"Nói cấp phép phổ biến ca khúc là cơ chế xin-cho hóa ra Cục NTBD cửa quyền à?"

ANTD.VN -Chiều 12-4, Bộ VHTT&DL đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ. Mặc dù cuộc họp liên quan đến tất cả các vấn đề của ngành trong thời gian qua, song, trước sức “nóng” của việc tạm dừng một loạt ca khúc sáng tác trước năm 1975 của Cục NTBD, vì thế  95% câu hỏi dành cho lãnh đạo Cục này. Chủ trì cuộc họp là Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ, ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn và Phó Cục trưởng Cục NTBD Đào Đăng Hoàn.

Chiến trường xưa chỉ là… bàn luận

Đầu tiên, Phó Cục trưởng Cục NTDB Đào Đăng Hoàn đứng lên trả lời các câu hỏi của báo Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật đời sống, Lao động và An ninh Thủ đô. Ông Hoàn nói, ông sẽ cố trả lời hết 8 câu câu hỏi kể trên, nếu không trả lời hết thì xin các phóng viên thông cảm vì “vấn đề đó Cục đang làm”.

Giải thích lý do việc bỗng dưng dừng cấp phép phổ biến 5 ca khúc trong đó có “Con đường xưa em đi”, “Đừng gọi anh là chú”… Ông Hoàn khẳng khái nói: “Bây giờ tôi xin nói luôn để các đồng chí khỏi phải hỏi nhé, Cục có Quyết định gửi các Sở thu hồi 5 bài hát trên cơ sở văn bản đề nghị của Sở VHTT TPHCM. Tại sao à? Tại vì có vấn đề nọ vấn đề kia. 5 bài kia là vi phạm bản quyền”. Giải thích thêm về vấn đề này, ông Hoàn dẫn ra việc nhiều nước thực hiện công ước Bern từ năm 1886, trong khi Việt Nam mới ban hành Luật Sở hữu trí tuệ và lãnh đạo Cục cho biết: “ Việc này (việc thực hiện bản quyền-PV) không phải một sớm một chiều làm ngay được mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức lực”.

Trên website của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, không có một ca khúc nào của nhạc sĩ Văn Cao được cấp phép

Từ năm 1989, việc cấp phép biểu diễn ca khúc sáng tác trước năm 1975 thực hiện đều đặn, khoảng 2.000 ca khúc đã được phép phổ biến. Ông Đào Đăng Hoàn nhấn mạnh, việc cấp phép phổ biến ca khúc buộc phải theo đúng quy định bởi lẽ: “Biết đâu sau này nhạc sĩ lại nói chúng tôi không đồng ý cấp phép thì sao”.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Tuổi trẻ TPHCM, ông Hoàn bày tỏ quan điểm, rằng ông không đồng ý với câu hỏi về cơ chế xin-cho trong việc cấp phép biểu diễn. “Nếu nói có cơ chế xin-cho thì hóa ra Cục NTBD cửa quyền à, trong khi chúng tôi đang thực hiện chế độ một cửa”. Tiết lộ quy trình thẩm định ca khúc, Phó Cục trưởng cho biết, có cả một hội đồng thẩm định nội dung, tác phẩm tốt cấp phép luôn.

Ông Hoàn cũng giãi bày: “Các bạn phải ủng hộ chúng tôi, có thể có một số báo nào đó đưa lên việc gia đình (gia đình chủ sở hữu tác phẩm-PV) nói thế nọ thế kia, qua khảo sát của chúng tôi có thể chưa chắc phải ý kiến của gia đình đâu. Ý kiến đưa ra các đồng chí cứ nói mãi chuyện chiến trường xưa là chiến trường nào. Câu đó là Trưởng phòng của chúng tôi chỉ bàn luận thôi, không phải phát ngôn chính thức”.

“Lệch về cái gì? Danh mục nào?”

Phóng viên Báo ANTĐ đặt câu hỏi, hiện tại trên website chính thức của Cục NTBD và website của Bộ VHTT&DL có sự lệch nhau về danh sách các tác phẩm được cấp phép phổ biến. Ví dụ, trên trang web của Cục NTBD nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chỉ có duy nhất bài hát “Trầu cau”, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chỉ được cấp phép bài “Hương giang dạ khúc’, trong khi đó bài “Lên đàng” của nhạc sĩ này được sử dụng liên tục từ năm 1945 đến nay lại không thấy có tên trong danh sách. Bên cạnh đó, toàn bộ ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao đều không có trong danh sách được cấp phép của Cục NTBD, thay vào đó, các ca khúc này lại được cho là của nhạc sĩ Văn Chung. Trên trang của Bộ, nhạc sĩ Văn Cao được cấp phép 7 ca khúc… Sau khi đặt câu hỏi và Lãnh đạo Cục NTBD quên không trả lời, PV có nhắc lại thì ông Đào Đăng Hoàn nói, chị phải nói đúng tên danh mục tôi mới trả lời được. Nhắc lại tên danh mục thì ông Hoàn tiếp tục hỏi lại “Lệch về cái gì”? “Danh mục nào?”.

Câu trả lời của Cục Phó Cục NTBD khiến cả phòng họp cười ầm. Đỡ lời cho Cục Phó, Người phát ngôn của Bộ, ông Nguyễn Thái Bình thừa nhận, việc lệnh nhau giữa hai danh sách ca khúc được phổ biến trên web của Bộ và Cục là do lỗi kỹ thuật. Ông Thái Bình nói sẽ ghi nhận và cho thống nhất quy chuẩn ngay trong tuần tới.

Trong khi đó trên trang chủ của Bộ VHTT&DL nhạc sĩ Văn Cao được cấp phép 7 bài

Nhân sự chủ trì trả lời họp báo thời điểm này bắt đầu có nhân tố mới. Thay cho ông Đào Đăng Hoàn là ông Nguyễn Minh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục NTBD. Ông Tuấn cho biết, việc hai website của cùng một cơ quan lại có danh sách vênh nhau là do web của Cục NTBD dung lượng nhỏ hơn, khi cập nhật bị lỗi, và không đầy đủ. Thời gian tới, Cục sẽ thiết kế lại nội dung.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo ANTĐ, “Danh mục các bài hát trước 1975 được cấp phép phổ biến” trên trang web của Cục NTBD được cập nhật tính đến trưa 12-4-2017, tức là ngay sau khi có văn bản cấp phép phổ biến trở lại cho “Nối vòng tay lớn”. Trong khi đó, danh sách “Các bài hát sáng tác trước 1975 của các tác giả phía Nam và tác giả định cư ở nước ngoài” của website Bộ VHTT&DL đã dừng cập nhật từ ngày 15-6-2015.

Sáng nay, 12-4, ca khúc Nối vòng tay lớn đã được cấp phép biểu diễn

Trong quá trình họp báo, lãnh đạo Cục NTBD đã viện dẫn rất nhiều các điều khoản từ Nghị định 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012 của Chính phủ Quy định về Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh, bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Trả lời câu hỏi của Báo Văn hóa, nếu trong quá trình thực hiện mà Nghị định có những điều khoản không theo kịp với đời sống thì Lãnh đạo Cục NTBD có tham mưu cho Bộ VHTT&DL đề xuất lên Chính phủ, xem xét sửa đổi một số điều trong Nghị định 15 và Nghị định 79 để tạo thông thoáng hơn trong việc phổ biến, lưu hành các tác phẩm có giá trị, để công chúng được hưởng thụ hay không? Ông Nguyễn Minh Tuấn trả lời, không thể nói khác Luật được song sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.