Nỗi đau câm lặng

ANTĐ - “Bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không muốn” sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Đây là nội dung trong dự thảo của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình đang được Bộ Công an công bố để lấy ý kiến dư luận. Tuy nhiên, nhiều người cho biết, để tìm ra bằng chứng “bạo lực tình dục” sẽ vô vùng khó khăn.

Nhiều phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực tình dục

Đổ tại “yêu”

Chị Lê Thị Mỹ (Đông Anh-Hà Nội) mới 33 tuổi nhưng gầy yếu, héo hon. Bạn bè, họ hàng đều lạ vì chị chẳng còn thiếu thứ gì: làm cô giáo làng được quý mến, kinh tế khá giả, chồng hiền lành, hai con đều khỏe mạnh, xinh đẹp. Tuy nhiên, chỉ một vài người bạn của chị biết rõ lý do. Chị lấy chồng 11 năm, đã sinh 2 đứa con, có nếp, có tẻ. Chị không muốn có thêm con, nhưng không đặt vòng được vì rong kinh dài ngày, uống thuốc thì bị xây xẩm mặt mày, buồn nôn. Chị cũng không thể thuyết phục được chồng dùng bao cao su, vì theo anh như thế “mất sướng”. Trong khi đó, nhu cầu tình dục của chồng chị rất cao, gần như ngày nào cũng đòi hỏi vợ phải chiều. Chỉ trong vòng 5 năm, chị đã phải đi “giải quyết hậu quả” 6 lần, cơ thể yếu ớt, suy nhược. Nỗi lo sợ dính bầu khiến chị chẳng hứng thú gì chuyện tình dục, nhưng không đáp ứng là chồng lại cáu kỉnh, đá thúng đụng nia, có khi còn la hét, chửi mắng, ghen tuông với vợ. “Tôi đành câm lặng chịu đựng, trong sự đau đớn về thể xác và nỗi lo lắng chết lặng” – chị Mỹ cho biết.  Tuy nhiên, khi được cán bộ y tế xã góp ý, anh Dũng – chồng chị Mỹ, không hiểu vấn đề mà còn vênh vang vì “chẳng ai khỏe bằng tôi”, “đó là vì tôi yêu vợ”, “vợ tôi tôi xài chả liên quan đến ai”. 

Còn chị Trần Thu Lê (Hai Bà Trưng) lại sống trong ám ảnh với ông chồng luôn có mùi rượu. Hầu như ngày nào chồng chị cũng trở về nhà trong trạng thái lướt khướt, sau đó thì lao vào đòi hỏi vợ. “Mùi rượu thịt nồng nặc, đã thế lão ấy cứ vầy vọt mình như đồ vật, nói lè nhè những câu tục tĩu, nào có tình cảm gì mà yêu với đương” – chị Lê thở hắt ra. Đó là chưa kể có lúc, chồng chị đang “dở trò” thì nôn thốc nôn tháo luôn trên người vợ, khiến chị Lê càng kinh hãi hơn. Tuy nhiên, khi chị từ chối thì chồng chị vừa la hét, vừa đuổi vợ quanh phòng, khiến không chỉ con cái, bố mẹ mà hàng xóm láng giềng đều “biết tuốt”. Tuy nhiên, chồng chị Lê cũng vẫn lải nhải bài ca “yêu vợ” nên không kìm chế được và cho rằng “vợ mà không chiều chồng là không biết làm vợ”, “vợ là của chồng nên chồng muốn đòi hỏi lúc nào là tùy”. 

Bão ngầm

Nghiên cứu “Sự im lặng của phụ nữ và sự hoà thuận trong gia đình”, bác sĩ Vũ Song Hà (Trung tâm sáng kiến và sức khỏe dân số CCIHP) đã chỉ rõ, rất nhiều phụ nữ không muốn quan hệ tình dục với chồng nhưng cũng không dám từ chối. Họ thường mượn lý do sức khỏe, ốm đau, thai nghén, “đến kỳ” để từ chối chồng chứ không bao giờ dám nói thẳng với chồng là “không hứng thú”. Đa số phụ nữ cho rằng vợ phải phục tùng chồng, không bao giờ được nói không với chồng, nếu từ chối thì chồng sẽ đi ngủ lang chỗ khác, vừa bệnh tật, vừa mất tiền. “Chiều chồng” đồng nghĩa với giữ gìn hôn nhân, gia đình, để chăm sóc con cái, tránh bạo lực cũng như được sự phân biệt và kỳ thị gây ra từ việc ly hôn. 

Hậu quả là có đến gần 50% chị em đã từng có ý nghĩ tự tử khi bị chồng bạo hành, 40% trong số họ đã biến suy nghĩ thành hành động, từng tự tử nhưng “chết hụt” sau khi uống thuốc trừ sâu, uống thuốc ngủ, treo cổ, nhảy cầu… Hơn 83% chị em đã cho rằng việc họ bị ép buộc quan hệ tình dục là một trong nguyên nhân khiến họ không hạnh phúc. Ngòai ra, 85,4% chị em luôn sợ hãi khi quan hệ tình dục, 68% luôn đau rát, 27% chị em đã bị tổn thương vùng kín, 78% mệt mỏi căng thẳng. Chỉ có 10% chị em tới các cơ sở y tế để thăm khám do họ xấu hổ, sợ hãi. 83% phụ nữ bị bạo lực tình dục nhẫn nhịn chịu đựng.

“Nếu bạo lực gia đình đã khó tìm bằng chứng và khó vận động để người trong cuộc tố cáo thì việc phát hiện bạo lực tình dục còn khó khăn gấp nhiều lần. Đa số chị em lo sợ bị chê cười, sợ chồng chán vợ đi ngoại tình, tủi nhục,  xấu hổ với con cái, bạn bè mà không dám đi tố cáo. Các hành vi bạo lực tình dục cũng diễn ra sau buồng ngủ, nên ít người biết để có sự giúp đỡ, hỗ trợ” – bà Nguyễn Thu Thúy – Giám đốc truyền thông CSAGA nhấn mạnh. 

Do  tính chất “bí mật” của bạo lực tình dục, việc một người vợ dám đứng lên tố cáo hành động “cưỡng bức vợ” của chồng là rất khó. Ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cho biết, thậm chí kể cả những người vợ bị bạo lực nghe đến số tiền phạt cũng xót, không dám tố cáo chồng chứ chưa nói gì đến việc “dọa” được người chồng. “Mục tiêu của luật là phòng ngừa bạo lực gia đình chứ không đợi bạo lực xảy ra rồi xử phạt. Vì thế, tiền không “mua” được kiến thức về giới hay kỹ năng thay đổi hành vi của người gây bạo lực” – ông Vân cho biết. 

“Sự im lặng chịu đựng của chị em mỗi khi không thích thú khi quan hệ tình dục với chồng sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý khác như lãnh cảm, suy nhược, đau đầu, mệt mỏi, thậm chí gây đau đớn khi giao hợp, viêm nhiễm phụ khoa...” – bác sĩ Vũ Song Hà.