Nỗi cô đơn luôn đồng hành cùng người phi công

ANTD.VN -  “Chuyến thư miền Nam”, cuốn sách do NXB Văn học liên kết cùng công ty cổ phần Văn hóa và truyền thông Nhã Nam phát hành vừa là tự truyện của một phi công, vừa là thước phim tài liệu trữ tình nói lên những suy nghĩ về chủ nghĩa anh hùng, và về nỗi cô đơn luôn đồng hành cùng người phi công trong suốt mỗi chặng bay.

Nỗi cô đơn luôn đồng hành cùng người phi công ảnh 1Bìa cuốn sách "Chuyến thư miền Nam"

Từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX, sau một thời gian làm phi công và bắt đầu xuất bản các tác phẩm kể lại những trải nghiệm bay, những chiêm nghiệm của mình khi từ trên cao nhìn xuống Trái đất, Antoine de Saint-Exupéry (1900 – 1944) – tác giả lừng danh của “Hoàng tử Bé” – không chỉ đơn thuần là kể chuyện, bằng một văn phong trữ tình, giàu chất thơ, đầy tưởng tượng và nhân văn, mà ông còn giống như thể một “nhà tiên tri” đưa ra những suy ngẫm về môi trường, tương lai của hành tinh và loài người. Với ông, môi trường không dừng ở cái cây, ngọn cỏ hay khu rừng.

Antoine de Saint-Exupéry nhắc nhớ độc giả, qua hầu hết các tác phẩm của mình, từ những tác phẩm đầu tiên như “Chuyến thư miền Nam”, “Bay đêm”, “Xứ con người”… đến những tác phẩm về sau này khiến ông càng trở nên nổi tiếng như “Hoàng tử Bé” rằng: môi trường bao quanh con người không chỉ là thiên nhiên vốn tồn tại trước chúng ta, và đã đến lúc phải quan tâm tới cả môi trường mà chúng ta tự dựng xây cho mình, dù đó là môi trường đô thị, xã hội, kinh tế, chính trị, vật chất hay tinh thần.

Buổi tọa đàm “Môi trường, tương lai Trái đất và con người qua tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry” nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết “Chuyến thư miền Nam” nhà văn người Pháp này sẽ diễn ra vào lúc 18h, ngày 21-11 tại Thư viện Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của TS Nguyễn Thùy Linh (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.