Nơi biên cương nghẹn lòng

ANTĐ - Trong chuyến đi công tác lên huyện vùng cao Trạm Tấu, Yên Bái sau đợt mưa bão tháng 9, tôi đã đến dự buổi lễ khai giảng muộn tại một điểm trường cắm bản ở một nơi xa và khó khăn nhất của huyện Trạm Tấu, điểm trường mầm non Háng Gàng, xã Pá Hu. 

Niềm vui ngày khai trường

Trường học “treo” lưng chừng núi

Những cơn mưa liên tiếp từ vài ba ngày trước khiến con đường vốn đã không mang hình hài một con đường trở nên tồi tệ hơn. Bề mặt đường không quá 1 mét ngang, nhiều đoạn chỉ rộng chừng nửa mét và nhão nhoét đất bùn trơn trượt. Nhiều đoạn lại dốc đứng. Những chiếc cầu dã chiến do người dân trong bản tự dựng lên từ những thân gỗ xẻ, nép vào vách núi rộng chỉ hơn một gang tay, khiến chuyến đi xuống bản của chúng tôi thêm bội phần vất vả, gian nan.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng trường tiểu học – trung học cơ sở nội trú Pá Hu (điểm trường chính phụ trách tất cả các điểm trường cắm bản của cả xã) đồng hành cùng chúng tôi trong suốt chặng đường, vừa đi vừa kể: “Đường vào điểm trường Háng Gàng chỉ chừng 20 cây số nhưng nhiều khi đi mất cả ngày. Những ngày nắng liên tục, đường khô ráo, đi lại cũng đã khó khăn bởi đường hẹp và nhiều dốc đứng. Còn những hôm trời mưa thì bùn lầy lội đến gối… Đến được trung tâm xã Pá Hu mới chỉ hoàn thành được nửa chặng đường mà thôi”.


Nơi biên cương nghẹn lòng ảnh 2
Một bạn nấu cơm, cả nhóm đứng chờ

Nơi biên cương nghẹn lòng ảnh 3

Bữa trưa ngày thứ 7 của trẻ mầm non tại điểm trường cắm bản Háng Gàng

“Thương bọn trẻ quá”

Bí thư xã Pá Hu, ông Mùa A Tông tươi cười cùng cái chất cởi mở của người vùng cao, cho biết: “Các cháu học sinh cắm bản ở Háng Gàng vất vả lắm. Học mầm non mà có đứa từ nhà đến trường phải đi bộ 4-5 cây số. Thế mà hàng ngày, các cháu không sợ mưa nắng, không ngại đường sá khó khăn vẫn đến trường. Nghĩ đến cảnh bọn trẻ đi bộ đến trường khó khăn như thế thì người làm lãnh đạo như tôi sao lại không vào thăm các cháu được. Khai giảng năm học mới vì mưa lũ mà đã bị muộn mất gần chục ngày rồi, thương bọn trẻ quá!”. 

Lễ khai giảng muộn ở điểm trường Háng Gàng cũng trùng với buổi lễ khánh thành, bàn giao điểm trường mới được xây dựng. Đã từ nhiều năm nay, điểm trường Háng Gàng luôn là nỗi trăn trở của chính quyền huyện, xã, và các thầy cô giáo. Điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá nguy hiểm và bị chia cắt nhiều do địa hình đặc thù của vùng núi cao. “Các nhà tài trợ đã giúp các em hôm nay có ngôi trường mới, khang trang. Hi vọng từ đây, các em đã có điều kiện học tập tốt hơn. Đây là điều hạnh phúc khôn tả dành cho các em trong ngày khai giảng đặc biệt này…”, Bí thư Huyện ủy huyện Trạm Tấu xúc động trong lễ khánh thành, bàn giao điểm trường Háng Gàng.

Cái sự rộn ràng của năm học mới, những ánh mắt ngây thơ của con trẻ đã khiến chúng tôi như trẻ lại, như hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, háo hức đón năm học mới. Các thành viên đoàn công tác, giáo viên, cán bộ huyện, cán bộ xã, mỗi người một chân một tay. Người treo băng rôn khẩu hiệu, người treo biển trường, người cắm cờ Tổ quốc, nhóm còn lại hướng dẫn các em xếp hàng ngay ngắn. Tiếng cười nói, tiếng trẻ ríu rít nhận quà và cả những giọt nước mắt xúc động âm thầm trong lòng những người có mặt.

