“Nỗi buồn” khó nói

ANTĐ - Nước uống vào rồi xả ra là hoạt động rất tự nhiên và thiết yếu của cơ thể. Vì thế mọi sự cố liên quan đến hệ tiết niệu đều có ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi người.

Ảnh minh hoạ

Cảm giác không thể “giữ” được nữa

Có thể là nhiễm trùng hoặc bàng quang hoạt động quá mức nếu triệu chứng này đến đột ngột, kèm theo khó chịu. Tuy nhiên, nếu nó tiếp tục diễn ra, khả năng bàng quang người đó hoạt động quá mức, cơn co thắt gửi tín hiệu lên não rằng nó không thể “giữ” được nữa. Thông thường bàng quang của người trưởng thành “xả hết” từ 3 đến 7 lần trong 24 giờ. Tuy nhiên, khi bàng quang hoạt động quá mức, nó sẽ gây cảm giác muốn đi tiểu, thậm chí chỉ mới đầy một nửa. Để kiểm soát tình trạng này, kiểm soát bàng quang bằng cách không cứ buồn là đi, sử dụng chiến thuật phân tâm để cố nán lại lâu hơn. Khi vào nhà vệ sinh, hãy có tâm trạng thật thoải mái cho đến khi bàng quang hoàn toàn trống rỗng.

“Đi” nhiều hơn bình thường

Có thể là đái tháo đường hoặc suy tim. Một dấu hiệu của bệnh đái tháo đường là sản xuất nước tiểu thường xuyên hơn bình thường. Khi có quá nhiều đường trong máu, nó thu hút chất lỏng và làm cho người ta đi tiểu nhiều hơn. Bên cạnh đó, nếu nghi ngờ bệnh tiểu đường nên xét đến yếu tố khát nước hơn thường lệ, có các vết thương lâu lành và giảm cân đột ngột. Ngoài ra, triệu chứng “đi” thường xuyên hơn cũng có thể do suy tim. Kèm theo đó là dấu hiệu chân sưng to hay phù. Khi nghỉ ngơi vào ban đêm, chất lỏng lưu thông trở lại và ra ngoài qua đường nước tiểu. Muốn điều trị, cần phải xét nghiệm máu mới cho kết quả chẩn đoán chính xác.

Tiểu buốt 

Có thể do viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng thận. Viêm bàng quang là bệnh nhiễm trùng bàng quang phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới. Các triệu chứng khác bao gồm mót tiểu, nước đục hoặc tối màu. Tuy nhiên, tiểu buốt cũng có thể do nhiễm trùng thận và nó thường đi kèm với đau vùng thắt lưng. Ngoài ra, không loại trừ nguyên nhân sỏi bàng quang. Để điều trị, uống kháng sinh theo đơn và uống đủ nước để loại bỏ lây nhiễm.

Tiểu rắt

Có thể do phì đại tuyến tiền liệt, phản ứng với thuốc giảm đau. Ở nam giới, tuyến tiền liệt sản xuất tinh dịch, nằm quanh niệu đạo của bàng quang. Tuyến này về mặt tự nhiên dần phình ra khi đàn ông có tuổi. Phì đại tuyến tiền liệt có thể gây cản trở cho việc dẫn nước tiểu trong bàng quang. Bên cạnh đó, thuốc giảm đau liều mạnh cũng có thể khiến các cơ bàng quang suy yếu, làm cho đi tiểu khó khăn hơn.

Són tiểu

Có thể là mất tự chủ đường tiểu. Tiểu không tự chủ là do cơ vòng tiết niệu và cơ bắp sàn khung chậu có chức năng ngăn chặn rò rỉ ở bàng quang trở nên yếu kém hoặc hư hỏng. Khi đó, người ta có thể són tiểu khi có áp lực lên bàng quang như cười, ho hoặc tập thể dục. Phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều vì phần cơ này bị suy yếu do sinh con. Về điều trị, các bài tập khung xương chậu sẽ giúp tăng cường cơ sàn chậu giữ bàng quang và niệu đạo. Cụ thể, thắt chặt cơ từ 10 đến 15 lần liên tiếp khi đang tiểu, tránh giữ hơi thở hoặc co chặt dạ dày, mông, cơ đùi cùng một lúc.

Tiểu đêm

Có thể do thay đổi hormone, có vấn đề về cơ bàng quang, dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt. Cơ thể chúng ta sản xuất ra một loại hormone chống lợi tiểu vào ban đêm, nên thận về đêm hoạt động ít hơn. Vào độ tuổi 40 trở đi, việc sản xuất ra hormone này giảm xuống, nhu cầu đi vệ sinh thường xuyên hơn, gọi là tiểu đêm.

Trường hợp nghiêm trọng hơn, người tiểu đêm lao vào nhà vệ sinh nhưng tiểu khó hoặc tiểu ít, đó có thể báo hiệu bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Cũng có thể đơn giản là bàng quang lão hóa và khắc phục bằng các bài tập về khung xương chậu.