HCM gửi dưới 200 triệu được hưởng lãi suất 7%; từ 200 triệu đến 500 triệu là 7,1%/năm; từ 1 tỷ đến 5 tỷ là 7,15%/năm, trên 10 tỷ là 7,3%/năm. Còn ở khu vực TP.HCM, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của ACB dao động từ 6,8-7,1%/năm.

LienVietPostBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài như 13 tháng, 48 tháng và 60 tháng, trong đó lãi suất cuối kỳ ở các kỳ hạn này đều là 8%/năm. Tương tự, MBBank cũng tăng 0,2 điểm phần trăm cho các kỳ hạn 6-9 tháng, 10 tháng, 11 tháng, 13, 18 tháng...

Áp lực vốn dài hạn vẫn lớn

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Sài Gòn, hiện trên thị trường 1 (dân cư, tổ chức), lãi suất được duy trì ổn định ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6.4-8%/năm với kỳ hạn 12 hoặc13 tháng.

Một số ngân hàng thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi hoặc điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài 18, 24 hoặc 36 tháng, hiện lãi suất các kỳ hạn này dao động trong khoảng 7,6% - 8,6% ở các ngân hàng để gia tăng lượng tiền gửi dài hạn.

Tỷ lệ cho vay/(tiền gửi + phát hành giấy tờ có giá) của các ngân hàng liên tục tăng trong đó tăng mạnh nhất là ở nhóm các ngân hàng nhỏ. Trong bối cảnh việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng kém thuận lợi thì gia tăng huy động vốn kỳ hạn dài vẫn là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm chỉ tiêu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, do đó tạo áp lực tăng đối với lãi suất với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.