Nỗi đau tột cùng của hai vợ chồng nghèo có hai con là tử tù

ANTĐ - Tiếng vịt kêu giúp ngôi nhà của ông Đào Ngọc Kình bớt cô quạnh. Cũng chỉ tiếng vịt kêu mới giúp vợ chồng ông còn biết là mình đang sống. Lầm lũi gần như cả đời làm ăn lương thiện, cái nghèo đeo đẳng mãi và ác nghiệt hơn, nó cướp mất của ông bà hai người con trai.

Ông Kình vẫn hy vọng điều kỳ diệu xảy ra để con trai ông có cơ hội được sống và làm lại cuộc đời

Nỗi đau chồng lên nỗi đau

Xưa nay, quy luật của đời người là trẻ cậy cha, già cậy con. Nhưng, ông Đào Ngọc Kình không được hưởng cái may mắn đó. Giờ đây, lá vàng còn ở trên cây, nhưng lá xanh đã rụng xuống rồi. Mới ngoài 60, nhưng người đàn ông này trông già hơn nhiều so với tuổi, phần vì cuộc sống vất vả, lam lũ, nhưng phần lớn hơn là vì câu chuyện về những đứa con trai mà vợ chồng ông bà đã dứt ruột đẻ ra.

Trong buổi chiều đỏ ối, cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ bị đứt quãng bởi tiếng khóc của ông Kình, bà Thành (xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên). Tiếng khóc ấy cứa vào trái tim và hai mắt tôi cũng chẳng thể cầm được, đã trào nước mắt tự bao giờ. Nhắc lại quá khứ buồn đã thật khó, nhắc lại những chuyện hãi hùng về hai người con trai với hai án tử hình còn khó hơn. Ông Kình che mặt, nói rành rọt: “Tại tôi cả, tôi đã không dạy con tốt để chúng làm điều ác…”.

Ông không thể nói tiếp bởi không cầm lòng được đã òa khóc. Ngôi nhà trở nên nặng nề. Ngớt khóc, ông mếu máo: “Cũng chỉ tại cái nghèo. Không phải ai nghèo cũng gây tội ác, nhưng đời trút lên vai vợ chồng tôi cái án nghèo nên…”

Nghèo đâu phải tội, như vậy là ông Kình bị oan. Ông bà sinh được hai người con trai là Đào Ngọc Thơm và Đào Ngọc Dần. Thơm lấy vợ sớm, cũng tên Thơm, được hơn một năm thì cô con dâu đòi ăn riêng. Túng bấn quá, muốn chiều con nhưng “lực bất tòng tâm”, ông Kình bảo các con “đợi một thời gian rồi tính”. Thế mà sinh mâu thuẫn bố chồng nàng dâu. Cô con dâu bỏ đi không về, để lại đứa con chưa đầy ba tháng tuổi. “Thương con trai, thương cháu khóc bạt hơi vì đói sữa, tôi đã 11 lần đến nhà con dâu năn nỉ, thậm chí van xin con trở về nhưng lần nào đến nó cũng bảo “bố về đi, con không về đâu”, ông Kình bùi ngùi kể.  

Gia đình vất vả, nay vất vả hơn. Thơm nhiều lần đi tìm nhưng vợ dứt khoát không về. Thơm càng lầm lũi không nói, cả ngày chỉ quanh quẩn đi chăn vịt ngoài đồng rồi về nhà bế con. Năm ấy bán lứa vịt và dành dụm được 4 triệu, ông Kình đưa cho con đi mua vịt giống. Không ngờ, con trai ông buồn chán sinh ra lô đề, cờ bạc nên “nướng” tất cả số tiền bố đưa vào trò đỏ đen để thử vận may. Thua trắng tay. Ông xót tiền nên mắng con ít câu. Còn Thơm, gã nghĩ quẩn, lên Hà Nội thuê một người chở xe ôm đến khu vực huyện Văn Giang và ra tay sát hại để cướp xe máy. Cộng cả hai tội, Thơm bị kết án tử hình…

Nỗi đau đến thế là cùng, nhưng số phận vẫn chưa buông tha, lại tiếp tục giáng xuống đầu vợ chồng ông Kình một nỗi đau nữa. Cậu con thứ hai giẫm vào vết chân anh trai chỉ sau đó hơn hai năm.

