Nối cáp quang ký sự...

Để cắt đứt sợi cáp quang biển TVH, những kẻ trộm cáp chỉ cần 1 chiếc cưa sắt trong thời gian chưa đến 1 giờ. Nhưng để nối lại mỗi nhát cắt đó, toàn đội kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật trên tàu sửa cáp hiện đại Asean Restorer (Singapore) đã phải làm việc thay ca liên tục trong vòng 16 - 20 giờ cùng với những thiết bị hiện đại nhất. Ghi chép của nhóm phóng viên đi theo tàu Asean Restorer nối tuyến cáp quang TVH bị cắt trộm.

Nối cáp quang ký sự...

Để cắt đứt sợi cáp quang biển TVH, những kẻ trộm cáp chỉ cần 1 chiếc cưa sắt trong thời gian chưa đến 1 giờ. Nhưng để nối lại mỗi nhát cắt đó, toàn đội kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật trên tàu sửa cáp hiện đại Asean Restorer (Singapore) đã phải làm việc thay ca liên tục trong vòng 16 - 20 giờ cùng với những thiết bị hiện đại nhất. Ghi chép của nhóm phóng viên đi theo tàu Asean Restorer nối tuyến cáp quang TVH bị cắt trộm.

>>>"Chung tay" ứng cứu kênh cáp quang quốc tế

>>>Chống xâm hại cáp viễn thông trên biển

>>>Cáp quang bị cắt trộm: Việt Nam có nguy cơ bị cô lập thông tin với thế giới

Đáp chuyến máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM tối ngày 15/6, không kịp nghỉ ngơi, chúng tôi tiếp tục bắt xe về cảng Cát Lở, Vũng Tàu để kịp chuyến tàu hải quân chuẩn bị ra khơi hộ tống tàu Asean Restorer vào sáng hôm sau. Thông tin từ công ty viễn thông VTI cho biết: Tàu Asean Restorer đã di chuyển vào vùng biển Cà Mau của Việt Nam được 1 ngày và bắt đầu công việc sửa chữa  tuyến cáp quang TVH.

Tàu Asean Restorer tại vùng biển Cà Mau tháng 6/2007.

Tàu Asean Restorer tại vùng biển Cà Mau tháng 6/2007.

Ra khơi chiều 16/6, chiếc tàu hải quân mang số hiệu HQ 931 phải mất hơn một ngày để ra tới vị trí tàu Asean Restorer sửa cáp. Do tàu nhỏ, bị sóng lớn ngoài khơi liên tục nhồi, lắc, tung kên hạ xuống, nên nhóm phóng viên ai nấy đều mệt lử. Có đồng nghiệp do ít kinh nghiệm đi biển, sóng đánh vào thân tàu mạnh quá nên mấy lần bị va đầu vào tường khi... đang tắm.

Cuối cùng, sau 1 ngày bị sóng biển" lắc giật", chúng tôi cũng nhìn thấy chiếc Asean Restorer màu trắng đang tiến hành việc rà lại tuyến cáp quang TVH bị đứt. Đặt chân lên chiếc tàu sửa cáp chuyên dụng có trọng tải 11.000 tấn này, cảm giác bồng bềnh vì sóng hầu như biến mất, giống như được đứng trên đất liền vậy.

Lịch trình của Asean Restorer bắt đầu bằng việc rà soát các điểm bị đứt của tuyến cáp TVH theo hướng từ Việt Nam đi Thái Lan và buộc phao đánh dấu vào các đầu cáp. Sau khi kiểm tra hết các điểm bị cắt trộm và nhận được tín hiệu từ cạm cập bờ của Thái Lan, Asean Restorer bắt đầu việc hàn nối và rải lại tuyến cáp theo hướng từ Thái Lan về Việt Nam.

Theo báo cáo từ tàu Asean Restorer sau khi hoàn tất hành trình sửa cáp quang biển TVH trên lãnh hải Việt Nam, đoạn cáp dài 98 km tại đây bị ngư dân "băm" làm 7 mảnh. Các vết đứt đều khá "ngọt", chứng tỏ đã được cắt bằng lưỡi cưa đá của máy cắt sắt của những ngư dân đi "đánh cáp".

Sợi tín hiệu quang: "Dễ cắt, khó hàn"

Quá trình nối tuyến cáp hỏng bắt đầu từ tối ngày 20/6 trên vùng biển Cà Mau, cách đất liền 100 km về phía nam cùng với sự hỗ trợ của 2 tàu Hải quân Việt Nam HQ931 và Vạn Hoa 792. Trong gần 2 tuần sau đó, những chuyên gia trên tàu cáp Asean Restorer chia làm 2 ca mỗi ngày, mỗi ca làm việc 12 tiếng liên tục để hàn nối những điểm bị đứt.

Hàn nối cáp quang trên tàu Asean Restorer.

Hàn nối cáp quang trên tàu Asean Restorer. 

