Nỗi đau Tiên Lãng

ANTĐ - Đình chỉ công tác chủ tịch và một phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, nhiều cán bộ bị kỷ luật, Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, trước nhân dân khi để xảy ra vụ việc gây dư luận không tốt trong cả nước. Đó chỉ là hậu quả bước đầu của vụ cuỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Những sai trái về thực thi Luật Đất đai ở địa phương, cách phản ứng trái pháp luật của người dân đều phải bị xử nghiêm theo pháp luật. Nhưng hậu quả khiến chúng ta đau lòng và đau đầu là sự lộng quyền của chính quyền địa phương, bội ước với dân, đẩy họ đến bước đường cùng.

“Phi nông bất ổn”, câu nói xưa đến nay càng thấm thía. Ruộng đất về tay nông dân, người cày có ruộng là một trong những thành quả lớn nhất của cách mạng. Công cuộc đổi mới của đất nước cũng chính là bắt đầu khơi dậy từ đồng ruộng, từ “khoán 10”. Đất nước ta xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, công cuộc xoá đói giảm nghèo cũng xuất phát từ đồng ruộng, từ sản xuất lương thực.

Thế nhưng gần 20 năm qua, chính đất đai, nhất là cách thức Nhà nước, chính quyền thu hồi đất, thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với đất đai đang được người nông dân sử dụng, lại là nguyên nhân dẫn đến 80-90% các vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp: Đã từng xảy ra những vụ “Tiên Lãng” ở một số địa phương. Nếu không bộc phát như ở Tiên Lãng thì trước sau cũng sẽ bùng nổ, thậm chí hậu quả còn nghiêm trọng hơn. Trên thực tế, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa khá nhiều ý kiến về sự bất cập của thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hiện nay. Sự đau lòng ở Tiên Lãng cho thấy, làm ăn lớn, bỏ tiền và công sức ra tích tụ ruộng đất như gia đình ông Vươn thì sẽ tan nát hết. Bao nông dân đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thậm chí cả máu đỏ của mình trên mảnh đất được giao, rồi một ngày bị thu hồi trái pháp luật, bị Ban cưỡng chế chỉ đạo phá nhà như ông Vươn, liệu có dám liều mình dấn thân gắn bó với đất đai?

Trong vụ việc ở Tiên Lãng, người dân đã khởi kiện lên toà án huyện nhưng thua kiện. Làm đơn kiện tiếp lên toà án tỉnh thì được “khuyên” là nên thoả thuận hoà giải. Chưa làm theo đúng tinh thần thoả thuận thì chính quyền đã thẳng tay cưỡng chế. Một vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng ở Tiên Lãng đã kéo dài gần sáu năm, mà không thấy “bóng dáng” đoàn kiểm tra cấp thành phố càng không có tác động của huyện. Tiên Lãng đâu phải ở vùng sâu, vùng xa. Phải chăng chính quyền địa phuơng cấp huyện thường cho mình cái quyền hành: “Nhà nước có quyền muốn thu hồi đất của ai thì thu”? Cơ chế thu hồi đất phải được thực hiện theo đúng pháp luật, lý do phải đúng và trình tự, thủ tục phải rõ ràng. Cưỡng chế thu hồi đất tức là chính quyền lấy đất hợp pháp của dân, thì nguyên tắc thuyết phục và đồng thuận cần phải đặt lên hàng đầu. Chính quyền địa phương không thể tự cho mình quyền lực, sức mạnh “vô hạn” để cưỡng chế thu hồi đất của dân.

Dân ta có câu: “Phép vua thua lệ làng”. Nay lại có câu: “Trung ương không bằng… huyện ương, xã ương”? “Bài học” Tiên Lãng sẽ còn để lại nỗi đau day dứt, thấm thía. Làm sao không để tái diễn những “Tiên Lãng”? Cốt lõi của việc quản lý Nhà nước là chính quyền phải giữ chữ tín, chữ đức, chữ đạo lý với dân. Tiên Lãng nhắc nhở chính quyền không được lãng quên.