Nỗi buồn “đa cấp”

ANTĐ - Cơn “bão” vỡ nợ đi qua đã để lại những dư âm vô cùng nặng nề. Một người vỡ nợ kéo theo cả chục người liên lụy theo. Kiểu vay nợ theo hình thức “đa cấp” này đã đẩy biết bao gia đình vào tình cảnh khốn đốn. Nhiều làng quê vốn thanh bình yên ả bỗng dưng xáo động, hoang mang. 

Căn nhà số 5 Nguyễn Thái Học - Hà Đông bị con nợ khủng bố bằng vòng hoa


Không đòi được thì trả thù

Trong số các vụ vỡ nợ ồn ào khắp Hà Nội thì “dư âm” của vụ vỡ nợ tại ngôi nhà số 5, phố Nguyễn Thái Học, quận Hà Đông vẫn đứng đầu về độ dai dẳng. Dù đã xảy ra gần một tháng nay nhưng “cơn điên” của các chủ nợ vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Trước cửa ngôi nhà này, ngoài các lực lượng dân phòng còn có thêm các chủ nợ vẫn ngày đêm lảng vảng. Nếu như các con nợ khác hoặc đã cao chạy xa bay hoặc ra đầu thú, bị công an bắt giữ thì riêng vụ Hà Đông, các chủ nợ khẳng định vợ chồng bà Dậu vẫn ở trong nhà. Và để cho con nợ không có cơ hội trốn, các chủ nợ đã có “sáng kiến” đổ cả bê tông vào cửa hiện tại không thể mở ra được.

Ngoài đòn “trả thù miệng” của các chủ nợ vẫn hàng ngày ra rả bên ngoài thì sự uất hận còn được trút cả vào bức tường vô tri vô giác. Cửa kính bị ném vỡ, cửa chính dù bằng sắt cũng lồi lõm vì gạch đá. Sơn màu xanh đỏ xịt tứ tung lên tường. Phân gio, rác rưởi, mắm tôm được các chủ nợ dùng để “khủng bố” với ý nghĩ vợ chồng bà Dậu sẽ không thể chịu nổi mà phải “ngoi” ra.

Kinh hãi nhất là có cả máu chó, vòng hoa, bát hương nghi ngút khói được đặt trước cửa ngôi nhà khiến ai nhìn vào cũng rùng mình, khiếp sợ. Đối diện bên đường là cả chục chủ nợ với nét mặt căm giận đến lạnh lùng suốt ngày này qua ngày khác. Dù biết có “ngồi đồng” ở đó cũng chẳng mang lại kết quả gì với số tiền đã “trót gửi cho ác”, nhưng những kẻ cùng đường này nói rằng: “Thà ngồi đó gặm nhấm cho vơi đi nỗi đau bị lừa chứ về nhà chúng tôi cũng chẳng còn tâm trí đâu mà làm việc khác. Dù sao ở đây cũng còn gặp được nhiều người cùng cảnh ngộ để chia sẻ nỗi niềm”.

Cháy thành vạ lây

Trước đây, khi còn giàu sang phú quý mấy ai biết rằng Dậu đang có một người mẹ già tên Đ đã 75 tuổi vẫn chạy chợ từng bữa. Mới đây, một số chủ nợ ác tâm tung tin Dậu bị chết, mọi người thấy bà Đ lập cập tìm đến nhà con gái. Cảnh một bà cụ run rẩy ngóng con khiến ai cũng não lòng, vì thế dù đang trong “cơn điên” nhưng cũng khá đông người tỏ vẻ cảm thông với bà Đ khi nghe bà kể rằng, chính Dậu cũng lừa cả bà, cả anh chị em ruột trong nhà. Ngôi nhà bà Đ đang ở đã bị Dậu mang “sổ đỏ” đi cầm cố. Kể cả số tiền ít ỏi bà dành dụm bấy lâu con gái cũng đã vét hết. Xưa nay dù được tiếng là có con gái giàu có nhưng bà Đ chẳng được nhờ vả gì. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà vẫn sớm tối mưu sinh. Cuối đời, bà lại phải xấu hổ với bà con chòm xóm vì cái tiếng có đứa con “lừa đảo”. Bản thân bà Đ, cũng chưa biết phải… ra đường lúc nào.