Đào Ngọc Dần lấy vợ tên Giang khi cả hai còn quá trẻ. Thiếu hiểu biết, cộng với cuộc sống vất vả khiến cả hai thường mâu thuẫn. Cố gắng vực kinh tế gia đình, ông Kình đã đi vay 60 triệu đồng để cho cả hai đi xuất khẩu lao động. Nào ngờ bị “cò” lừa, số tiền mất sạch. Rồi cả hai đi làm công ty, túng quẫn, lại cãi nhau, vợ chồng sống ly thân. Sau cùng Giang tìm được mối đi Trung Quốc làm ăn. Bị “bật”, chị phải về nước. Trên đường về chị bắt quen với một cô gái Trung Quốc tên Fu Hua sang du lịch Việt Nam. Do nói được tiếng Trung Quốc nên Giang gợi ý Fu Hua về Hưng Yên thuê khách sạn cho rẻ. Tình cờ Dần gọi điện cho vợ, được vợ nói đang đi với một khách muốn đi du lịch Đông Nam Á. Nghe thế, Dần nổi lòng tham, liền nói với Giang về kế hoạch “đổi đời”. Sau khi đã giúp Fu Hua thuê được khách sạn ở thị trấn Như Quỳnh, ngày 30-9-2009 Dần và Giang dẫn cô này ra cánh đồng và thực hiện ý đồ, giết người cướp tài sản. Do hành vi đặc biệt nghiêm trọng, Dần bị kết án tử hình, còn Giang chịu mức án 25 năm tù giam.

Hai lần chứng kiến tòa tuyên án tử cho hai con, hai lần ông bà ngất lịm. Chúng đã hằn lên cuộc đời cha mẹ nỗi đớn đau mất mát đến tột cùng. Bà Thành khóc không thành tiếng: “Giá chỉ 15-20 năm tù, thì còn có ngày mà về. Vậy là hai tàu lá xanh đã rụng xuống…”.

Nỗi đau tột cùng của hai vợ chồng nghèo có hai con là tử tù ảnh 2
Nước mắt người mẹ chưa từng khô trên khuôn mặt

Và gượng dậy

“Hai thân già ở với nhau, chúng tôi luôn giật mình mỗi khi có ai đến nhà gọi. Chúng tôi cũng ngại gặp bạn bè, hàng xóm nên thường tránh chỗ đông người và từ đó đến nay nước mắt của vợ tôi chưa từng khô”, ông Kình cho biết. Vâng, nỗi vất vả cùng nỗi đau đã chất lên người bà Thành biết bao tật bệnh, làm cho chân bà mãi tập tễnh, chẳng làm được việc đồng áng. Tất cả công việc nặng nhọc dồn vào tay ông Kình. Ông già hơn đến mấy tuổi và dù có lúc chẳng muốn sống tiếp, nhưng vì vợ gần như suy sụp hoàn toàn và vì đứa cháu nội duy nhất, ông không còn lựa chọn nào khác, là tự thấy mình cần phải mạnh mẽ hơn, phải cất giấu nỗi buồn đi để làm chỗ dựa cho họ.

Nhiều lúc, ông Kình nghĩ vợ chồng mình làm ăn lương thiện, vậy mà sao “có duyên” với phòng giam đến thế. Lần thăm Dần ở phòng biệt giam, vợ chồng ông Kình đã mang cả cháu nội theo. Cuộc gặp gỡ hiếm hoi 30 phút trôi nhanh, chỉ toàn nước mắt mà không thể hẹn ngày gặp lại. Tôi đã nhìn thấy chàng trai trẻ ở phòng biệt giam, cay đắng nhìn bố mẹ đầu bạc cô độc chống chọi với tuổi già và cuộc sống lam lũ. Tôi cũng còn nhớ sau buổi gặp, bà Thành vừa tấp tểnh bước, vừa che mặt khóc trên đường ra cổng nhà giam mà thấy tội nghiệp làm sao. Hình ảnh ấy khiến mỗi đứa con không thể không suy nghĩ, để biết lìa xa cái ác, trân trọng tình cảm của cha mẹ…

Không còn hai con trên cõi đời, ông bà tìm niềm an ủi cho mình bằng tiếng cười của đứa cháu và tiếng kêu của mấy trăm con vịt. “Tôi chỉ cần gõ cái nồi, hoặc gọi là lũ vịt ùa đến. Thế mà giờ muốn cất lời gọi con cũng không thể nữa. Vợ chồng tôi vất vả nuôi con, giờ thành ra tay trắng, chấm hết rồi” - bà Thành tự đay đả mình.

Ông Kình nói chen: “Không bà ơi, chưa chấm hết đâu, chúng mình vẫn còn cháu nội đây mà”. Nói rồi, ông Kình ôm cháu nội vào lòng. Bà Thành cũng dựa vào chồng, cùng ôm cháu. Bà nói: “Không có cháu Dương, chắc tôi không thể sống được đến hôm nay”.

Vợ chồng ông Kình đã phải ăn biết bao bữa cơm chan nước mắt. Họ sẽ phải sống với bao nhiêu bữa cơm mặn đắng nữa? Không ai trả lời được, nhưng tôi đã thấy ông dồn sức vào chăm cháu nội và dạy cháu học. Dường như ông tin rằng, mình đang chăm cây non. Cây non rồi sẽ lớn, sẽ cắm sâu rễ lương thiện vào đất để đứng thẳng giữa cuộc đời. “Con trai cả tôi trước đây từng thu mua sắt vụn, còn ế một đống kia. Tôi vẫn giữ chiếc nồi gang, cùng đống sắt đó để cho cháu nội, coi như chút tài sản bố nó để lại”. Lời ông Kình chìm vào đêm, nhưng chắc chắn đó là một khẳng định cho quyết tâm của ông.