Nếu so sánh 7 "nhát cắt" của các "cáp tặc" và khối lượng công việc làm liên tục 24 giờ mỗi ngày trong gần 2 tuần của các chuyên gia tàu Asean Restorer, có thể nhiều người sẽ thấy quá chênh lệch. Nhưng nếu trực tiếp chứng kiến công việc nối cáp quang rất công phu và tỉ mẩn như nối từng sợi tóc, họ sẽ thấy khối lượng công việc đó là rất lớn và không hề đơn giản.

Thêm một điều ngạc nhiên cho nhóm phóng viên. Trái với tưởng tượng ban đầu của chúng tôi về một loại cáp quang biển gồm những bó sợi quang thuỷ tinh (fiber optic) hàng trăm sợi, tuyến cáp quang TVH khi được móc từ đáy biển lên, bóc các lớp bảo vệ ra thì chỉ có vỏn vẹn... 4 sợi tín hiệu quang mà thôi. Nhưng để hàn nối 4 "sợi tóc" đó, cần có nhưng thiết bị công nghệ cực kỳ hiện đại và chính xác tới từng micromet.

Theo giải thích của các chuyên gia cáp quang, 2 trong 4 sợi này phục vụ cho việc truyền tải tín hiệu giữa Việt Nam - Thái Lan, 2 sợi còn lại dành cho kênh liên lạc giữa Việt Nam - Hong Kong. Và để bảo vệ cho 4 sợi tín hiệu quang mỏng manh như sợi tóc đó, cần tới một hệ thống vỏ bọc bảo vệ nhiều lớp, to gần bằng cổ tay.

Kết cấu cáp quang TVH nguyên gốc (bên phải) và cáp thay mới.

Kết cấu cáp quang TVH nguyên gốc (bên phải) và cáp thay mới. 

Cáp quang được sử dụng tại tuyến TVH có kích cỡ trung bình với đường kính khoảng 60 mm. Bốn sợi tín hiệu quang học được bảo vệ xung quanh bằng lớp thép gia cường. Phần giữa là lớp đồng dẫn điện. Bảo vệ bên ngoài gồm lớp nhựa HDPE dày 10 mm và một lớp nhựa đen ngoài cùng. Với kết cấu như vậy, những lớp nhựa bảo vệ phần lõi tránh được những tác động ăn mòn của nước biển đối với phần lõi và thép gia cường. Khi bị cắt trộm bằng những dụng cụ thô sơ, phần nhựa bảo vệ bị phá vỡ, phần lõi thường bị phá hoại trầm trọng vì môi trường nước biển, chỉ còn những sợi thép gia cường tua tủa bám đầy rong rêu.

Một mối nối sợi quang, chụp kiểm tra... 16 góc

Để hàn nối, trước tiên, tàu cáp phải dò tìm và vớt đầu cáp lên tàu hoặc treo định vị tại phao có đánh dấu sẵn. Chiếc tàu Asean Restorer được thiết kế với một hệ thống đường thả cáp dọc ở phần sàn tàu thông xuống tận mặt biển. Mối nối cáp được thực hiện trong một khu phòng kỹ thuật đặc biệt, sau đó được "nhấc" sang khu thả cáp bên cạnh.

Khi bắt đầu hàn nối, cáp được bóc tách lớp vỏ sắt và vỏ nhựa. Phần bên trong được làm sạch bằng hóa chất để tẩy rong rêu hoặc những tác động khác khi bị ngâm trần lâu dưới biển. Sau đó, cáp mới và cáp cũ được nối với thiết bị đo trong phòng thí nghiệm trên tàu để kiểm tra sự tương thích với cáp mới, khả năng cung cấp nguồn của hệ thống.

Chỉ khi toàn bộ những thông số trên chắc chắn và chính xác, hai đầu cáp mới và cũ sẽ được hàn với nhau bằng bộ ghép nối đa dụng (joiner). Thiết bị này làm bằng hai khối thép chịu lực ghép vào nhau, có khả năng dẫn điện tốt, chịu được áp suất và nhiệt độ cao. Từng sợi quang ở 2 đầu joiner được đưa vào "hàn" với nhau bằng một loại nhựa đặc biệt.

Chụp X-Quang kiểm tra mối nối sợi tín hiệu quang.

Chụp X-Quang kiểm tra mối nối sợi tín hiệu quang. 

Mối hàn sợi quang này sau đó được chụp X quang phóng lớn tại 16 góc độ khác nhau để kiểm tra chất lượng mối hàn và khả năng truyền tín hiệu. Nếu mối nối thành công, toàn bộ joiner được phủ các lớp bảo vệ chống nước biển xâm nhập.

Để hoàn thành một mối nối cho tuyến cáp quang, bao gồm cả phần vỏ bọc bảo vệ bên ngoài, trung bình các chuyên gia tàu Asean Restorer phải mất từ 16 đến 20 tiếng làm việc liên tục. Trạm tín hiệu cáp quang trên đất liền phối hợp phát tín hiệu với tàu sửa cáp liên tục theo chu kỳ 4-6 giờ để kiểm tra chất lượng các mối hàn. Khi toàn bộ không có sai sót, cáp quang mới được đưa lên giá chuyển để thả xuống biển theo hướng từ Thái Lan về Việt Nam.

