Nổi chìm phận rối nước

(ANTĐ) - Từ thuở khai thiên lập địa, mảnh đất cong cong hình chữ S đã gắn bó với lúa nước. Hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau gắn chặt với người nông dân một nắng hai sương. Và từ trong lam lũ, người nông dân đã cân bằng đời sống tinh thần của mình bằng những trò chơi dân gian - Rối nước cũng ra đời từ đó.

Nổi chìm phận rối nước

(ANTĐ) - Từ thuở khai thiên lập địa, mảnh đất cong cong hình chữ S đã gắn bó với lúa nước. Hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau gắn chặt với người nông dân một nắng hai sương. Và từ trong lam lũ, người nông dân đã cân bằng đời sống tinh thần của mình bằng những trò chơi dân gian - Rối nước cũng ra đời từ đó.

Thoát thai từ thứ gỗ... vô dụng

Chẳng biết tự thưở nào, cái thứ gỗ sung cho không đắt, bán chẳng ai mua, làm củi đun thì khói toét mắt, đã chứa đựng thân phận của rối. Rối nước chọn gỗ sung để làm nên đời sống của mình, và gỗ sung qua con rối mà khẳng định giá trị của nó.

Từ thế kỷ thứ 12, bia chùa Đọi ở Hà Nam đã ghi lại nghề làm con rối. Tính đến nay 9 thế kỷ trôi qua, biết bao phen lận đận nhưng 14 phường rối cổ ở vùng đồng bằng Bắc bộ vẫn tồn tại và âm thầm thách thức thời gian.

Rối được bày bán tại cửa hàng 57E phố Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội
Rối được bày bán tại cửa hàng 57E phố Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội

Hiện nay, “Nhà hát múa rối Thăng Long và Nhà hát múa rối TW chịu ảnh hưởng về tích trò và tạo hình rối nước từ các phường rối cổ là phường Nguyễn (Thái Bình), phường Nam Chấn (Nam Trực - Nam Định), phường Đống (Đông Các - Thái Bình)”, anh Lượng (họa sỹ, trưởng đoàn múa Rối - Nhà hát Múa rối Thăng Long) cho biết như vậy.

Là thứ gỗ dễ kiếm, nhẹ, mềm, chịu nước, chịu nhiệt, nên gỗ sung được người dân chọn làm quân rối. Phần gốc sung to hơn thường dành để đẽo những chú tễu ngộ nghĩnh, còn những thân gỗ vừa, nhỏ thì đẽo thành những nhân vật như vịt, cá, người nông dân... theo tích trò dân gian. Quân rối cũng có thể thoát thai từ gỗ vàng tâm, loại gỗ có đầy đủ những đặc điểm đáp ứng đời sống với nước của rối nhưng vì chi phí quá đắt đỏ cho một quân trò “khoảng 1 triệu đồng/quân nên các phường rối không dùng”, ông Nguyễn Văn Dậu, trưởng phường rối Chàng Sơn, Thạch Thất chia sẻ.

Thổi hồn cho rối

Với những khúc gỗ được cưa đoạn, người nghệ nhân bắt đầu những nhát đục, vạc để tạc thô hình rối. Sau đó, để ngoài trời khoảng dăm bữa, nửa tháng cho gỗ ngót ổn định thì người thợ mới bắt đầu tạc tinh, tức là thổi vào khuôn mặt, điệu bộ những nét thần thái đặc trưng của từng quân trò. Khi đẽo rối, người nghệ nhân dồn tất cả cảm xúc, thẩm mỹ, niềm mê say của mình vào quân rối, như trò chuyện với nó. “Khuôn mặt rối phản ánh chính hình ảnh của họ. Những đắm say, tâm huyết dồn vào đôi bàn tay để con rối là đại diện cho đời sống tinh thần hồn nhiên, thuần khiết của người nông dân”, nghệ sỹ Chu Lượng (Trưởng đoàn Rối - Nhà hát múa rối Thăng Long) chia sẻ.

Trong các vở rối, khán giả thường bắt gặp những khuôn mặt chú tễu, ông địa to hơn cơ thể, con cá to hơn người câu cá, chuột to hơn mèo, cáo to hơn người nông dân... Những điều tưởng chừng bất thường ấy lại làm nên vẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu của dân gian, lấy cái không bình thường để nói về cái bình thường, tạo ra sự thiếu cân bằng để làm cân bằng trong cảm xúc của khán giả.

Khi đã “ra“ hình hài của rối, người thợ bắt đầu tạo sắc diện cho rối. “Theo lối truyền thống sơn rối phải trải qua ba công đoạn. Đầu tiên sơn mộc, quét một lớp sơn phủ khắp thân rối. Để khoảng hai ngày, khi sơn đã khô, thì tiến hành sơn phủ và dành thời gian cho lớp sơn phủ ngấm đều vào thân rối, rồi người thợ bắt đầu sơn thật. Mất khoảng 6 ngày mới hoàn thiện được một quân trò”, anh Nguyễn Văn Kiên (làng rối Chàng Sơn, Thạch Thất) cho biết. Ở công đoạn này, không chỉ là những lớp sơn được quét đúng quy trình mà người thợ đẽo rối ví như họa sỹ thổi hồn vào rối, từ đôi lông mày cong cong, đến cái miệng hể hả cả chú tễu, cái bụng no tròn...

Loại sơn truyền thống mà ở các phường rối cổ truyền thường dùng là sơn dầu (sơn ta). Nhựa cây sơn được lấy từ vỏ cây, khi khô đóng thành màng mỏng, chịu nước, tránh mối mọt và chịu được đến 300 độ C. Và nước sơn ta khi đã “ăn” vào quân rối thì càng để lâu, càng thắm, tạo nên sức sống cho từng quân trò.           

(Còn nữa)

Mộc Lan