Nói dễ hơn làm

ANTĐ - Mấy ngày qua, lần lượt những cựu quan chức ngành thể thao đồng loạt đăng đàn bày tỏ quan điểm về thất bại của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic vừa qua. Tất cả đều chỉ ra rất đúng, rất trúng nguyên nhân dẫn đến việc trắng tay của đoàn như khâu chuẩn bị hời hợt, đầu tư dàn trải, lãnh đạo ngành tắc trách… Thậm chí có người còn mách nước cho lớp lãnh đạo kế cận những phương án cải tổ để làm sao nâng tầm thể thao Việt Nam. 

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh từng thẳng thắn thừa nhận, những khiếm khuyết tồn đọng trong nội tại ngành thể thao ai cũng biết, nhưng vấn đề là không phải ai cũng dám đối mặt và thay đổi. Đó là “căn bệnh” cố hữu của ngành thể thao, chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.

Trở lại với những phát biểu trên của các cựu lãnh đạo ngành, không ai phủ nhận tính đúng đắn và tinh thần xây dựng, song nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao họ - những người từng đảm nhiệm sứ mệnh chèo lái ngành thể thao - khi còn đương chức không tự mình thực hiện những kế hoạch, ý tưởng đó đi? 

Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã chia sẻ rất thật: “Ai cũng biết với nguồn kinh phí hạn hẹp mà nếu đầu tư dàn trải sẽ khó có được VĐV đủ tầm tranh chấp huy chương Olympic. Xóa đi một vài môn thể thao rất dễ, chọn ra vài ba môn đầu tư trọng điểm để giành huy chương Olympic không khó, nhưng sẽ ảnh hưởng đến phong trào thể thao chung khi các địa phương chỉ còn duy trì số ít các môn đỉnh cao”. 

Ở đây, việc một lãnh đạo đương chức nhận thức mặt trái của đầu tư dàn trải là rất tiến bộ, song vấn đề thiết thực hơn là khi nào ý tưởng tiến bộ đó mới triển khai thành hiện thực? Giống như việc nhiều cựu quan chức thể thao vẫn từng lớn tiếng, rằng khi còn đương chức đã đề ra những kế hoạch này, giải pháp nọ song chẳng được… người kế nhiệm thực hiện !?

Nói về việc chuẩn bị mục tiêu “săn” HCV Olympic 2016, Phó Tổng cục trưởng Lâm Quang Thành - người vừa “rút kinh nghiệm sâu sắc” từ Thế vận hội London - khẳng  định, rằng để thi đấu tốt, Việt Nam cần phải có quá trình chuẩn bị dài hơi, tối thiểu là 4 năm. Điều này không ai phủ nhận. Vấn đề là ai sẽ thực hiện khi người khởi xướng - các vị quan chức đương nhiệm - có thể sẽ chẳng đi tới tận cùng kế hoạch bởi thời gian nhiệm kỳ có hạn. Rất có thể trọng trách sẽ lại được trao cho lớp kế nhiệm, khi đó chu kỳ “người nói một đằng, kẻ làm một nẻo” sẽ lại tiếp tục... 

Ở đời, nói bao giờ chẳng dễ hơn làm!