Nỗi đau và những giọt nước mắt mang tên … dị tật

ANTĐ - Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm cho tới chiều tối, trước cửa phòng khám của Trung tâm Chẩn đoán trước sinh – BV Phụ sản Trung Ương luôn đông kín người.

Ngồi chờ tại đây hầu hết là các phụ nữ đang mang thai chờ khám, hoặc người thân của họ chờ lấy kết quả. Một điểm chung nhất đó là trên gương mặt ai cũng nặng trĩu một nét buồn, sự  căng thẳng, lo lắng, bởi ai cũng biết rằng, phải đến đây là do thai nhi đang hình thành trong bụng họ đối mặt với nguy cơ bất bình thường.

Không giấu nổi sự hoang mang, chị Lê Thị M. (nhà ở Hoàng Mai) thở dài tâm sự: “Em có thai được 13 tuần. Em đã đi siêu âm tại phòng khám gần nhà 2 lần rồi nhưng không có vấn đề gì. Đến hôm qua em lên đây siêu âm thì bác sỹ bảo thai nhi có hình ảnh bất thường và em được chỉ định tới đây. Đây là lần đầu tiên em mang thai nên lo lắng lắm!”.

Cùng tâm trạng như chị M., chị Nguyễn Phương Ng. (nhà ở Gia Lâm) tỏ vẻ kinh nghiệm hơn: “Ở đây mọi người đều có tâm trạng giống nhau. Lo lắm. Tôi đã mang thai lần thứ 2, nhưng đây là lần đầu được chỉ định đến đây. Bác sĩ bảo độ dày da gáy của cái thai cao…”.

Không chỉ lần đầu chứng kiến bào thai trong bụng mình có nguy cơ dị tật, tại đây còn có những bà mẹ muộn con chữa trị mãi mới có tin vui cũng đành ngậm ngùi khi biết bào thai bị dị tật, hay những bà mẹ hết lần này đến lần khác phải đối mặt với nỗi đau dị tật này.

Một người phụ  nữ trẻ tuổi vừa ra khỏi phòng, cầm kết quả trên tay, chị không kìm được nước mắt. Chị nghẹn ngào cho biết, đây là lần mang thai thứ 2 của chị và đây cũng là lần thứ hai, đứa bé chưa ra đời đã đối mặt với nguy cơ dị tật cao. Cũng như lần trước, đến tuần thứ 12, chị đi siêu âm thì nhận được kết quả độ dày da gáy của thai nhi rất cao, và có nghĩa là em bé có nguy cơ mắc bệnh down. Chị đang rất đau khổ và phân vân nên giữ hay nên bỏ thai…

Tâm trạng này của chị cũng là tâm trạng của rất nhiều người sắp làm mẹ khác. Chính vì vậy, nhiều người đã quyết giữ thai và rồi lại phải ân hận cả đời khi nhìn đứa trẻ sinh ra không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Cũng có nhiều bà mẹ chủ quan nên đành ngậm đắng nuốt cay cả đời.

Việc chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện sớm các dị tật ở thai

nhi
(Ảnh minh họa)

Hối hận muộn màng

Bước sang tuần thai thứ 11, nghe khuyến cáo của các đồng nghiệp, chị Đào Thu Th. (Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vội đi siêu âm chẩn đoán dị tật. Đo khoảng sáng sau gáy của thai nhi, bác sĩ cho chị biết: Độ dày da gáy của thai nhi cao, em bé có nguy cơ mắc bệnh down và chỉ định chị tiếp tục làm các xét nghiệm khác để có hướng can thiệp.

Lấy chồng ở tuổi ngoài 30 lại loay hoay đủ đường mới có được một mụn con, chị Th. lo lắng kể với gia đình và bạn bè thì đều nhận được lời khuyên “bỏ con” để làm lại từ đầu. Suy nghĩ bao ngày, chị vẫn le lói một niềm tin, “biết đâu kết quả đã sai, biết đâu sinh ra bé sẽ bình thường” , và chị vẫn quyết giữ lại đứa con mà không biết rằng, những tháng ngày sau của chị toàn là nước mắt bởi đứa bé sinh ra đã mắc chứng down.

Cũng trường hợp như chị Th., mang thai khi mắc bệnh Rubella, chị Nguyễn Thu Gi. (Đống Đa, Hà Nội) cẩn thận đi khám, siêu âm tận 5 nơi nhưng lần nào chị cũng nhận được lời khuyên bỏ thai. Thậm chí kể với hàng trăm người thân, bạn bè, thì cũng có hàng trăm người khuyên chị đừng cố sinh ra đứa bé khi nguy cơ xấu đến với nó là rất cao. Bỏ ngoài tai những lời khuyên, chị vẫn cố sinh con, đứa bé sinh ra với đầy đủ bộ phận khiến gia đình chị vui mừng khôn xiết, nhưng mãi đến gần hai tuổi, cháu vẫn không có phản ứng với âm thanh đi khám, bác sỹ cho biết, cháu đang đối mặt với bệnh điếc bẩm sinh.

Khác với hai trường hợp trên, dù sinh con lần đầu nhưng chủ quan cho rằng, hai vợ chồng đều trẻ tuổi, khỏe mạnh, khi mang thai thì không bệnh tật gì nên trong suốt thời gian mang thai chị Lê Thanh T. (Bạch Mai) rất ít khi đi siêu âm xem tình trạng phát triển của thai nhi, mẹ chồng chị cũng khuyên không nên làm các xét nghiệm gì sợ ảnh hưởng đến cái thai nhi. Yên tâm trước suy nghĩ của mình và lời khuyên của mẹ chồng, chị đắng lòng khi sinh ra đứa bé không bình thường như bao đứa trẻ khác.

Ngoài những trường hợp trên, còn rất nhiều trường hợp đáng thương khác...

Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán trước sinh, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ thai dị dạng ngày càng tăng cao, nếu phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời thì có thể giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh và giảm tỉ lệ trẻ khuyết tật, nhưng không phải ai cũng biết thăm khám, siêu âm đúng thời điểm.

(Còn nữa...)