Nỗi đau “làng xuất ngoại”

ANTĐ -“Bi kịch” của làng xuất ngoại đã đẩy hàng trăm số phận những người lao động nghèo ở các xã Lộc Sơn, Lộc Bổn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) ngắc ngoải trong “vũng bùn” của căn bệnh thế kỷ và những hệ lụy xã hội khôn lường!

Rủ nhau sang Lào

Mở đầu câu chuyện cùng chúng tôi, ông Lê Văn Khương- Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn đưa ra một con số ấn tượng: “Lộc Bổn có hơn 3.000 người sang Lào làm việc chiếm 2/3 tổng số lao động của địa phương. Trong làng, thanh niên, lớp trẻ đều tìm đường qua xứ Triệu Voi để mưu sinh, chỉ còn người già, trẻ nhỏ và cán bộ ở lại “giữ nhà” mà thôi”. Lộc Bổn có 8 thôn, số thôn có người “xuất ngoại” nhiều nhất là Hòa Vang, An Bình, Thuận Hóa… Dọc con đường liên thôn vừa bê tông hóa khang trang là những ngôi nhà cửa đóng then cài hoặc đang xây dở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại ở Lộc Bổn đã có hơn 50 xe ô tô mang BKS Lào được người dân “xuất ngoại” mua để tiện đi về.

Đang trộn dở lớp bê tông trước sân nhà, Chị Võ Thị Yên (46 tuổi, thôn Thuận Hóa)- một trong những lao động hiếm hoi “cầm cự” ở lại với quê hương, cho biết: “Cả làng cứ bình quân mỗi nhà đều có 1-2 người sang Lào làm thuê hay buôn bán. Tiền làm thì có, cũng rủng rỉnh đó nhưng đồng tiền kiếm dễ thì cũng sinh chuyện này chuyện nọ chú à. Dân miềng ở đây chịu khó làm ăn, nhiều người đi Lào về cũng tậu được xe cộ, cất nhà cửa khang trang, nhưng cũng nhiều người về mang theo cả bệnh tật, khổ lụy đến vợ con, hàng xóm.”

Tại xã Lộc Bổn đã có hơn 50 ô tô mang BKS Lào được người dân tậu thuận lợi cho việc đi về làm ăn

Như không muốn đi vào vết xe đổ của những người bà con, chị Yên quyết tâm ở lại với quê nhà, chọn nghề đúc bờ-lô lấy công làm lãi, mỗi ngày kiếm được từ 50-70 nghìn đồng. “So với mức thu nhập chung của làng, sang Lào kiếm tiền gấp 5 gấp 6 lần làm việc ở đây. Nhưng thấy nhiều gia đình vợ con chia lìa, trẻ con không được học hành đến nơi đến chốn, nhà cửa bỏ hoang thì nản lắm” - chị Yên bảo. Đối diện nhà chị Yên là gia đình nhà bà Đỗ Thị Hồng. Bà Hồng sang Lào làm ăn hơn chục năm, hôm nay tạm nghỉ ít ngày để về mua vật liệu cho căn nhà đang xây dở. Bà Hồng cho biết: “Do cả năm bận bịu với công việc, con cái đứa nhỏ thì gửi bên ngoại, đứa lớn thì phải theo cha mẹ qua Lào vì không ai trông nom. Mình vì miếng cơm manh áo nên phải hy sinh thôi. Nhà đang xây dở, thiếu tiền đành ở lại quê người tích cóp thêm ít đồng nữa…” Do đường xã cách trở, đi lại khó khăn, mỗi năm bà Hồng chỉ về được đôi lần, tình cảm vợ chồng vì thế cũng rạn nứt. Hiện tại, bà Hồng đã sống ly thân, 2 đứa con cũng phải theo mẹ sang Lào mưu sinh.

Ở Lộc Sơn, Lộc Bổn đa số lao động là nam giới đã ''xuất ngoại'', trong làng chỉ còn phụ nữ và người già là lao động chính

Tình trạng người lao động đổ xô sang Lào làm việc không chỉ có ở Lộc Bổn mà ở xã Lộc Sơn cũng đang “nóng” lên với những lớp người xuất ngoại. Theo thống kê của UBND xã Lộc Sơn, đến thời điểm hiện nay, địa phương này đã có hơn 1000 người xuất ngoại làm việc chiếm 30% tổng số lao động địa phương. Trong số này, không chỉ có người trong độ tuổi lao động mà dưới độ tuổi lao động cũng “nối gót” cha anh sang xứ Triệu Voi để kiếm những công việc phù hợp. Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn cho hay: “Việc lao động địa phương sang Lào lao động tuy mang lại một nguồn thu lớn cho ngân sách, cải thiện đời sống của hàng nghìn người dân xưa nay chỉ biết đến đất rừng, cây lúa. Tuy nhiên, từ đây cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh tật, những hệ lụy xã hội khó lường. Cái khó là khi lao động muốn “xuất ngoại” thường họ không thông qua chính quyền địa phương, chỉ mang hộ khẩu đến cửa khẩu đăng ký làm hộ chiếu nên rất khó quản lý.”

