“Nỗi buồn chiến tranh” lên phim  

(ANTĐ) - Tác phẩm văn học của nhà văn Bảo Ninh được đạo diễn người Mỹ Nicholas Simon chọn để chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Bộ phim được lấy tên là “Thân phận tình yêu”. Hodafilm (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam) được chọn là đối tác phía Việt Nam - chịu trách nhiệm lo dịch vụ cũng như ê-kip Việt Nam cho bộ phim. Dự kiến, đoàn làm phim sẽ khởi quay “Thân phận tình yêu” vào tháng 11 tới tại Việt Nam.

“Nỗi buồn chiến tranh” lên phim  

(ANTĐ) - Tác phẩm văn học của nhà văn Bảo Ninh được đạo diễn người Mỹ Nicholas Simon chọn để chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Bộ phim được lấy tên là “Thân phận tình yêu”. Hodafilm (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam) được chọn là đối tác phía Việt Nam - chịu trách nhiệm lo dịch vụ cũng như ê-kip Việt Nam cho bộ phim. Dự kiến, đoàn làm phim sẽ khởi quay “Thân phận tình yêu” vào tháng 11 tới tại Việt Nam.

Nhà văn Bảo Ninh và các nghệ sỹ tham gia làm phim
Nhà văn Bảo Ninh và các nghệ sỹ tham gia làm phim

Những bước khởi động đầu tiên

7 tháng sau khi nhận được giấy phép của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, bộ phim “Thân phận tình yêu” mới bắt đầu khởi động. Khoảng cuối tháng 7-2008, đạo diễn Nicholas Simon đã trở lại Hà Nội.

Anh đã tới Việt Nam từ trước đó một tháng để cùng ê-kip làm phim tiến hành khảo sát bối cảnh tại Ba Vì, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên. Khâu tuyển nhân sự, chuẩn bị máy móc cho các cảnh quay tại Việt Nam cũng được tiến hành.

Đầu tháng 8 này, việc khảo sát bối cảnh đã hoàn tất, nhưng việc tuyển diễn viên cho hai vai chính là Kiên và Phương vẫn còn chưa có kết quả. Với đoàn làm phim đây là bài toán khó, bởi nhân vật Phương rất trẻ - 17 tuổi, trong sáng nhưng rất nồng nàn và mãnh liệt với mối tình đầu, rồi lại là Phương ở tuổi 40 - người phụ nữ rã rời và từng trải.

Còn Kiên - khi là một tân binh bước vào cuộc chiến khi rời khỏi cổng trường Chu Văn An, lãng mạn và bồng bột. Rồi cũng là Kiên - khi đã trở thành người đàn ông đã kinh qua bao gian nan cũng như cảnh chết chóc, khi là một nhà văn luôn đầy ắp những ẩn ức và sự biến dạng của tâm hồn.

Theo giới chuyên môn, hai vai diễn này quá “nặng ký”, thật khó tìm được gương mặt diễn viên vào vai Kiên và Phương ở những giai đoạn cuộc đời, với quá nhiều diễn biến tâm lý, thay đổi cả hình thức lẫn nội tâm... Đó là chưa kể đến khoảng cách giữa thời điểm và bối cảnh phim với thế hệ diễn viên trẻ hiện nay.

Đạo diễn Nicholas Simon
Đạo diễn Nicholas Simon

Đạo diễn Nicholas Simon đã trực tiếp tham gia các buổi casting diễn viên cho bộ phim. Rất nhiều gương mặt quen thuộc của điện ảnh, truyền hình trong nước đã đến casting. Có thể gặp Thiện Tùng, Hải Yến, Bảo Kỳ, Hoàng Thùy Linh... trong buổi casting này, nhưng diễn viên cho hai vai chính vẫn chưa được tìm thấy.

Đạo diễn Trần Anh Hoa - người phụ trách việc tuyển diễn viên cho biết: “Tới thời điểm này, đoàn làm phim vẫn chưa tìm được gương mặt ưng ý cho vai Kiên và Phương”.

Đạo diễn Nicholas Simon đã xác định rằng khi chọn quay những bối cảnh chính tại Việt Nam, đoàn làm phim đã lường trước những khó khăn sẽ gặp phải. Đó là trường quay, vũ khí dùng trong phim, vốn đầu tư...