Chôn cáp xuống biển bằng robot

Cuối cùng, mối nối cáp sẽ được 5-7 người bê và đặt lên giá băng tải và được thả dần xuống biển. Một robot điều khiển từ xa (Remotely Operated Vehicle - ROV) sẽ được thả xuống biển để thực hiện công đoạn cuối cùng là rải cáp và chôn xuống bên dưới lớp cát đáy biển. ROV được trang bị một camera, cho phép các chuyên gia có thể quan sát trực tiếp vị trí đặt cáp và xác định vị trí đặt các mối nối joiner và bộ lặp tín hiệu (repeater).

Cáp đã nối xong (mối nối bằng 2 joiner màu đỏ) được đưa lên giá để thả xuống biển.

Cáp đã nối xong (mối nối bằng 2 joiner màu đỏ) được đưa lên giá để thả xuống biển. 

Thiết bị ROV còn được trang bị vòi phun nước áp lực cực mạnh để sục cát dưới đáy biển thành rãnh sâu khoảng 1,2 mét và "rải" sợi cáp quang vào đó. Địa hình đáy biển tại Cà Mau có nhiều cát và bùn, cho phép tàu Asean Restorer chôn lấp được khoảng 250 mét cáp mỗi giờ.

"Mỗi thao tác với cáp biển đều đòi hỏi sự chính xác. Sau khi đã hàn nối xong, việc thả cáp xuống biển làm sao cho không bị các tác động như vặn, xoắn, gập, căng dãn,... đồng thời đòi hỏi cả con tàu di chuyển với tốc độ nhất định để không tác động lực kéo lên dây cáp và được giám sát chặt chẽ", Osama, kỹ sư hàn nối cáp trên tàu Restorer giải thích.

Đưa mối nối cáp quang ra đuôi tàu để thả xuống biển.

Đưa mối nối cáp quang ra đuôi tàu để thả xuống biển. 

Sau khi nối xong một điểm đứt cáp và rải lại phần cáp mới, tàu Asean Restorer lại di chuyển tới điểm đứt cáp tiếp theo, lặp lại một cách cần mẫn công việc đấu nối, thay mới những đoạn cáp quang đã bị ngư dân Việt Nam cắt trộm để mang đi bán phế liệu với giá chỉ vài ngàn đồng một kg cáp.

Nối cáp khó một, bảo vệ khó mười...

Ngày 29/6, tuyến cáp TVH đã được sửa chữa xong với 7 mối hàn và thay thế 1 thiết bị lặp khôi phục tín hiệu (repeater) bị lấy trộm, với thời gian và chi phí chỉ bằng một nửa so với dự kiến. Đại diện công ty Viễn thông Quốc tế VTI, đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp khai thác tuyến cáp TVH, cho biết tổng chi phí cho lần sửa chữa này là 1,3 triệu USD so với dự tính ban đầu 2,6 triệu USD. Lý do chủ yếu vì cáp và vật tư thay thế được lấy từ kho dự trữ, không phải mua mới.

Theo ông Lee Tiong Wah, kỹ sư trưởng trên tàu Asean Restorer, việc hoàn thành sớm so với dự kiến của tàu Restorer một phần do thời tiết thuận lợi. Trong suốt thời gian sửa chữa, tàu chỉ gặp mưa lớn, biển động nhẹ trong 2 ngày 23 và 24 /6. Chiếc tàu cáp tải trọng 11 nghìn tấn này có thể hoạt động ổn định trong điều kiện bão cấp 5, 6 nên không hề bị ảnh hưởng.

Thả thiết bị lặp (reapeater) của tuyến TVH xuống biển.

Thả thiết bị lặp (reapeater) của tuyến TVH xuống biển.

Nhưng có một "sự cố" duy nhất trong quá trình sửa chữa tuyến cáp TVH đã khiến tàu Restorer phải ngừng thả cáp trong đêm 22/6. Đó là vì tàu không thể giữ tốc độ ổn định khi có quá nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam xung quanh (mặc dù đã có tới 2 tàu hải quân đi hộ tống - NV). Đây là mối lo chính vẫn còn đe doạ sự an toàn của tuyến cáp TVH. Trong vô số tàu khai thác thủy sản tại vùng biển này, vẫn còn nhiều tàu trang bị loại mỏ neo rà đáy, có thể cào sâu dưới lòng biển và móc nhầm vào tuyến cáp đã được chôn dưới cát.

Hiện tại, tuyến cáp TVH đã được sửa xong và đi vào hoạt động bình thường. Bộ BC-VT, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã triển khai biện pháp cấp bách nhằm phối hợp bảo vệ những tuyến cáp quang trên biển. Tuy nhiên, việc bảo vệ những tuyến cáp đi qua lãnh hải Việt Nam sẽ chưa dừng lại khi việc tuyên truyền và nâng cao ý thức cho ngư dân chưa được thực hiện triệt để. Điều này đòi hỏi sự sâu sát từ chính quyền địa phương, phối hợp của nhiều ban ngành trong thời gian dài.

Theo Vietnamnet