"Nỗi đau bom mìn" ở Afghanistan

ANTĐ - Thông tin đăng tải trên tờ DailyMail (Anh) cho biết, hơn một triệu người dân Afghanistan là nạn nhân của bom đạn chiến tranh. Rất nhiều bom, mìn vẫn nằm rải rác trên khắp đất nước và là nguy cơ đe dọa mạng sống của người dân. Mặc dù có những cơ quan chuyên trách rà phá bom mìn nhưng ước tính, với tốc độ làm việc như hiện nay, phải mất vài trăm năm nữa bom mìn mới được tháo gỡ hết.
"Nỗi đau bom mìn" ở Afghanistan ảnh 1

Một em nhỏ là nạn nhân của bom mìn ở Afghanistan

Hàng chục trẻ em bị thương và thiệt mạng vì bom đạn mỗi ngày

Phóng viên của DailyMail đã đến Afghanistan và thực hiện bộ ảnh về những nạn nhân của bom mìn. Những hình ảnh gây sốc cho thấy, bom đạn chiến tranh luôn là nỗi ám ảnh với người dân và là “kẻ thù” luôn rình rập cướp đi mạng sống của họ. Ước tính, có khoảng 10 triệu quả bom, đạn nằm sâu dưới lòng đất trong các khu vực trường học, đường bộ, đường thủy trên cả nước…

Có đến một triệu người đã trở thành nạn nhân của bom đạn, hàng chục trẻ em vô tội bị thương và thiệt mạng mỗi ngày ở Afghanistan. Khoảng một triệu người ở Afghanistan có tật về vận động. Trong số đó, khoảng 50.000 đến 100.000 là người tàn tật, cụt chân, cụt tay và con số này đang không ngừng tăng lên. Bom, đạn được tìm thấy do quân đội Anh, Mỹ để lại sau chiến dịch kéo dài hơn một thập kỷ ở Afghanistan nhưng không ít bom đạn có nguồn gốc từ Liên Xô cũ. 

Không có số liệu thống kê chính xác về số lượng bom đã thả xuống lãnh thổ Afghanistan nhưng nhiều người cho rằng, con số có thể lên đến hàng triệu quả. Loại bom khét tiếng nhất được sử dụng trong thời gian nội chiến là “bom bướm” vì có hình dạng giống con bướm, được làm bằng nhựa màu xanh lá cây. Loại bom này hiện vẫn còn rải rác ở rất nhiều nơi trên lãnh thổ Afghanistan. Vì có màu xanh nên chúng thường khó phát hiện khi lẫn vào cây cỏ và nhiều trẻ em thường nhầm lẫn đó là đồ chơi.

Bom bướm được thiết kế khá đặc biệt, khi rơi xuống đất, chúng không nổ ngay nhưng sau khi bị dẫm lên hay chịu áp lực trọng lượng từ 5 kg trở lên, chúng sẽ phát nổ trong khoảng thời gian từ 1 đến 40 phút. Theo các chuyên gia, bom bướm thường không gây chết người nhưng sẽ gây thương tích như cụt chân, cụt tay…

Bên cạnh đó, theo một số nguồn tin thì trong thời điểm đóng quân tại Afghanistan vào năm 2001, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thả khoảng 20 nghìn tấn bom xuống Afghanitan. Khoảng 10% số bom mìn khi chạm đất chưa phát nổ mà bị chôn vùi trong lòng đất. Theo nhận định của Trung tâm phối hợp phòng, chống bom mìn của Liên Hợp quốc (Macca) thì Helmand là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tàn dư bom đạn chiến tranh với 91 bãi mìn.

Trẻ em là đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất của bom đạn chiến tranh. Ước tính, khoảng 75% nạn nhân bom mìn là trẻ em. Sở dĩ trẻ em Afghanistan là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của bom mìn là do các em được giao làm những công việc thường xuyên phải tiếp cận với khu vực có bom, đạn nguy hiểm như chăn nuôi gia súc, lấy củi, nhặt phế liệu để bán…

Afghanistan sẽ “sạch” bom mìn trong vài trăm năm nữa?

Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) là tổ chức chính giúp đỡ các nạn nhân của bom mìn. Tổ chức này cung cấp thuốc men, hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân tại bệnh viện và hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng tại một trung tâm vật lý trị liệu của ICRC ở Kabul. Tại Trung tâm vật lý trị liệu, sau khi lắp chân, tay giả, các nạn nhân sẽ được  bác sĩ hướng dẫn, tư vấn tâm lý trong quá trình chung sống với khuyết tật của mình. Sau nhiều tháng làm quen với chân, tay mới, hầu hết các nạn nhân đều có thể quay trở lại xã hội, sống một cuộc sống bình thường.

Theo một chuyên gia của ICRC, việc cứu trợ, giúp đỡ nạn nhân bom mìn gặp nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, quan trọng nhất là tình hình chính trị bất ổn trong nước. “Afghanistan là một trong những nước nghèo nhất thế giới và ít người có đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Vì vậy, khi bị thương, họ sẽ tìm đến các tổ chức từ thiện quốc tế để được trợ giúp. Tuy nhiên, số nạn nhân ngày càng tăng lên trong khi điều kiện cơ sở vật chất có hạn. Đây chính là khó khăn trước mắt mà chúng tôi chưa thể giải quyết”, chuyên gia của ICRC nói.

Đội rà phá bom mìn tại Afghanistan cho biết, có hàng chục loại bom mìn được tìm thấy. Ngoài bom mìn có xuất xứ từ Liên Xô, Mỹ, Anh, có bom mìn có nguồn gốc từ Bỉ, Italia… Hoạt động rà phá bom mìn vẫn đang được tiến hành nhưng tốc độ hoạt động rất chậm trong khi số vụ người chết, thương vong vì bom mìn vẫn diễn ra hàng ngày. Việc rà phá bom mìn bằng công nghệ thô sơ, phải mất vài tuần để tìm kiếm trên khu vực nhỏ. Ước tính, với tốc độ hoạt động như hiện nay, phải mất vài trăm năm nữa, bom mìn ở quốc gia này mới được “dọn dẹp” sạch sẽ.