Nhưng ê-kíp làm “Thân phận tình yêu” rất tự tin, bởi họ là những người chuyên nghiệp, đã từng có thời gian dài nghiên cứu về lịch sử, địa lý và văn hóa Việt Nam. Trên thực tế, họ là những người gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, và họ đã theo đuổi ý tưởng chuyển thể “Nỗi buồn chiến tranh” thành tác phẩm điện ảnh tới 10 năm trời.

Ê-kíp làm phim

Thật hiếm khi đoàn làm phim nước ngoài chọn Việt Nam khi tìm những bối cảnh quay chính, mặc dù có những bộ phim mang bối cảnh Việt Nam. Đa phần ê-kíp làm phim sẽ chọn Thái Lan, Malaysia hoặc Campuchia... để lấy bối cảnh cho bộ phim có đề tài về Việt Nam. Đạo diễn Oliver Stone vốn nổi tiếng và đã giành hai giải Oscar với những bộ phim có đề tài về Việt Nam cũng chưa từng chọn bối cảnh phim tại Việt Nam. Nhưng Nicholas Simon đã chọn Việt Nam.

Nicholas Simon không mấy xa lạ với nhiều người Việt Nam, anh là đạo diễn nổi tiếng ở Anh và Mỹ. Nicholas Simon từng cùng đạo diễn Oliver Stone tới thăm Mỹ Lai hồi tháng 9-2007, khảo sát cho bộ phim Pinkville (Làng Hồng) tại Quảng Ngãi.

Anh cũng là đạo diễn clip quảng cáo rất thành công cho nhãn hiệu Biti’s với câu slogan: “Nâng niu bàn chân Việt”, và năm 2000 anh cũng tham gia thực hiện bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng với vai trò nhà sản xuất.

Cùng với Nicholas Simon, những thành viên chính của đoàn làm phim cũng đều rất quen. Nhà sản xuất bộ phim này - Dominic Scriven là Giám đốc Hãng phim độc lập tại Anh tên là Vietfilm (Vietfilm Enteprises Ltd). Dominic Scriven hiện đang sở hữu Công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital tại thành phố Hồ Chí Minh - một trong những công ty chứng khoán mạnh nhất Việt Nam.

Mặt khác, Dominic Scriven là một “ông Tây” có thể nói tiếng Việt với những từ lóng, thậm chí thường xuyên la cà ở vài “quán bia hơi vỉa hè” Vân Hồ. Nhiều người Hà Nội đã trở nên thân thuộc với “ông Tây có mái tóc buộc đuôi ngựa”.

Gần 20 năm ở Việt Nam, ngoài kinh doanh, Dominic Scriven được những người quan tâm tới văn hóa biết tới do anh đã nhanh tay sở hữu bản quyền tiếng Anh cuốn The sorrow of war (Nỗi buồn chiến tranh) với cái giá rẻ giật mình… 5.000 USD.

Còn Henri Trần, Richard Connors cũng không xa lạ gì. Henri Trần (Phimatsset Henri Trần Anh Dũng) vốn là em trai của đạo diễn Trần Anh Hùng, cố vấn sản xuất phim, Giám đốc Công ty Quảng cáo và sản xuất phim Đông Nam. Anh sinh ra tại Lào, lớn lên tại Pháp và lập nghiệp tại Việt Nam, năm 1992 đã từng về Việt Nam làm trợ lý cho phim Mùa hè chiều thẳng đứng của anh trai.

Richard Connors đã “làm rể Việt Nam” khá lâu, vợ anh chính là đạo diễn Trần Anh Hoa - người phụ trách tuyển diễn viên cho bộ phim “Thân phận tình yêu”. Richard Connors từng làm phó đạo diễn của hầu hết các tác phẩm của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, anh là người quay những thước phim “Đừng đốt, trong đó đã có lửa” tại Mỹ.

“Thân phận tình yêu” đã sớm được rất nhiều người kỳ vọng, kể từ chính những người trong ê-kíp làm phim cho đến những người từng đọc “Nỗi buồn chiến tranh” hay “The sorrow of war”. Nhà văn Bảo Ninh - tác giả văn học của bộ phim cũng rất kỳ vọng, dù ông biết rằng “chuyển tải hết được câu chuyện lên phim là không hề đơn giản”.               

 Thiên Điểu