Nỗi đau người đàn bà có 3 người thân mắc HIV

ANTĐ - Tin sét đánh đầu tiên đổ ập xuống gia đình tôi, là nghe tin đứa con trai duy nhất mắc nhiễm HIV. Tôi hỏi thằng Thủy vì sao nó nhiễm căn bệnh thế kỉ ấy, đôi mắt nó ầng ậng nước, lắc đầu không biết nguyên do

Trong kí ức hoang hoải của tôi, hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng trông chờ thời khắc giao thừa cứ rộn ràng hiện về. Dù nghèo là thế, nhưng dịp Tết, tôi nhất định phải mua sắm sao cho sung túc, đủ đầy. Đó như một cách để tôi thầm cảm ơn chồng, con trai và con dâu tôi – những người ruột thịt đã làm lụng suốt một năm trời vất vả, cùng tôi chung lưng đấu cật vài hécta lâm sản đấu thầu được. Cả nhà tí tách bên nồi bánh chưng, hàn huyên những câu chuyện năm cũ, ăm ắp dự định mới cho một năm mới an lành. Trong thời khắc ấy, dù gió lạnh có xuyên qua mái nhà liêu xiêu, xoáy vào tận da thịt, dù những lo toan bắt đầu phôi thai, chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc và ấm áp tới tận cùng. Quả thực, chẳng nơi đâu mang lại cho tôi cảm giác an toàn, yên bình như bên cạnh gia đình mình.

Nỗi đau người mẹ có con mang án tử

Trong kí ức của tôi, đó như một mảnh ghép lấp lánh, tươi sáng gần như duy nhất về tổ ấm. Bởi lẽ, không lâu sau đó, cơn bão ma túy đã giết sạch những người thân của tôi, phá hủy toàn bộ những ấm êm suốt bao năm chúng tôi gây dựng. Nghe tin chồng nghiện ma túy, một người đàn bà ít học sống nép mình ở vùng quê nghèo Lang Chánh (Thanh Hóa), quanh năm chỉ biết lên nương, lên đồi làm quần quật không ý thức được sức phá hủy, bào mòn khủng khiếp của nó. Chỉ tới khi, những thứ tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi, tôi mới ngộ ra ma túy đã cướp đi miếng cơm, manh áo của gia đình tôi.

Càng khủng khiếp hơn khi năm lần bảy lượt, tôi cai nghiện cho chồng, tưởng rằng dăm ba tháng không bước chân ra khỏi nhà, hoàn toàn dứt khỏi cơn vật là ông ấy có thể đẩy lùi vĩnh viễn thứ mùi hương ma mị ra khỏi bộ nhớ, nhưng cũng là bấy nhiêu lần chồng tôi bập lại nàng tiên nâu. Nỗi buồn chưa kịp nguôi ngoai, thì tới lượt con trai tôi mắc nghiện giống bố nó. Tôi và người con dâu bất hạnh đã không ít lần ôm nhau xót xa tới chảy nước mắt chứng kiến cảnh hai gã đàn ông đê mê trong làn khói trắng. Ma tuy đã biến hai người đàn ông – trụ cột gia đình trở thành những con người mất hết lý trí, mất hết khả năng kiểm soát, tự chủ.

Tin sét đánh đầu tiên đổ ập xuống gia đình tôi, là nghe tin đứa con trai duy nhất mắc nhiễm HIV. Tôi hỏi thằng Thủy vì sao nó nhiễm căn bệnh thế kỉ ấy, đôi mắt nó ầng ậng nước, lắc đầu không biết nguyên do. Đôi mắt tận cùng hoang mang, sợ hãi và tuyệt vọng màu đen tăm tối. Tôi ôm chầm lấy nó và khóc nấc từng hồi. Còn nhớ, nó ôm chặt tôi, gào khóc như đứa trẻ ngày xưa từng thất thanh gọi tên mẹ khi phát hiện ra một mình lạc lõng giữa bốn bề cây cỏ chỉ vì mải đuổi theo con dúi. "Mẹ con, con chết rồi" - có lẽ, tiếng nấc nghẹn đắng của nó sẽ ám ảnh, đeo đẳng tôi tới suốt cuộc đời, và bây giờ thi thoảng, nửa đêm, tôi choàng tỉnh giấc bởi tiếng vọng năm xưa hối thúc cùng ánh nhìn đau đáu, ân hận của thằng Thủy.