Chia tay đoàn sau buổi giao lưu vui vẻ, giản dị cùng dân bản, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích rơm rớm nước mắt ôm các thành viên chương trình “Áo ấm biên cương” nghẹn ngào “Bao giờ các anh các chị lại lên?”. Những giọt nước mắt nghẹn ngào cứ rơi không thể nào ngăn được. 

Đường vào điểm trường cắm bản Háng Gàng

“Ngồi nghe suối chảy thôi”

Đến với điểm trường cắm bản xa của mầm non - tiểu học Háng Gàng, câu chuyện đầu tiên tôi nghe được là những nỗi buồn. Hôm đó, khi vào đến bản Háng Gàng, mặc dù rất mệt mỏi sau một ngày dài quốc bộ dưới trời mưa phùn, nhìn thấy cô giáo Ưng, đang ngồi thả chân bên suối, tôi hỏi: “Sao cô giáo lại ngồi một mình bên suối giữa mưa phùn thế này?”. Cô giáo cười: “Trong bản không có tivi, không điện thoại, cũng chả có gì để giải trí cả. Cứ hết giờ dạy học buổi chiều thì em lại ra suối ngồi một mình nghe suối chảy thôi, anh ạ”. Nỗi vất vả của chặng đường cuốc bộ hai mươi cây số dưới mưa phùn vụt trôi đi, chả thấm tháp gì so với nỗi buồn của một cô giáo trẻ tình nguyện lên với các em nhỏ vùng cao nơi đây. Ưng sinh năm 1991, thế mà đã có gần 2 năm tình nguyện lên đây dạy học.

Việc dạy và học ở một địa phương nghèo như tại bản Háng Gàng là một điều vô cùng khó khăn. Cô giáo Lương, Hiệu phó trường mầm non – tiểu học – trung học nội trú Pá Hu, cho biết: “Giữ được một giáo viên gắn bó ngay tại điểm trường chính đã là điều khó. Thuyết phục được một giáo viên dám chấp nhận hy sinh vào dạy tại các điểm trường cắm bản xa lại còn khó khăn gấp bội phần. Các thầy cô giáo lên với các em nhỏ vùng cao hầu hết đều còn trẻ, ngày ngày đối mặt với khó khăn không phải ai cũng vượt qua được. Bởi vậy, các thầy cô giáo nếu trụ lại với trường được 2-3 năm thì đã là điều đáng tuyên dương, trân trọng rồi”. Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ trẻ em vùng cao, miền núi. Các em được hỗ trợ kinh phí học tập đầy đủ trong 9 tháng của một năm học. Học sinh mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi cũng đã bắt đầu được nhận tiền trợ cấp theo Quyết  định số 60/TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức 120.000 đồng/tháng/học sinh… Nhờ đó bữa ăn, giấc ngủ, học phí của các em cũng bớt khó khăn hơn. 

Hôm ấy đúng bữa trưa ngày cuối tuần, 7 em học sinh lớp 8 trong phòng nội trú trường mầm non – tiểu học – trung học cơ sở Pá Hu đầy ắp tiếng cười hồn nhiên. Những cái đầu sì sụp, cắm cúi ăn. Em Mùa A Tếnh đặt bát cơm lên chiếu, quệt ngang một cái rồi kể: “Cuối tuần bọn cháu phân công nhau, đứa nấu cơm, đứa vào rừng kiếm thêm rau. Nước canh còn có cả mì tôm đấy, chú ạ”. A Tếnh nhoẻn cười rồi chìa cái bát cho tôi: “Chú có ăn không?”. Nhìn bọn trẻ xoắn xuýt với bữa cơm kham khổ, nhìn những ánh mắt hồn nhiên, những cái miệng xinh ê a lại nghĩ đến cuộc sống đầy đủ hoang phí, những bữa cơm thừa mứa ở miền xuôi, tôi bất giác cộn lên những xót xa khó tả. Những bữa cơm trắng với ớt tươi, lá gừng đến bao giờ mới hết đắng cay…