Trước cửa đền Quán Đôi, quận Cầu Giấy, hàng ngày người ta vẫn thấy người đàn ông già nua khắc khổ ngồi sửa xe đạp. Chỉ đến khi vụ vỡ nợ mang tên Phạm Thị Chinh vỡ lở mọi người mới ngạc nhiên bởi người đàn ông sửa xe kia lại là bố đẻ của “đại gia” Chinh. Hàng ngày Chinh vẫn đi làm bằng ô tô láng coóng, tiêu tiền không tiếc tay. Con “thành đạt” là vậy nhưng bố thì vẫn phải kỳ cạch kiếm từng đồng tiền mọn. Phần lớn những người sống ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy vẫn cho rằng bố mẹ Chinh là những người rất tử tế. Chẳng thế mà khi Chinh cần tiền “làm ăn”, bố mẹ đi hỏi vay hộ ai cũng sẵn lòng. Thế nhưng, giờ thì Chinh đã vỡ nợ, biến bố mẹ thành những người lừa đảo. Chẳng còn cách nào khác, ông bà đành chạy trốn cùng con.

Bi kịch phía sau con nợ

Trong số những “đại gia” vỡ nợ thì Nguyễn Thị Cúc ở Phú Xuyên (Hà Nội) nổi danh là kẻ ăn chơi. Cách lừa tiền của Cúc cũng khác người. Cúc chỉ “giao dịch” với những đầu nậu cho vay lớn. Hàng chục “đầu nậu” đứng ra gom tiền rồi cho Cúc vay. Sau khi Cúc vỡ nợ, người gom tiền cũng vỡ theo. Chiều 28-10-2011, chúng tôi tìm về xã Văn Nhân và thị trấn Phú Minh, nơi Cúc cư trú. Mọi người ở đây bảo, dân buôn bán ở thị trấn hầu hết “dính đòn” của Cúc. Tuy nhiên, tìm đến một số chủ nợ trong vụ án họ đều từ chối. Tìm đến thôn Văn Minh, xã Văn Nhân, tôi may mắn được chị V, một chủ nợ cho vay 3 tỷ đồng tiếp chuyện. Chị V bảo, vợ chồng chị vốn làm nghề vận tải, cũng có chút tiền và đang xây dở ngôi nhà 3 tầng.

Tháng 6-2011, vợ chồng chị được anh C trong xóm đến rỉ tai: “Cho vay tiền sẽ trả lãi suất cao”. Nhà cũng chẳng dư dả nhưng thấy lãi suất lớn, vợ chồng chị V đã huy động anh em họ hàng cho C vay với số tiền 3 tỷ đồng. Khi biết Cúc vỡ nợ, chị V đã nghi ngờ nhưng được C trấn an là “không liên quan”. Thế nhưng, mới đây vợ chồng chị đau đớn khi biết tin C… cũng vỡ nợ bởi đã gom tiền cho Cúc. “Nhà xây lên giờ không có tiền mà mua sơn, rồi còn tiền của mọi người nữa chứ. Vợ chồng tôi chắc chết mất”, chị V nức nở.

Với kiểu huy động tiền cho vay theo hình thức “đa cấp” nên một người vỡ nợ đã kéo theo hàng trăm người khuynh gia bại sản theo. Mới đây, trong khi trả lời báo chí, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an nói rằng: Tỷ lệ thu hồi tài sản tại các vụ nỡ nợ là rất thấp. Bởi phần lớn tiền đã được con nợ đầu tư vào các thị trường bất động sản, tài chính - chứng khoán, vàng… Khi các thị trường này sụt giảm, việc thu hồi lại vốn rất khó.

Không thu hồi được có nghĩa là những người cho vay sẽ mất trắng. Xem ra “hậu” vỡ nợ sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng lớn. Sẽ có rất nhiều gia đình nát tan vì những vụ vỡ nợ thế này.