Giọt máu duy nhất của tôi nhiễm HIV không còn cách nào khác, tôi khuyên con dâu đi xét nghiệm. Bản án tử hình tiếp tục giáng xuống đầu nó. Thuận - con dâu tôi vốn là một đứa hiền lành, ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn. Tôi vẫn thường bảo với thằng Thủy: "Cái Thuận là người tốt. Phúc cho mày khi lấy đước nó làm vợ, nên cố gắng mà bù đắp, đối xử tử tế với nó". Rốt cuộc, con tôi đã "bù đắp" cho Thuận được cái gì ngoài bản án tử hình ngang trái? Thuận khóc trong câm lặng và trở nên lặng lẽ. Tôi đã chứng kiến Thuận lặng lẽ như cái bóng vật vờ bên thềm cửa bao nhiêu mùa trăng. Lầm lũi đến tội nghiệp! Có lẽ, ông trời chưa tiệt đường sống của gia đình chúng tôi, khi đứa cháu nội duy nhất của tôi và cũng là con trai của thằng Thủy và Thuận không bị lây nhiễm từ cha mẹ. Chúng tôi khóc cười trong nước mắt, khóc vì tuyệt vọng và cười, có lẽ được hồi sinh khi nhìn thấy ánh sáng yếu ớt duy nhất vẫn còn le lói.

Cho tới cùng, tôi vẫn là phận đàn bà yếu đuối. Giận chồng nghiện ngập, giận con bệnh tật chết chóc, nhưng rốt cuộc tôi vẫn là vợ, là mẹ. Mà đàn bà, ai cũng có những phút yêu lòng dại dột. Phút yếu lòng vì nghe lời chồng, xui bán ma túy cho dân nghiện đã tước đoạt của tôi 8 năm được gần gũi, chăm sóc con trai trong thời điểm nó gần đất xa trời. Đó là lần đầu tiên tôi vào tù, chịu án 8 năm và chồng tôi – kẻ đồng phạm chịu án 7 năm, vào năm 2005.

Năm 2006, sau 2 năm chống chọi với căn bệnh thế kỉ, con trai tôi qua đời. Là mẹ, không được chăm sóc cho con những năm tháng cuối đời, tôi day dứt mãi. Hồi ức về con trai, về đứa con nghịch tử, dại dột kí bản giao kèo với quỷ dữ, tự hủy hoại bản thân mình khiến tôi bao đêm mất ngủ. Nghiện ngập tự làm hại bản thân, nhưng đối với cha me, vợ con, thằng Thủy là một người con, người chồng đúng nghĩa. Nó chăm chỉ làm ăn, không ngại khó, ngại khổ, xốc vác đủ việc nặng nhọc trong nhà. Tôi thương và nhớ nó.

 

Tôi tiếp tục sa lầy trong cùng cực nỗi đau

Do chấp hành nội quy trại giam tốt, 3/2011, tôi được giảm án và trở về đời trước hạn tù. Trở về nơi gọi là nhà, tôi lặng người nhìn vạn vật thay đổi. Ngôi nhà bao năm sinh sống của vợ chồng tôi không còn nữa. Trước mắt tôi là túp lều che tạm lất phất trong gió, là cây cối ngổn ngang không người chăm sóc. Chồng tôi nằm thoi thóp trên chiếc giường cũ kĩ, chờ đợi thần chết đến rước đi. Con dâu và cháu trai tôi ngồi trên nền đất ngoài lều, ôm nhau nghẹn ngào trong câm lặng. Con dâu ôm tôi nức nở: "Mẹ ơi, bố cũng giống chồng con. Bố cũng bị nhiễm HIV rồi mẹ ơi". Câu đầu tiên tôi nghe được khi bước chân ra khỏi cánh cửa trại giam là câu nói chết chóc ấy. Trong khoảnh khắc tột cùng tuyệt vọng đó, tôi chỉ muốn chết đi cho nhẹ một kiếp đời.

