Nỗi đau nghèo đói

ANTĐ - Dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ thứ 4 – giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015 - song đây vẫn là một “nỗi đau nghèo đói”.

Nghèo đói lại cộng thêm xung đột nên Somali là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong cao trên thế giới

Trong Báo cáo của LHQ ngày 7-3, Cao ủy LHQ về nhân quyền (UNHCR) đã bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em trên thế giới do thiếu dinh dưỡng và không được chăm sóc y tế đầy đủ. Theo UNHCR, nhờ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong nhiều năm qua, số lượng trẻ em tử vong trên toàn cầu đã giảm nhẹ, nhưng hiện vẫn ở mức cao. 

Hiện trung bình mỗi năm trên thế giới có 6,9 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong, phần lớn là do không đủ dinh dưỡng cần thiết hoặc thiếu thuốc men và phương tiện điều trị khi mắc bệnh. UNHCR đặc biệt lưu ý tới tình trạng số trẻ em tử vong tại các nước có thu nhập thấp nhiều năm qua  luôn cao hơn từ 18 lần trở lên so với các quốc gia phát triển, mà phần lớn nguyên nhân là do các chứng bệnh suy dinh dưỡng, tả, viêm phổi, sốt rét....

Những đánh giá và số liệu thống kê của UNHCR khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại khi mà thời gian hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, đã sắp hết. Dù rằng trước đó, thế giới với nỗ lực của mỗi quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ trong vấn đề này.

Các số liệu thống kê chung của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) cho thấy, trong 20 năm qua, tỷ lệ trẻ em bị chết yểu trên toàn thế giới đã giảm được gần 50%. Nếu năm 1990, trên thế giới có tới 12 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chết, thì con số này đã giảm xuống 6,9 triệu năm 2012.

Đây là một thành tựu được ghi nhận song các chuyên gia của những tổ chức trên cho rằng, các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa, tài trợ nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nếu không làm được như vậy thế giới khó hoàn thành mục tiêu giảm 2/3 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vào năm 2015 so với năm 1990 theo MDGs.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới vẫn còn cao là do nghèo đói dẫn tới suy dinh dưỡng cũng như điều kiện vệ sinh và chăm sóc sức khoẻ kém tại các nước đang phát triển nghèo, các khu vực nghèo. Theo nghiên cứu của UNICEF, bệnh viêm phổi và tiêu chảy gây tử vong 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm, chiếm gần 33% số ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu, trong đó 90% số ca tử vong của trẻ em do bệnh viêm phổi và tiêu chảy trên thế giới là ở Nam Á và phía Nam sa mạc Sahara châu Phi, những khu vực nghèo đói nhất thế giới. 

Theo Cao ủy UNHCR Navi Pillay, LHQ có các biện pháp cấp bách để nâng cao mức sống của người dân các nước kém phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trên thế giới để góp phần giảm bớt số trẻ tử vong. Bà Pillay kêu gọi các thành viên LHQ có chính sách quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa đến trẻ em cùng gia đình, nhất là tại các nước kém phát triển, bởi theo người đứng đầu UNHCR, nếu 2,5 tỷ người dưới 19 tuổi hiện nay trên thế giới được khỏe mạnh và học hành đầy đủ sẽ là sự bảo đảm tốt nhất cho tương lai của nhân loại.