Ở Lộc Sơn, Lộc bổn nhan nhãn những căn nhà xây dở của những lao động từ Lào

“Ết” treo đầu làng

Cái sự giàu sang của việc hàng nghìn hộ dân sang Lào làm việc cũng chỉ mới “chớm nở” nhưng đã kéo theo những hệ lụy xã hội khó lường. Năm 1993, ca bệnh nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện do một người lao động của Lộc Bổn từ Lào trở về trong thể hình tiều tụy, bệnh tật dày vò. Sau khi người nhà đưa đến Bệnh viện TƯ Huế khám thì phát hiện ra căn bệnh thế kỷ. Phó Chủ tịch Lê Văn Khương cho biết, những năm đó, sau ca bệnh đầu tiên được báo về y tế xã, người dân làng xôn xao, hoang mang bởi số lao động xuất ngoại trở về ngày một nhiều. Ca bệnh đầu tiên như một hồi chuông cảnh tỉnh những người lao động, nhưng con số lây nhiễm vẫn không dừng lại ở đó. Tính đến nay, toàn xã đã có 21 trường hợp bị dương tính với HIV, trong đó 10 người đã chết. Đây cũng chỉ là con số “bề nổi” bởi rất nhiều trường hợp sống trong cộng đồng chưa được phát hiện.

Căn nhà cháu Dương Thị L. trường hợp nhiễm HIV nhỏ tuổi ở Lộc Bổn luôn cửa đóng then cài

vì bố mẹ bận xuất ngoại mưu sinh

Việc người dân làng lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ Lào, Cam Pu Chia mang về Lộc Bổn, Lộc Sơn đã đẩy hàng trăm số phận lao động nghèo lâm vào tình cảnh bi đát. Trường hợp gần đây nhất là gia đình chị Nguyễn Thị T. (45 tuổi, thôn Hòa Vang) có chồng là anh Nguyễn Hữu H. (47 tuổi) nay đã mất. Anh H. qua Lào làm nghề phụ thợ nề, có thu nhập cũng khá ổn định. Do không cưỡng lại được những cám dỗ nơi xứ người, anh H. đã bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Sau khi trở về địa phương, đã lây nhiễm sang người vợ của mình. Gia cảnh chị T. nay rất khó khăn, trong gia đình chỉ vỏn vẹn có mấy sào ruộng, chị phải bươm chải nuôi 4 đứa con nhỏ. Chị T. kể trong nước mắt: “Khi trở về, thấy anh ấy tiều tụy, cứ tưởng là sang bên đó lao động cực nhọc, sức khỏe giảm sút, ai dè… Giờ cuộc đời tui cũng khốn đốn lắm rồi, chỉ tội cho những đứa trẻ mất cha, sống trong sự dòm ngó của làng xóm”.

Ở Lộc Bổn, Lộc Sơn, trường hợp người chồng bị lây nhiễm HIV trở về gia đình lây cho vợ, con khá nhiều. Trong quá trình đi tìm hiểu thực hiện bài viết, chúng tôi gặp một hoàn cảnh rất thương tâm, đó là cháu Dương Thị L. (13 tuổi, thôn Thuận Hóa). Cháu L do điều kiện gia đình lúc 7 tuổi phải theo bố mẹ sang Savannakhet (Lào) mưu sinh. Khi sang làm việc tại đây, cháu được một người đàn ông bản địa nhận làm con nuôi. Do thiếu hiểu biết, gia đình chủ quan, người đàn ông này đã làm hại đời cháu. Sau khi trở về địa phương, gia đình mới phát hiện cháu bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Đến nay, nhờ sự quan tâm của chính quyền, các tổ chức từ thiện, cháu bé đã được cấp thuộc điều trị.

Tương lai của những đứa trẻ ở Lộc Sơn, Lộc Bổn sẽ về đâu trước lan sóng xuất ngoại lao động

dẫn đến những hệ lụy xã hội khó lường

 Những trường hợp “dính” đến căn bệnh thế kỷ đều rơi vào những hộ gia đình có hoản cành khó khăn, nó như một điệp khúc dày vò bao phận người bi đát. Tại xã Lộc Sơn, ca bệnh được phát hiện đầu tiên vào năm 1995, đến nay toàn xã đã có 7 trường hợp độ tuổi từ 25-30 tuổi bị nhiễm HIV, trong đó có 2 người đã tử vong. Thương tâm nhất là trường hợp của gia đình chị Võ Thị P. (thôn An Sơn), sau khi có chồng đi lao động từ nước bạn về, chỉ vừa cưới nhau được 4 tháng thì phát hiện mình nhiễm HIV lây nhiễm từ người chồng. Đứa con trong bụng chị P. cũng đành phải bỏ đi vì căn bệnh thế kỷ.

 “Trước tình trạng những người lao động trở về từ Lào mang theo căn bệnh thế kỷ gây nguy cơ lây lan trong cộng đồng, chính quyền, người dân xã Lộc Bổn, Lộc Sơn trong nhiều năm qua thực hiện các biện pháp tuyên truyền, mít tinh diễu hành, cử cán bộ dân số về tận các gia đình có người nhiễm HIV tư vấn về cách “sống chung” với bệnh, phòng tránh bệnh cho những người trong gia đình không bị lây nhiễm… Tuy nhiên, đa số lao động đều ở Lào, đặc thù công việc mỗi năm họ chỉ trở về địa phương 1 đến 2 lần nên công tác tuyên truyền, vận động cũng gặp nhiều khó khăn”- ông Võ Đại Thuận- Trạm trưởng Trạm Y tế Lộc Bổn, nói.

Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh TT-Huế, tính từ năm 1993 đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 1.009 người bị nhiễm HIV. Trong số đó, đã có 384 người chuyển qua giai đoạn AIDS và số người chết đã là 263. Riêng từ năm 2005 đến nay, số người nhiễm tăng mạnh, trung bình 1 năm có 100 người nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động đi làm ăn xa ở các tỉnh miền Nam và qua các nước Lào, Campuchia bị lây bệnh qua đường tình dục.