Tôi đến sát chồng tôi, toàn thân ông ấy ngây ngấy sốt, phát ban, tróc da lợm lên mùi tanh tưởi. Nắm tay chồng, nước mắt tôi thi nhau rơi xuống. Ông ấy he hé mắt, thều thào "Xin lỗi bà", rồi đôi mắt lạc vào miền xa thẳm. Vỏn vẹn 10 ngày ra tù, tôi đón nhận nỗi cô đơn và khoảng trống bất tận khi ông ấy nhắm mắt xuôi tay. Tôi luôn nghĩ, dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn, nhưng chỉ cần được sống thôi, đã là hạnh phúc lớn lao. Nhưng, trước cái chết của chồng và con trai, tôi nghĩ rằng cái chết là một sự giải thoát kì diệu, là sản phẩm sáng tạo tuyệt vời nhất của tạo hóa.

Nhà còn lại tôi, con dâu và đứa cháu trai duy nhất. Chúng tôi bơ vơ, lạc lõng trong túp lều tranh sát bìa rừng. Có lẽ, vì hoàn cảnh gia đình đáng thương, chính quyền và nhân dân địa phương đã chung tay cất vội cho chúng tôi ngôi nhà tình nghĩa, che mưa che nắng qua ngày.

Sức khỏe của tôi giảm sút trông thấy. Phần vì còn trẻ không biết lượng sức, mải làm ăn, làm giàu, cặm cụi triền miên không ngừng nghỉ từ ngày này qua ngày khác; phần bởi suy nghĩ quá nhiều về chồng, con. Phận người chết coi như đã yên ổn, còn lại những người sống ngày ngày vẫn phải chống chọi với cái đói và bệnh tật. Tôi thương nàng dâu trẻ. Cũng là phận lấy chồng mà sao cuộc đời bi đát. Thương con bao nhiêu, xót cháu bấy nhiêu. Bệnh phổi của tôi được dịp tái phát, lại thêm cô con dâu ốm yếu do nhiễm HIV từ con trai tôi, trong khi nhà chẳng còn thứ gì đáng giá có thể bán lấy tiền mua thuốc. Vô tình, tôi tìm thấy dưới gầm giường chồng tôi nằm ngày xưa, có gói bột trắng. Quen với màu bột trắng, tôi biết đó chính là heroin. Tính đi tính lại, tôi quyết định mang số bột trắng ấy bán cho dân nghiện. Và, lần thứ hai tôi xộ khám cũng với tội danh mua bán trái phép chất ma túy. Sau 3 tháng bước chân ra khỏi cánh cửa trại giam, tôi quay trở lại với nỗi xấu hổ khôn tả.

Con dâu tôi nghèo khó lại bệnh tật, ở nhà cũng chỉ biết đi làm thuê, làm mướn cho người ta, nên dành dụm bù chi bút chút lắm, mỗi năm mới lên thăm mẹ được một lần. Tôi chưa bao giờ trách cứ nó, thậm chí luôn thương và cảm thấy gia đình tôi nợ Thuận một lời xin lỗi. Còn về phận tôi, hai lần vào tù ra tội, già yếu, sức khỏe giảm sút, chẳng biết còn có ngày về đoàn tụ con dâu và cháu trai hay không. Tôi đã buông xuôi tất cả, mặc cho dòng đời xô cuốn về bất cứ chốn nào, bởi có lẽ nơi tận cùng của nỗi đau, dường như tôi đã từng nếm trải. Khi con người ta phải đơn độc đối diện với nỗi cô đơn và sự sợ hãi, sau bao nhiêu va vấp của cuộc đời, tự nhiên sự cô đơn trở nên cũ kĩ, rêu phong và nỗi sợ hãi trở thành chai sạn. Lúc ấy, con người ta trở nên điềm nhiên hơn, không hiểu là cái điềm nhiên tự ru vỗ chính mình trong những ảo vọng xa xôi, hay là cái thở dài phó mặc phận bèo nổi hoa trôi lênh đênh giữa dòng xoáy thời gian đen bạc? Khi ở tận cùng nỗi đau, khi nhận ra xung quanh không có ai ruột thịt, thân thích... cũng là lúc tôi thấy mọi thứ trống rỗng, nhẹ bẫng đến kì lạ.

Ghi theo lời kể của phạm nhân Bùi Thị Tâm trại giam Thanh Phong