Nói dễ hơn làm

ANTĐ - Việc 5 bệnh viện (BV) lớn vừa ký cam kết thực hiện "Nói không với phong bì" đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Người dân rất phấn khởi nhưng cũng không mấy người lạc quan tin rằng “cam kết” nói trên sẽ được áp dụng đúng trong thực tiễn.
Nói dễ hơn làm ảnh 1

Dễ thấy rằng, tâm lý lót tay “phong bì” cho y, bác sĩ để đỡ phải chờ đợi lâu hoặc được bác sĩ quan tâm chăm sóc hơn, thậm chí chỉ đơn giản là “tiêm đỡ đau hơn”, “tắm cho cháu bé nhẹ tay hơn”… đã ăn sâu vào tư tưởng và tâm lý của đa phần người dân mỗi khi đến BV. Nó không chỉ trở thành một thói quen mà đã phổ biến như một thứ “luật bất thành văn”, khiến những người không làm điều đó sẽ không yên tâm. Cũng vì thế, không cần ai nhắc nhở, người bệnh thường tự nguyện “kẹp” phong bì vào bệnh án cho bác sĩ, có khi bác sĩ từ chối còn cố nài ép nhằm giải quyết khâu tâm lý.

Cứ thế, "nạn" phong bì trong BV đã và đang làm xấu đi danh tiếng của chữ “thầy thuốc như mẹ hiền”. Lãnh đạo ngành y tế khi bào chữa về một vụ việc tiêu cực nào đó trong BV bị tố giác đều có chung luận điểm “đó chỉ là một hạt sạn, con sâu làm rầu nồi canh”. Thế nhưng chẳng cần chứng minh thì ai cũng hiểu, những con sâu, những hạt sạn như vậy vẫn đang tràn ngập trong ngành y và có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, bất cứ bộ phận nào.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa “phong bì” là tiêu cực khi nhân viên y tế vòi vĩnh, còn khi người bệnh có lòng cảm ơn đối với người đã cứu chữa cho mình thì không gọi là tiêu cực. Điều này đúng. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự “cảm ơn” với “hối lộ” rất mỏng manh. Thực tế có thể y bác sĩ không vòi vĩnh nhưng khi được bệnh nhân “kẹp” phong bì cho thì không mấy ai từ chối. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, khi có chế độ đãi ngộ xứng đáng về vật chất, tinh thần cho cán bộ nhân viên y tế, sẽ giảm tiêu cực. Điều này không sai, nhưng cần phải thấy rằng, có tăng lương gấp 10 lần, 20 lần đi chăng nữa cũng khó có thể giải quyết dứt điểm được, bởi “phong bì” luôn có một sức hấp dẫn khó mà cưỡng lại.

Chấm dứt nạn “phong bì” trong BV phải xuất phát từ 2 phía, bệnh nhân và y, bác sĩ, khi cả 2 bên cùng quyết liệt nói… “không”.