Nỗi đau từ sự vô cảm

ANTĐ - Bác có thích xem xiếc không?

- Tất nhiên rồi. Hồi nhỏ tôi mê nhất môn này. Tối nào tôi cũng cùng chúng bạn ra rạp xiếc đầu phố, lẻn sau lưng mấy anh soát vé vào xem. Có hôm bị bắt, bị xoắn tai tưởng đứt mà vẫn không chừa, giờ vẫn bồi hồi với cái cảm giác thuở ấy.

- Tôi cũng như bác vậy, thích xem xiếc lắm. Vậy mà vừa rồi, ở một trường mầm non người ta đọc trên loa oang oang bắt một số em phải ngồi yên trên lớp không được xuống sân trường xem xiếc.

- Đúng là không có nỗi khổ nào bằng phải một mình trên lớp, trong khi các bạn hò reo trước các tiết mục ảo thuật, đu bay, xiếc thú. Chắc các cháu này nghịch quá, các cô không cho xem sợ ảnh hưởng tới các bạn chứ gì?

- Không, các cháu rất ngoan.

- Vậy có khi đây là những đứa hay tè dầm, “bĩnh” lung tung. Đang ngồi xem mà hít phải “hương vị” bất chợt của chúng thì mất hết hứng thú?

- Không, các cháu rất khỏe mạnh và có ý thức. Các cháu không được xem bởi bố mẹ nghèo không có tiền mua vé nhà trường bán.

- Nhưng hôm đó đoàn xiếc vẫn về diễn đấy thôi?

- Đúng vậy. Thế mới có chuyện để suy ngẫm. Giờ nhiều giáo viên có lối ứng xử như người máy vậy. Chỉ vì mấy đồng bạc, họ sẵn sàng vùi dập niềm đam mê của trẻ thơ. 

- Vậy mấy đứa bị buộc ngồi lại trên lớp, chúng làm gì?

- Đứa thì bắt chước xiếc thú bò lổm ngổm dưới sàn nhà, đứa bay từ bàn này sang bàn khác như diễn viên xiếc, còn mấy cháu gái thì dúi đầu vào xó lớp thút thít.

- Sự vô cảm của người lớn là nỗi đau theo bọn trẻ suốt đời. Cả đời chúng rồi sẽ không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh: Tại sao?